Nuôi tôm bền vững ở Mỹ

Chưa có đánh giá về bài viết

Nhắc đến nghề nuôi tôm, Mỹ không phải là cái tên được khởi xướng trước tiên. Tuy nhiên, không thể phủ nhận cách người Mỹ nuôi tôm là bền vững, và mô hình này có thể tạo ra những sản phẩm chất lượng dù sản lượng không thể sánh bằng các mô hình nuôi tôm thâm canh tại châu Á.

Nuôi trên cạn – Bền vững nhất?           

Người Mỹ tiêu thụ khoảng 4 triệu pound (gần 2.000 tấn thủy sản) mỗi năm, nhưng rất nhiều người tiêu dùng tại đây không hề biết nguồn gốc sản phẩm và thậm chí họ cũng không biết mình đang ăn loại thủy sản nào vì có khá nhiều mặt hàng gian lận nhãn mác trên thị trường Mỹ. Do đó, tôm nuôi trên cạn, bền vững và nguồn gốc minh bạch đang tạo sức hút lớn với người tiêu dùng tại thị trường này.

Thực tế, nhu cầu thủy sản nuôi sạch được chứng nhận ngày càng tăng như nhu cầu tôm sinh thái ở châu Âu, Mỹ hay nhu cầu tôm nuôi đạt chứng nhận quốc tế gần như là tấm vé bắt buộc để thâm nhập vào các siêu thị lớn của Mỹ. Năm 2011, cơ quan chức năng tại Mỹ đã cảnh báo người tiêu dùng về tình trạng thủy sản nhập khẩu nhiễm kháng sinh cấm, đặc biệt là mặt hàng tôm. Người tiêu dùng ở các nước phương Tây, hay nước Mỹ đều tỏ ra quan ngại về chất lượng sản phẩm nhập khẩu. Do đó, tôm bền vững có sức hút lớn trên thị trường.

nuôi tôm bền vững ở mỹ

Mô hình nuôi tôm trong nhà đang được nhân rộng tại các nước phương Tây – Ảnh: Intrafish

Người Mỹ không có những trang trại nuôi tôm thâm canh quy mô lớn mà chủ yếu nuôi trong nhà. Đây cũng là lợi thế giúp tôm nuôi tại Mỹ tránh được nhiều dịch bệnh và các yếu tố bất lợi của thời tiết. Karlanea Brown là một trong những trại nuôi tôm trong nhà điển hình tại vùng lục địa Indiana nước Mỹ. Xung quanh không có biển, nhưng trang trại này lại đảm bảo cung cấp tôm siêu sạch, giá rẻ, bền vững với nguồn gốc xuất xứ minh bạch. Năm 2010, Brown mới bắt đầu nuôi tôm và tới nay đã trở thành trại nuôi tôm lớn nhất Indiana – một trong những trại nuôi tôm trên cạn hàng đầu tại Mỹ.

 

Tìm kiếm nguồn thức ăn bền vững

Gia đình Brown nuôi tôm thẻ chân trắng trong nhà bằng các bồn nhựa lớn có thiết bị lọc tuần hoàn. Bồn nuôi tôm thực chất giống một bể bơi, có máy sục khí nhằm giữ cho vi khuẩn ở thể vẩn – đây là hệ thống nuôi tôm dựa trên nghiên cứu của Texas A&M và được gia đình Brown cải tiến. Nước nuôi tôm sạch đã giúp trang trại không tốn chi phí sử dụng kháng sinh và Brown là 1 trong số 11 trại nuôi tôm thành công tại Indiana.

Người nuôi tôm tại Indiana khẳng định, mảnh đất này hoàn toàn có khả năng trở thành một “tâm điểm” nuôi tôm mới của thế giới. Năm 2011, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp tại Mỹ (FAO) đã báo cáo 90% thủy sản trên thế giới đang bị khai thác quá mức. Theo Michael Rubino, Giám đốc Cục quản lý khí quyển và đại dương quốc gia Mỹ (NOOA), để giảm áp lực lên nguồn lợi biển, thế giới buộc phải sản xuất thêm 40 triệu tấn thủy hải sản trong vòng 15 năm tới.

Tuy nhiên, yếu tố quyết định tính bền vững của sản phẩm lại nằm ở nguồn thức ăn chăn nuôi. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, hướng tiếp cận nuôi tôm bền vững như mô hình của Brown cũng có hạn chế: hệ thống tái tuần hoàn thường phải sử dụng bột cá làm thức ăn. Nguyên liệu chế biến bột cá chủ yếu từ các loài cá nhỏ, sống theo đàn như cá mòi, cá cơm ngoài khơi biển Thái Bình Dương thuộc Nam Mỹ – vốn được khai thác bằng lưới kéo hoặc các ngư cụ mang tính hủy diệt. Như vậy, đây là nguồn thức ăn nuôi tôm không bền vững. Và để khắc phục tình trạng này, các trại nuôi tôm tại đây không ngừng nghiên cứu để tìm ra nguồn thức ăn thay thế có nguồn gốc thực vật như tảo hoặc đậu nành, côn trùng.

Tại các bang nuôi tôm ở Mỹ, nhiều trang trại đã chuyển sang thức ăn có hàm lượng đậu tương và các loại ngũ cốc khác và giảm dần lượng bột cá trong thức ăn. Một vài công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi đã chiết xuất Omega-3 trực tiếp từ tảo biển, thậm chí có cơ sở như Stanford’s Rosamond Naylor chiết xuất Omega-3 từ khô dầu hạt cải. Trong một tương lai không xa, chắc chắn ngành tôm nuôi sẽ không còn phụ thuộc vào bột cá.

>> Tại Mỹ, ngoài tôm thẻ chân trắng, các trang trại cũng đang nghiên cứu cách nuôi tôm hùm đất, hàu và cá rô phi. Đại dương ngày càng suy kiệt, trong khi dân số vẫn tăng. Do đó, các mô hình nuôi tôm trên cạn hứa hẹn sẽ thay đổi diện mạo ngành nuôi trồng thủy sản toàn cầu vì tính bền vững và hiệu quả.

Mi Lan

Lois Parshley

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

error: Content is protected !!