THỨ NĂM, ngày 23/1/2025

Nuôi thủy sản xen ghép ở rú Chá

Chưa có đánh giá về bài viết

Nuôi thủy sản xen ghép quanh rừng ngập mặn (RNM) là mô hình mới vừa được Trung tâm Khuyến nông (TTKN) tỉnh thí điểm thành công tại rú Chá, thuộc xã Hương Phong (TX. Hương Trà).


Tôm sau khi thu hoạch

Thành công bước đầu

RNM rú Chá là rừng nguyên sinh tự nhiên duy nhất tại Thừa Thiên Huế với 90% là cây chá bản địa với diện tích gần 5ha. Từ năm 2012 đến nay, được sự hỗ trợ của các dự án, ngành kiểm lâm đã tiến hành triển khai trồng RNM quanh khu vực rú Chá với các loại cây như bần, đước, dừa nước… 

Để giải quyết hài hòa các xung đột lợi ích trong phát triển, bảo vệ RNM, việc tạo ra sinh kế cho người dân là yêu cầu tất yếu. Trong đó, phát triển các mô hình nuôi trồng thủy sản (NTTS) xen ghép nhiều đối tượng như tôm, cua, cá là phù hợp, mang lại hiệu quả kinh tế cũng như bảo vệ môi trường sinh thái. Từ đầu năm 2018, TTKN tỉnh triển khai mô hình nuôi xen ghép tôm sú, cua và cá đối tại RNM rú Chá.

Ông Đặng Duy Đấu ở xã Hương Phong, một trong những hộ nuôi thủy sản xen ghép ở rú Chá nói: “Mô hình nuôi thủy sản xen ghép quanh khu RNM rú Chá là khá mới, song các yếu tố tự nhiên, kỹ thuật cũng không khác mấy so với các mô hình nuôi thông thường, từ mật độ thả giống đến kỹ thuật chăm sóc, nguồn thức ăn…”.

Quá trình nuôi cho thấy, sau 4-6 tháng tỷ lệ sống tôm sú sống ước 58,3%, kích cỡ 36 con/kg, năng suất ước đạt 321kg/ha; tỷ lệ cua sống ước 60%, kích cỡ 255g/con, năng suất ước đạt 153kg/ha và cá đối ước tỷ lệ sống 60%, kích cỡ 307g/con, năng suất ước đạt 212kg/ha.

Để mô hình được nhân rộng

Chủ tịch UBND xã Hương Phong Trần Viết Én khẳng định, mô hình nuôi thủy sản xen ghép phù hợp với môi trường tại khu RNM rú Chá. Mô hình nuôi xen ghép thí điểm của TTKN tỉnh vừa thành công mở ra cơ hội mới cho người dân xã Hương Phong trong phát triển NTTS trên vùng đầm phá Tam Giang. Chính quyền địa phương đang tiến hành chọn lựa hộ có điều kiện, năng lực, vận động người dân tham gia NTTS quanh khu vực RNM nhằm phát triển kinh tế, ổn định sinh kế và tham gia bảo vệ rừng.

Giám đốc TTKN tỉnh Châu Ngọc Phi đánh giá, mô hình nuôi xen ghép tôm sú, cua và cá đối tại RNM rú Chá bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực. Thông qua mô hình đã giải quyết được xung đột giữa phát triển trồng RNM với sinh kế người dân vốn phụ thuộc vào việc khai thác tại các vùng nước tự nhiên đầm phá; từ đó giúp hạn chế các hoạt động khai thác hủy diệt môi trường, phát triển trồng RNM trong tương lai.

Nuôi thủy sản xen ghép quanh khu vực RNM không khó, tuy nhiên người dân cần nắm vững các yêu cầu kỹ thuật cơ bản trong quá trình nuôi. Vùng nuôi được xác định nằm quanh khu vực có trồng RNM, đảm bảo độ mặn, nhiệt độ, hàm lượng ô xi, PH và diện tích vùng nuôi tốt nhất là 1-2 ha. Trong vùng nuôi có đầy đủ các hệ thống mương sâu 1-1,2m để tôm, cua, cá trú ẩn. Việc thay nguồn nước hoàn toàn dựa vào yếu tố thủy triều tự nhiên.

Nguồn giống nuôi tại RNM cần lựa chọn tương đối khắt khe, phải khỏe mạnh, kích cỡ đồng đều, không bị xây xát (tróc vảy), nhìn bên ngoài màu sắc tươi sáng, không bị dị hình, dị tật. Thả giống vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát, không nên thả giống khi trời mưa hoặc gió mùa đông bắc. Trước khi thả phải ngâm các túi đựng giống trong ao từ 10 -15 phút để cân bằng nhiệt độ, sau đó mở túi cho nước vào từ từ rồi thả cá giống ra ao nuôi. Riêng đối với cua, tiến hành cho ít nước vào phủ lớp cát trong khay cua, để khoảng 5 -10 phút, sau đó nghiêng khay và rải cua khắp ao; không nên thả tập trung một điểm, nhằm hạn chế cua ăn lẫn nhau khi lột xác.

Đối với cá đối sử dụng thức ăn viên nổi công nghiệp; cua, tôm sú sử dụng thức ăn công nghiệp có độ đạm trên 30%. Người nuôi có thể tận dụng thêm nguồn cá tạp và phế phụ phẩm nông nghiệp để chế biến thức ăn cho các đối tượng nuôi. Chỉ cho thức ăn bổ sung một phần nhu cầu cho thủy sản, còn lại các đối tượng nuôi sẽ tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên trong RNM.

Bài, ảnh: Hoàng Triều

Báo Thừa Thiên Huế

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!