THỨ NĂM, ngày 23/1/2025

Nuôi thủy sản ở Tây Nguyên: Chưa xứng với tiềm năng

Chưa có đánh giá về bài viết

Với lợi thế địa hình, nguồn nước, khí hậu, Tây Nguyên rất thích hợp phát triển nuôi trồng thủy sản (NTTS). Nhưng tiềm năng vẫn đang là… tiềm năng.

Thế mạnh riêng

Tây Nguyên có diện tích mặt nước NTTS dồi dào. Hiện có hơn 56.200 ha mặt nước có khả năng NTTS (Đắk Lắk 7.570 ha, Đăk Nông 932 ha, Lâm Đồng 15.360 ha, Gia Lai 11.400 ha, Kon Tum 20.974 ha). Bên cạnh đó, hàng trăm công trình thủy điện, thủy lợi lớn nhỏ, tạo nên những hồ chứa nước lớn, có thể phát triển nghề NTTS… Ngoài ra, các tỉnh Tây Nguyên còn tận dụng nước xả để phát triển nuôi cá tập trung mang tính công nghiệp.

Bên cạnh lợi thế diện tích mặt nước, Tây Nguyên còn là vùng có khí hậu không quá lạnh và ổn định quanh năm, rất thuận lợi cho thủy sản phát triển. Đặc biệt, tỉnh Lâm Đồng rất thích hợp nuôi cá nước lạnh giá trị cao. Nhiều tỉnh trong vùng cũng đã thí điểm nuôi mới cá hồi, tầm, thát lát, bống tượng… bước đầu hiệu quả khá. Năm 2000, sản lượng nuôi thủy sản toàn vùng đạt 10.268 tấn, đến năm 2008 đạt 16.763 tấn.

Toàn vùng Tây Nguyên hiện có trên 56.200 ha mặt nước có thể nuôi trồng thủy sản – Ảnh: Hữu Thanh

Các tỉnh Tây Nguyên gần như đã chủ động sản xuất giống nuôi. Hiện ở đây có 11 trại sản xuất cá bột, mỗi năm sản xuất 800 triệu đến 1 tỷ con. Số cơ sở sản xuất giống cá truyền thống (mè, trôi, trắm, chép) đã sản xuất được lượng cá bột đủ cung ứng cho địa phương, thậm chí còn xuất đến vùng chuyên sản xuất giống cá truyền thống như Đồng Nai, Sông Bé… Riêng tại Đắk Lắk có 9 cơ sở sản xuất giống với công suất thiết kế khoảng 4,5 tỷ con/năm, nhưng hiện chỉ sản xuất được 50% công suất.

Các loại thủy sản đã được nuôi thả khá phong phú. Ngoài các giống cá truyền thống như trắm, mè, chép… và mới đây là hai giống cá nước lạnh (hồi vân và tầm Nga), trên diện tích hiện tại, nông dân đã nuôi thả một số loại thủy sản giống mới như tôm càng xanh, điêu hồng, rô phi… Đặc biệt, ở Lâm Đồng, NTTS đang được chuyên nghiệp hóa. Cả tỉnh hiện có gần 200 hộ chuyên NTTS; tập trung ở hai trong ba huyện phía nam là Đạ Tẻh và Cát Tiên, và một số địa phương khác như Đức Trọng, Lâm Hà… Những mô hình trang trại thủy sản chuyên canh dần được hình thành, hướng đến NTTS mang tính tập trung.

Nghề NTTS các tỉnh Tây Nguyên đã mang lại nguồn lợi đáng kể cho địa phương; đồng thời mở ra cơ hội lớn cho người dân vươn lên làm giàu.

 

Thách thức không nhỏ

Tuy nhiên, nghề NTTS ở các địa phương Tây Nguyên vẫn phát triển chậm, chưa tận dụng và phát huy hết tiềm năng của vùng. Diện tích đã nuôi trồng thủy sản của 5 tỉnh Lâm Đồng, Đắc Nông, Đắk Lắk, Kon Tum và Gia Lai đạt con số quá thấp: 17.900 ha. Trong đó, Lâm Đồng – tỉnh đứng thứ hai của cả vùng về diện tích nuôi trồng thủy sản – chiếm không đến 2.200 ha.

Bộ máy quản lý ngành thủy sản chưa được tổ chức thống nhất theo hệ thống; nhân lực cho nghề nuôi thủy sản còn thiếu, yếu cả về công tác quản lý và chuyên môn kỹ thuật. Công tác quy hoạch và kế hoạch phát triển thủy sản chưa được coi trọng (cả khâu sản xuất, quản lý chất lượng giống và thức ăn), chưa quy hoạch được vùng nuôi tập trung. Trình độ kỹ thuật và tập quán sản xuất của đồng bào dân tộc ít người và nông dân còn hạn chế; nguồn vốn của dân đầu tư phát triển thủy sản còn nhiều khó khăn, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc ít người.

Việc đầu tư cho hạ tầng nuôi trồng thủy sản chưa tương xứng yêu cầu phát triển, nhất là hệ thống thủy lợi, sản xuất giống cũng như hệ thống quan trắc môi trường, dịch bệnh.

Hầu hết các tỉnh Tây Nguyên còn chưa có trung tâm sản xuất giống thủy sản cấp tỉnh. Tuy là khu vực có nhiều cơ sở sản xuất giống, cung cấp khối lượng lớn con giống cho thị trường, nhưng công tác lưu giữ giống gốc, giống thủy sản bố mẹ chưa được chú trọng.

Tại Đắk Lắk, mỗi năm có 10 – 16 tấn cá bố mẹ các loại được đưa vào nuôi vỗ cho đẻ; nhưng chất lượng hầu như chưa đảm bảo, một số đàn cá bố mẹ truyền thống đã thoái hóa. Tại Lâm Đồng, Trạm Nghiên cứu thực nghiệm cá Quảng Hiệp hiện có khoảng 5 tấn cá bố mẹ cho năng suất, chất lượng ổn định; nhưng Trạm chưa chuyển giao đàn cá bố mẹ nào cho các đơn vị trong và ngoài tỉnh…

>> Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Thị Xuân Thu: Về lâu dài, các tỉnh Tây Nguyên cần xây dựng các Trung tâm giống thủy sản; cần có lộ trình thay thế giống thủy sản truyền thống bằng giống mới năng suất, sản lượng cao hơn; đẩy mạnh và khuyến khích hoạt động trại giống tư nhân; phát triển các trại ương nuôi cá bột, cá giống tại vùng sâu, vùng xa, xây dựng dự án chuyển giao công nghệ nuôi cá bản địa; nhất là củng cố cơ quan quản lý, thành lập Trung tâm giống thủy sản hoạt động NTTS ở các địa phương, tăng cường đội ngũ quản lý và mở thêm nhiều lớp tập huấn khoa học kỹ thuật.

Anh Vũ

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!