Nuôi tôm cộng đồng: Hợp tác làm giàu!

Chưa có đánh giá về bài viết

(Thủy sản Việt Nam) – Trước thách thức đầy cam go do môi trường ngày một suy thoái, dịch bệnh tràn lan đối với nghề nuôi tôm sú ở ĐBSCL, Tiến sĩ Nguyễn Văn Hảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản II khuyến cáo, người nuôi tôm nên liên kết cộng đồng nhằm chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, cộng đồng bảo vệ thời vụ, môi trường, chia sẻ lợi ích… để nghề nuôi tôm giảm thiểu rủi ro, phát triển bền vững.

Điểm sáng nuôi tôm cộng đồng

Mùa tôm sú chính vụ 2011 ở các tỉnh ĐBSCL đã bước vào gần 3 tháng, do thời tiết bất lợi, dịch bệnh tràn lan khiến nông dân thiệt hại hàng ngàn tỷ (hơn 53.000 ha tôm nuôi bị chết). Tại các huyện ven biển Duyên Hải, Cầu Ngang, Châu Thành, Trà Cú (Trà Vinh), trong hơn 1,7 tỷ con giống thả nuôi có trên 400 triệu con bị chết, nông dân thiệt hại hàng chục tỷ đồng. Thế nhưng tại nhiều câu lạc bộ nuôi tôm cộng đồng xã Hiệp Mỹ Đông, Mỹ Long Nam (Cầu Ngang, Trà Vinh), nhờ liên kết nuôi tôm cộng đồng nên 90% diện tích nuôi tôm phát triển tốt, hứa hẹn mùa bội thu. “Năm nay, tuy dịch bệnh tôm diễn ra trên diện rộng, nhưng 100% diện tích nuôi tôm của các thành viên nuôi tôm trong câu lạc bộ vẫn phát triển ổn định, tôm nuôi đã qua giai đoạn nguy hiểm (2,5 tháng tuổi). Mừng lắm, chỉ 3 năm hình thành Câu lạc bộ nuôi tôm cộng đồng mà kết quả như thế này là hăng lắm”, ông Nguyễn Thanh Thưởng, Bí thư chi bộ ấp Cái Già, thành viên Câu lạc bộ nuôi tôm cộng đồng ấp Cái Già, xã Hiệp Mỹ Đông phấn chấn nói.

 

Chia sẻ kinh nghiệm giúp cho việc nuôi tôm phát triển bền vững     Ảnh: Thanh Nhã

 

Bằng chứng là tại 4 ao tôm rộng 1,5 ha của gia đình ông, hôm chúng tôi đến tôm nuôi đạt kích cỡ 50con/kg. Không riêng ông Thưởng, nhờ tác động tích cực của mô hình nuôi tôm quản lý theo cộng đồng, nên trong 10 hộ thành viên tham gia nuôi tôm với 17 ha đều hứa hẹn mùa bội thu. Nông dân Phan Thành Tâm, thành viên Câu lạc bộ nuôi tôm cộng đồng hồ hởi: “Câu lạc bộ nuôi tôm thật sự là “bà đỡ” cho dân vùng này. Một là về kỹ thuật bà con cải tạo ao hồ bài bản hơn, hai là chọn giống sạch bệnh, ba là cộng đồng trách nhiệm trong quản lý môi trường, quản lý dịch bệnh. Hồi chưa vô câu lạc bộ thì nuôi không biết đo các thông số kỹ thuật, từ khi vào thì nắm bắt được khoa học nên ít rủi ro hơn. Trước kia, khi thả tôm con giống không đi test (xét nghiệm PCR) giờ thì phải test để có con giống sạch bệnh. Vào Câu lạc bộ, hàng tuần các hộ nuôi được cán bộ khoa học tư vấn, trao đổi kinh nghiệm về độ kiềm, độ pH nên trị đúng thuốc, đúng bài. Còn trước kia nuôi tôm khi nào thấy nó “trồi đầu” lên là lo thu hoạch”.

