T2, 06/07/2020 12:29

Nuôi thủy sản ở Sông Cầu: Hàng chục tỉ đồng trôi theo lũ

Chưa có đánh giá về bài viết

Đợt mưa lũ kéo dài từ ngày 2-5/11 đã khiến nhiều vùng nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh bị thiệt hại nặng, trong đó TX Sông Cầu bị thiệt hại nặng nhất. UBND TX Sông Cầu kiến nghị có chính sách khoanh nợ, giãn nợ và tiếp tục cho vay đối với các hộ bị thiệt hại để bà con có điều kiện tái sản xuất.

Các hộ nuôi ốc hương ở xã Xuân Thịnh (TX Sông Cầu) lựa những con ốc còn sống để bán, gỡ gạc lại vốn - Ảnh: ANH NGỌC

Các hộ nuôi ốc hương ở xã Xuân Thịnh (TX Sông Cầu) lựa những con ốc còn sống để bán, gỡ gạc lại vốn – Ảnh: ANH NGỌC

Bất lực nhìn tôm hùm chết

Ông Nguyễn Xuân Tình ở thôn Hòa Lợi, xã Xuân Cảnh, cho biết: “Vụ này, gia đình tôi đầu tư nuôi 25 lồng tôm hùm, đến nay tôm được 3-12 tháng tuổi. Bình quân tôm lớn từ 100-200 con/lồng, tôm nhỏ khoảng 700 con/lồng. Đợt lũ vừa qua, nước ngọt đổ về đầm Cù Mông, đã làm ngọt hóa các vùng nuôi, khiến tôm hùm chết hàng loạt. Các ngày mưa lũ, tôi thường xuyên kiểm tra và phát hiện tôm chết. Đến ngày 6/11, tôm hùm nuôi của gia đình tôi đã chết hơn 80% số lượng. Tổng số tiền đầu tư cho vụ nuôi này hơn 700 triệu đồng, trong đó vay ngân hàng và người quen hơn 100 triệu đồng, còn lại là vốn tích góp của gia đình hơn 10 năm nay, giờ thì trắng tay”. Còn ông Tô Văn Luôn cũng ở thôn Hòa Lợi, nói: Gia đình tôi thả nuôi hơn 3.000 con tôm hùm, tôm từ 2-6 tháng tuổi. Đến ngày 6/11, tôm đã chết hơn một nửa và đang tiếp tục chết. Số tiền đã đầu tư hơn 400 triệu đồng, trong đó chủ yếu là tiền vay ngân hàng và người quen. Không biết tới đây, gia đình tôi làm gì để trả nợ, chứ đừng nói chuyện đầu tư nuôi lại.

Trước khi mưa lũ đổ về, người nuôi tôm hùm ở Hòa Lợi đã hạ lồng nuôi xuống gần đáy để phòng tránh nước ngọt ảnh hưởng đến tôm nuôi theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Tuy nhiên, lượng nước lũ đổ về quá lớn đã khiến tôm nuôi ở khu vực đầm Cù Mông chết với số lượng lớn. Độ mặn của nước ở đầm Cù Mông đang rất thấp, không chỉ tôm hùm mà nhiều đối tượng thủy sản nuôi khác cũng chết.

Theo Phòng Kinh tế TX Sông Cầu, đến ngày 6/11, khoảng 250 hộ nuôi tôm hùm trên địa bàn thị xã bị thiệt hại do mưa lũ. Riêng tại thôn Hòa Lợi, xã Xuân Cảnh có khoảng 286.000 con tôm hùm của 230 hộ bị chết, ước thiệt hại hơn 31 tỉ đồng. Ngoài ra, có khoảng 6.000 con tôm hùm nuôi tại thôn Hòa Thạnh, xã Xuân Cảnh và 10.000 con tôm nuôi ở xã Xuân Thịnh cũng chết do nước lũ. Ông Nguyễn Thái Hải Anh, cán bộ Phòng Kinh tế TX Sông Cầu, cho biết: Lũ lụt vừa qua đã gây thiệt hại rất lớn đối với người nuôi tôm hùm ở thị xã, trong đó tập trung ở khu vực đầm Cù Mông. Hiện lượng nước ngọt chiếm chủ yếu ở các vùng nuôi thuộc đầm này nên người nuôi chưa thể kéo lồng lên mặt nước để kiểm tra, nhưng theo người dân thì lượng tôm nuôi chết còn ở dưới nước là rất nhiều. Phòng Kinh tế TX Sông Cầu tiếp tục tổng hợp và báo cáo cho tỉnh…

