Nuôi tôm Cà Mau: Phát huy tối đa thế mạnh

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Với lợi thế thiên nhiên ưu đãi, tỉnh Cà Mau có rất nhiều tiềm năng có thể khai phá để phát triển lĩnh vực thủy sản, đặc biệt là con tôm. Để phát huy tối đa thế mạnh, Cà Mau đã triển khai nhiều chương trình nuôi tôm, trên tất cả các loại hình bởi tôm được xác định là một trong nhiều thế mạnh chủ lực phát triển kinh tế của tỉnh.

Xác định mặt hàng chủ lực

Tỉnh Cà Mau có đường bờ biển dài và rộng. Chính vì vậy, tỉnh có một vùng đất ngập mặn ven biển đa dạng, thích hợp cho nghề NTTS, đặc biệt là con tôm. Sự vượt trội cả về chất lượng và sản lượng tôm đã đưa Cà Mau lên vị trí vựa tôm của cả nước. Nghề nuôi tôm của tỉnh Cà Mau hình thành và phát triển từ rất sớm. Năm 1994, tỉnh chuyển toàn bộ diện tích đất trồng lúa ở các xã phía đông huyện Đầm Dơi sang nuôi tôm. Đến năm 1999, Chính phủ cho phép chuyển gần 50.000 ha đất trồng lúa ở các huyện Đầm Dơi, Cái Nước và một số vùng lân cận sang nuôi tôm. Tuy gặp nhiều khó khăn trong việc chuyển dịch cơ cấu sản xuất từ trồng lúa sang nuôi tôm nhưng hiệu quả từ các mô hình nuôi tôm cao hơn nhiều lần so với trồng lúa. Vì thế, diện tích nuôi tôm ngày một tăng lên. Đến năm 2014, diện tích đất nuôi tôm của Cà Mau đạt gần 270.000 ha, sản lượng đạt gần 164.000 tấn.

Tôm được nuôi với nhiều loại hình như: thâm canh, quảng canh cải tiến, tôm – lúa, tôm – rừng, quảng canh kết hợp. Tính đến nay, diện tích nuôi tôm của tỉnh đạt khoảng 303.000 ha, chiếm gần 30% cả nước và chiếm khoảng 40% vùng ĐBSCL. Sản lượng nuôi hàng năm đạt trên 315.000 tấn. Hiện nay, chỉ tính riêng diện tích nuôi tôm công nghiệp của địa phương đã đạt gần 10.000 ha. Trong đó, có diện tích nuôi tôm siêu thâm canh tăng nhanh, lên đến hàng nghìn ha, với năng suất đạt khoảng hơn 50 tấn/ha/vụ.

Theo quy hoạch của Chính phủ, Cà Mau là khu vực nuôi tôm quy mô rộng lớn của cả nước với diện tích hơn 300.000 ha. Ảnh: Thanh Trà

Mới đây, tại một Hội nghị tham vấn ý kiến về Dự thảo Chương trình của Tỉnh ủy và Kế hoạch của UBND tỉnh về phát triển lĩnh vực nông nghiệp, UBND tỉnh Cà Mau đã xác định sản phẩm chủ lực cấp quốc gia của địa phương là tôm.

Nuôi tôm theo 3 vùng sinh thái

Tính đến hết năm 2021, toàn tỉnh Cà Mau có 279.648 ha diện tích nuôi tôm, đối tượng nuôi chủ yếu là tôm sú, TTCT. Trong đó, diện tích tôm quảng canh kết hợp đạt trên 109.295 ha; nuôi tôm quảng canh cải tiến 162.425 ha; nuôi thâm canh và siêu thâm canh trên 7.927 ha (trong đó, nuôi tôm siêu thâm canh trên 3.682 ha).

Tỉnh Cà Mau đặt mục tiêu đến năm 2025 phát triển 5.000 ha nuôi tôm siêu thâm canh; đồng thời, xây dựng chứng nhận theo tiêu chuẩn quốc tế cho 30.000 ha diện tích tôm – rừng, 45.000 ha diện tích sản xuất lúa – tôm; kim ngạch xuất khẩu thủy sản của tỉnh đạt 1,3 tỷ USD và tới năm 2030, tỉnh sẽ củng cố, duy trì vị trí dẫn đầu của cả nước về ngành tôm.

