Nuôi thủy sản trên cạn đang ngày càng được quan tâm, bởi đó là giải pháp bền vững để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ tăng cao bằng nguồn protein sạch.
Xanh và sạch
Tiên phong trong lĩnh vực nuôi trên cạn là trang trại của Yoni Zohar tại Viện Thủy sản và Công nghệ môi trường ở Baltimore. Zohar trang bị nhiều hệ thống ống bơm nước và mạng lưới bể nhựa xếp ngay ngắn san sát nhau; trong đó, bể lớn nhất có đường kính khoảng trên 3 m, đổ đầy nước biển nhân tạo cùng hàng trăm con cá. Zohar cho biết, dù nằm ở vị trí gần cảng nhưng trại nuôi không cần sử dụng nước biển cũng như xả thải ra môi trường xung quanh cảng.
Zohar nuôi cá tráp đầu vàng có giá trị kinh tế cao. Để cá sinh sản thông thường, Zohar tìm cách khiến con cái lầm tưởng chúng đang sinh sản trong môi trường tự nhiên, sạch và không dịch bệnh. Nhờ đó, cá không cần tới kháng sinh, hormone hoặc các hóa chất khác để tăng đề kháng. Vì được nuôi dưỡng trong môi trường sống tối ưu nên cá của Zohar lớn nhanh gấp 2 lần cá nuôi theo phương pháp truyền thống trong lồng ngoài khơi Địa Trung Hải. Toàn bộ nước trong bể nuôi được tái sử dụng. Chất thải được vi khuẩn lọc và biến đổi thành Nitơ và Mêtan dùng làm chất đốt. Hiện, các nhà khoa học tại trại đang thử nghiệm thức ăn mới không chứa bột cá, được chế biến từ ngũ cốc, tảo và axít amin bổ sung. Đây được coi là mắt xích giải quyết ô nhiễm môi trường trong nuôi thủy sản.
Trại nuôi cá trên cạn của Bill Martin tại Martinsville, Va., Mỹ, cũng đang thu hút được sự chú ý. Đây là trại nuôi cá rô phi quy mô lớn với nhiều bể xi măng chứa 5,6 triệu lít nước và hàng triệu cá rô phi. Mỗi ngày, trại cung cấp cho thị trường từ Baltimore tới Toronto 10.000 – 20.000 pound rô phi tươi sống. Bill Martin chỉ sử dụng mô hình nuôi đơn giản vì cá rô phi dễ nuôi và nhắm vào phân khúc khách hàng cao cấp, chuộng cá sạch và tươi nhằm tạo thị trường tiêu thụ vững chắc để cạnh tranh với fillet đông lạnh nhập khẩu.
Trại nuôi cá Local Ocean ở Hudson, N.Y lại nuôi cá tráp trong bể trên cạn. Theo Giám đốc Công ty, Raymond Mizrahi, hệ thống nuôi cá của Công ty sử dụng nước lọc xử lý cùng muối biển vùng Red Sea, chứa trong 60 bể dung tích 14.483 lít nước/bể và 120 bể chứa 45.420 lít nước/bể trong nhà kính. Đây đều là hệ thống nuôi khép kín, lọc thải và tái sử dụng 70%, phần còn lại được sử dụng với mục đích khác. Theo đánh giá của Peter Bridson, Giám đốc Phòng Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản tại Monterey Bay Aquarium ở California, mô hình nuôi cá trên cạn tại Local Ocean giảm thiểu ô nhiễm môi trường nhưng vẫn sử dụng 30% thức ăn có nguồn gốc bột cá.
Tiềm năng và thách thức
Một nghiên cứu gần đây của FAO đã kết luận, trong số các quốc gia trên thế giới, Mỹ là một trong những nước có nhiều tiềm năng nhất để phát triển nghề nuôi biển. Nhưng tới nay, nghề này vẫn chưa thực sự khởi sắc do đang vấp phải sự phản đối gay gắt từ phía các nhà môi trường học và những cư dân sống ven biển – những người luôn muốn gìn giữ vẻ đẹp nguyên sơ của cảnh quan.
Theo Monica Jain, người sáng lập Giải thủy sản bền vững Fish 2.0, hệ thống nuôi tái tuần hoàn trên cạn và không trao đổi nước được coi là làn sóng mới và có tiềm năng tạo ra cuộc cách mạng trong sản xuất thủy sản toàn cầu. Tuy vậy, thách thức đặt ra với mô hình này là chi phí vận hành khá lớn.
Thực tế, rất nhiều doanh nghiệp tại Mỹ đã bắt đầu nuôi cá trên cạn và xây dựng hệ thống nuôi không xả thải. Tuy nhiên, những trại cá vận hành theo mô hình trên đều phải nỗ lực vượt qua hai thách thức lớn nhất là rào cản kỹ thuật và kinh tế. Nhưng dẫu sao, những mô hình nuôi cá trên cạn vẫn luôn đón nhận được những phản hồi tích cực tại thị trường Mỹ. Bởi nó không chỉ mang lại lợi ích cho người tiêu dùng khi được thưởng thức thực phẩm sạch mà còn giảm áp lực của ngành thủy sản toàn cầu trước gánh nặng mang lại nguồn protein cho 9,5 tỷ người vào năm 2050.
>> Hiện, Bill Martin đang cho thử nghiệm máy cắt fillet cá để đa dạng sản phẩm; đồng thời, chuyển sang sử dụng thức ăn không bột cá. Thời gian tới, Martin sẽ tiến hành nuôi các loại cá khác và tôm bằng mô hình nuôi cạn. |