Người nuôi tôm thẻ chân trắng, ốc hương cũng thiệt hại

Không chỉ tôm hùm, nhiều diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng ở TX Sông Cầu cũng ngập trong nước lũ. Ông Lê Văn Tư ở thôn Hòa Mỹ, xã Xuân Cảnh, cho hay: Gia đình tôi nuôi hơn 3.000m2 tôm thẻ chân trắng; tôm đã được 2 tháng tuổi, với vốn đầu tư hơn 100 triệu đồng. Đợt lũ vừa qua làm ngập hồ, cuốn trôi tôm, gây thiệt hại nặng.

Không chỉ gia đình ông Tư, nhiều người nuôi tôm thẻ chân trắng ở xã Xuân Cảnh cũng thiệt hại do mưa lũ gây ra, như: hộ ông Nguyễn Hữu Phận nuôi 5.000m2 tôm, thiệt hại hơn 400 triệu đồng; hộ ông Trương Đình Khoa nuôi 3.000m2 tôm, thiệt hại hơn 150 triệu đồng…

Chưa dừng lại ở đó, nhiều hộ nuôi ốc hương ở địa phương này những ngày qua cũng đứng ngồi không yên do mưa lũ. Ông Huỳnh Văn Quân ở thôn Hòa Hiệp, xã Xuân Thịnh cho biết, gia đình ông cùng ba gia đình khác hùn vốn nuôi 3.000m2 ốc hương, với tổng vốn đầu tư hơn 1,1 tỉ đồng. Ốc nuôi được 6 tháng, đạt kích cỡ khoảng 160 con/kg và đang đến kỳ thu hoạch. Tuy nhiên, do giá ốc hương thương phẩm hạ từ 150.000 đồng/kg (loại 150 con/kg) giảm còn 100.000 đồng/kg, nên chúng tôi chưa xuất bán. Nước lũ tràn về trong những ngày qua, làm nước trong hồ ngọt hóa, ốc chết sạch, mất trắng.

Còn gia đình ông Đặng Văn Nhanh cũng ở xã Xuân Cảnh nuôi 1.500m2 ốc hương, mưa lũ tràn về, khiến 50% lượng ốc nuôi bị chết; số còn lại bán với giá từ 20.000-50.000 đồng/kg, lỗ hơn 110 triệu đồng.

Ông Lương Công Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TX Sông Cầu, cho biết: Riêng thiệt hại về nuôi trồng thủy sản trên địa bàn thị xã hơn 69 tỉ đồng, trong đó xã Xuân Cảnh thiệt hại nặng nhất với hơn 53 tỉ đồng. Đặc điểm đầm này là rất rộng và dài, nhưng chỉ có một cửa đổ ra biển, trong khi đó nước từ thượng nguồn đổ về lớn, khiến các loài thủy sản nuôi ở đây sốc nước và chết. Trước mắt, UBND thị xã chỉ đạo lực lượng chức năng phối hợp với các xã, phường kiểm tra, nắm số liệu cụ thể để báo cáo cấp trên có chính sách hỗ trợ kịp thời người nuôi bị thiệt hại. Thị xã cũng kiến nghị tỉnh có ý kiến đối với các ngân hàng khoanh nợ, giãn nợ đối với những hộ bị thiệt hại và tiếp tục cho vay để tái sản xuất.

ANH NGỌC

Báo Phú Yên

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!