Theo thông tin mới nhất từ ngành nông nghiệp Cà Mau thì tỉnh định hướng rõ việc quy hoạch, phát triển nuôi tôm tập trung với quy mô lớn theo 3 vùng sinh thái. Cụ thể, đối với vùng Bắc Cà Mau, tỉnh định hướng chuyển đổi một số vùng sản xuất chuyên lúa kém hiệu quả sang mô hình lúa – tôm với diện tích khoảng 5.000 ha, khôi phục diện tích lúa – tôm ở những nơi đủ điều kiện, thích ứng với biến đổi khí hậu. Tỉnh mở rộng phát triển sản xuất tôm – lúa và tôm quảng canh cải tiến ở vùng Nam Cà Mau.

Bên cạnh việc chú trọng đa dạng đối tượng nuôi thủy sản để tận dụng lợi thế của vùng kết hợp phát triển du lịch sinh thái, tỉnh đẩy mạnh phát triển nuôi thủy sản thâm canh, siêu thâm canh gắn với đầu tư các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại các huyện Năm Căn, Đầm Dơi, Ngọc Hiển. Cùng đó, phát triển mô hình rừng – tôm sinh thái kết hợp với dịch vụ, du lịch biển trên cơ sở phát huy giá trị Khu Dự trữ sinh quyển, Khu Ramsar thế giới Mũi Cà Mau, Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau…

Ưu thế tôm sú

Trong các đối tượng tôm nuôi tại Cà Mau hiện nay thì tôm sú vẫn đang chiếm ưu thế rất lớn về diện tích. Sản phẩm tôm sú của Cà Mau được đánh giá chất lượng tốt hơn các nơi khác. Những năm qua, con tôm sú được nông dân Cà Mau nuôi theo nhiều mô hình khác nhau như chuyên tôm, rừng – tôm, lúa – tôm, nuôi xen canh giữa tôm quảng canh truyền thống với cua, sò huyết, cá…; và ở mô hình sản xuất nào thì tôm sú Cà Mau cũng đạt năng suất, sản lượng cao. Loại hải sản này được xem là thực phẩm đặc sản có giá trị kinh tế cao, được thị trường ưa chuộng và được nhiều tổ chức quốc tế cấp chứng nhận ASC, B.A.P, GlobalGAP, Eu, Naturland… Hiện, tôm sú Cà Mau đã có mặt trên 60 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Ngày 28/4/2022 Cục Sở hữu trí tuệ đã công nhận chỉ dẫn địa lý “Tôm sú Cà Mau”.

Và các mô hình nuôi tôm sú, tôm – rừng đang rất được quan tâm, chú trọng. Với điều kiện sinh thái đặc thù, có vùng bãi triều rộng lớn, rừng ngập mặn ven biển ở tỉnh Cà Mau có điều kiện lý tưởng để phát triển mô hình nuôi tôm dưới tán rừng. Hiện tổng diện tích nuôi tôm – rừng của tỉnh đạt khoảng hơn 80.000 ha; trong đó, các tổ chức chứng nhận quốc tế đã chứng nhận cho hơn 19.000 ha tôm – rừng theo các tiêu chuẩn quốc tế (Naturland, EU Organic, Canada Organic, Selva Shrimp, ASC, BAP…).

Theo đánh giá, đây là mô hình nuôi tự nhiên sinh thái không sử dụng thuốc và hóa chất, không phát sinh chi phí sản xuất. Như vậy, không tính chi phí lao động gia đình và chi phí sản xuất lợi nhuận thu về khá cao, một năm thu lời cao nhất đến 80 triệu đồng/ha. Tại Cà Mau, hình thức nuôi này đang dần được mở rộng do tiêu thụ được đẩy mạnh và đây cũng là thế mạnh vượt trội trong nuôi tôm của tỉnh.

>> Theo Sở NN&PTNT Cà Mau, năm 2022, địa phương phấn đấu sản lượng tôm đạt 220.000 tấn, tăng 5,31%/năm. Diện tích nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh, 7.900 ha. Trong đó, diện tích siêu thâm canh đạt 3.700 ha, tăng 2,78%/năm; diện tích nuôi tôm quảng canh cải tiến đạt 172.000 ha, tăng 6,3%/năm.

Phan Thảo

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!