Nuôi thủy sản nước ngọt: “Nóng” chuyện cơ chế quản lý

Chưa có đánh giá về bài viết

(Thủy sản Việt Nam) – Giống giảm chất lượng, dịch bệnh tăng, quản lý nuôi trồng thủy sản chồng chéo, bất cập, là những vấn đề cấp bách đặt ra tại Hội nghị Sơ kết tình hình nuôi trồng thuỷ sản nước ngọt 9 tháng đầu năm 2011 vùng Nam bộ do Bộ NN&PTNT vừa tổ chức, tại tỉnh Tiền Giang.

Giống giảm chất lượng, dịch bệnh tăng

Tại Hội nghị, hầu hết các địa phương đều cho rằng từ đầu năm tới nay, mặc dù bị tác động mạnh bởi yếu tố thị trường, giá cả lên xuống không ổn định nhưng đa số người nuôi cá vẫn có lãi và tiếp tục đầu tư trong vụ tới. Tuy nhiên, theo lãnh đạo các Chi cục Thuỷ sản, trong thời gian qua công tác sản xuất, cung ứng giống mới thay thế đàn giống cũ cũng như việc quản lý các loại giống thuỷ sản không được chú trọng, nhiều địa phương chịu thiệt hại nặng vì dịch bệnh dẫn tới năng suất giảm rõ rệt.

Theo ông Phan Hữu Hội, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Tiền Giang, toàn tỉnh có khoảng trên 6.200 ha diện tích nuôi trồng thuỷ sản nước ngọt, tuy nhiên chỉ có 2 trại cá giống lớn, còn lại là sản xuất giống nông hộ quy mô nhỏ. Ông Hội cho hay, hiện đàn cá giống trong dân đối mặt tình trạng thoái hoá nghiêm trọng. Tỷ lệ sống đối với cá tra chỉ ở mức 10%, các loại cá khác như rô phi, điêu hồng cũng chỉ đạt khoảng 25-30%. Thêm vào đó, việc quản lý nguồn thức ăn, chế phẩm sinh học gặp khó khăn do các cơ sở cung cấp tự ý đi khảo nghiệm rồi tổ chức bán cho người dân, Chi cục không nắm hết số lượng các cơ sở đủ điều kiện cung cấp nên rất khó quản chặt.

>> Các vấn đề về môi trường thì Phòng Tài nguyên Môi trường lo, phần kiểm định chất lượng con giống và quản lý các cơ sở kinh doanh thức ăn, thuốc trị bệnh thuỷ sản do Chi cục Thú y lo. Vì thế, Chi cục Thủy sản mặc dù theo lý thuyết được giao rất nhiều nhiệm vụ, nhưng thực tế không có thực quyền.

Bà Phạm Thị Thu Hồng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Vĩnh Long thì cho rằng, thực trạng ương nuôi cá bột tự phát dẫn đến môi trường ao nuôi kém chất lượng cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới tỷ lệ sống của con giống suy giảm. Thêm nữa, giá cá bột có những thời điểm giảm mạnh còn 0,5 đồng/con, vì thế các trại giống không muốn đầu tư mở rộng sản xuất. Cũng theo bà Hồng, mặc dù Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thuỷ sản II đã có những nghiên cứu chọn lọc sản xuất cá giống bố mẹ để cung ứng cho các địa phương nhưng việc cung ứng còn khá chậm, nhiều nơi đến thời điểm này vẫn chưa nhận được con giống nào từ các chương trình thực hiện từ năm 2001-2003.

Về dịch bệnh, ông Tiết Tiến Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Cà Mau cho hay, do diễn biến thời tiết phức tạp, các tháng vừa qua xảy ra nắng nóng kéo dài cộng thêm sự thoái hoá của con giống nên nhiều cơ sở nuôi tôm công nghiệp của tỉnh bị nhiễm bệnh đốm trắng. Thống kê của ngành thuỷ sản Cà Mau trong vòng 9 tháng qua đã có khoảng hơn 8.300 ha tôm bị nhiễm bệnh. Nhiều ao nuôi thiệt hại quá 50% do tôm chết không rõ nguyên nhân. Tương tự, ở Bến Tre có hơn 1.500 ha diện tích nghêu đã bị chết vì nhiễm ký sinh trùng, gây thiệt hại trên 400 tỷ đồng từ đầu năm tới nay.

Sẽ hoàn thành danh bạ quản lý cơ sở về sản xuất nuôi trồng thủy sản trên phạm vi toàn quốc

 

Quản lý chồng chéo

Một trong những vấn đề nóng nhất được nhiều lãnh đạo ngành thuỷ sản ở các địa phương quan tâm đó là cơ chế quản lý nhà nước về công tác nuôi trồng thuỷ sản còn quá nhiều bất cập.

Ông Tiết Tiến Dũng cho rằng, hiện nay phần việc của các Chi cục Thủy sản gần như được Chi cục Thú y và Phòng Tài nguyên Môi trường các địa phương lo trọn. Ví như việc quản lý chất lượng giống được giao cho Chi cục Thủy sản, tuy nhiên khâu kiểm dịch và cấp phép lại do cơ quan thú y tiến hành thẩm định. Điều này tạo sự chồng chéo khiến các cơ quan quản lý nhà nước về nuôi trồng thuỷ sản không thể thực hiện đồng bộ và không biết bắt đầu từ đâu. Cũng theo ông Dũng, hiện nay các tiêu chuẩn quốc gia về quản lý chất lượng con giống thuỷ sản cũng chưa được ban hành đồng bộ, trong khi đó tiêu chuẩn ngành về quản lý chất lượng các loại giống thuỷ sản ban hành trước đây lại chưa được sửa đổi phù hợp. Vì thế, các địa phương không biết dựa vào đâu để tiến hành thanh tra, kiểm tra khi về các cơ sở sản xuất, kinh doanh.

Bà Phạm Thị Thu Hồng cũng cho rằng, các cơ sở cung ứng thuốc thú y, thức ăn gia súc kiêm thêm bán chế phẩm sinh học, thức ăn, thuốc trị bệnh dành cho thuỷ sản ở các địa phương đang mọc lên như nấm. Tuy nhiên, việc kiểm tra, thẩm định chất lượng các sản phẩm thì Chi cục Thủy sản các địa phương không trực tiếp làm được vì không được trao quyền.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNTNguyễn Thị Xuân Thu

 Những việc cần làm ngay

Tổng cục Thuỷ sản cần thực hiện 12 nhiệm vụ trong thời gian tới. Trong đó, đặc biệt là đề xuất xây dựng thông tư liên bộ để quy định rõ chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan nhà nước trong việc quản lý nuôi trồng thuỷ sản, ban hành thông tư hướng dẫn về việc thực hiện VietGAP trong nuôi trồng thuỷ sản, xây dựng dự án phát triển đàn cá giống chất lượng quốc gia… Chi cục Thuỷ sản địa phương cần nhanh chóng lập danh bạ các hộ, các cơ sở sản xuất cá tra, cá rô phi, tôm càng xanh để Tổng cục Thuỷ sản tổng hợp và hoàn thiện danh bạ quản lý cơ sở nuôi trồng thuỷ sản trên phạm vi toàn quốc vào đầu năm tới.

Hà Minh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!