Chính các yếu tố chọn con giống sạch bệnh, thả nuôi đúng thời vụ, chăm sóc, quản lý khoa học, đồng lòng, đồng tâm, đồng trách nhiệm, đồng lợi ích kinh tế… đã mang lại thành công cho mỗi thành viên trong Câu lạc bộ.

Rõ ràng, nuôi tôm tận tụy không chưa đủ mà còn đòi hỏi người nuôi phải am hiểu khoa học kỹ thuật, thường xuyên học hỏi, trao đổi kinh nghiệm để rút ra những bài học hay cho từng ao nuôi, từng vùng nuôi. Cái hay của Câu lạc bộ nuôi tôm cộng đồng ấp Cái Già là nhờ am hiểu khoa học nên nông dân thực hiện nghiêm ngặt nguyên tắc "ba không": không giấu bệnh, không xả nước thải ao nuôi nhiễm bẩn khi chưa được xử lý ra môi trường. Đặc biệt, nghiêm cấm xả thải xác tôm chết do nhiễm bệnh ra môi trường để nghề môi trường nuôi luôn sạch.

 

 

Bảo vệ môi trường, phát triển bền vững

Nuôi tôm cộng đồng thật ra là hình thức hợp tác, liên kết cùng có lợi giữa các hộ nuôi tôm có diện tích canh tác liền kề nhau. Các hộ tham gia mô hình nuôi tôm cộng đồng được Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh và Phòng NN&PTNT huyện hỗ trợ hướng dẫn kỹ thuật, qui trình nuôi, hướng dẫn chọn giống khỏe. Định kỳ hàng tuần, cán bộ kỹ thuật hướng dẫn người dân xử lý môi trường nước, phòng ngừa dịch bệnh và chăm sóc tôm. Nhờ liên kết cộng đồng nên môi trường được bảo vệ, nghề nuôi tôm ít rủi ro, phát triển ổn định bền vững.

 

Nuôi tôm cộng đồng đem lại hiệu quả cao

Vụ nuôi tôm năm 2010, câu lạc bộ nuôi tôm cộng đồng ấp Cái Già thu lãi hàng tỷ đồng. Bình quân 1 ha cho thu nhập 300 đến 500 triệu đồng, trừ chi phí lãi từ 150 đến 200 triệu đồng/ha. Từ mô hình đầu tiên ở xã Hiệp Mỹ Đông, đến nay, ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh đã nhân rộng được 10 mô hình trong toàn huyện với hơn 100 hộ nông dân tham gia. “Vụ tôm 2011, trong khi nhiều địa phương tôm nuôi chết trên diện rộng thì 90% hộ tham gia mô hình tôm nuôi phát triển tốt. Hiệu quả nuôi tôm cộng đồng cho lợi nhuận cao gấp 20-25% so với ngoài mô hình”, ông Dương Tấn Đởm, Phó trưởng phòng NN&PT NT Cầu Ngang khẳng định.

Thành công từ câu lạc bộ nuôi tôm cộng đồng ở Xã Hiệp Mỹ Đông đang là câu chuyện thời sự, là bài học quí, bổ ích đang thu hút sự quan tâm của nông dân các tỉnh ĐBSCL  và nhà quản lý trong vùng .

 

>> Kỹ sư Đỗ Quốc Phong, Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư Trà Vinh đánh giá: Điểm nổi bật của mô hình nuôi tôm cộng đồng là chủ động thời vụ thả nuôi đồng loạt, quản lý tốt tôm giống, nguồn nước, dịch bệnh tôm, quản lý môi trường… Nuôi tôm cộng đồng giúp nông dân liên kết làm giàu bền vững. Hiện, ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh đang chọn mô hình nuôi này để thực hiện chương trình nuôi tôm sạch theo tiêu chuẩn GAP.

Đình Cảnh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!