(TSVN) – Ngành thủy sản đang được quy hoạch theo mục tiêu phát triển xanh, thúc đẩy sự tham gia của doanh nghiệp hướng đến sản xuất bền vững, thân thiện môi trường.
Ngành nông nghiệp nói chung và ngành nuôi tôm công nghệ cao nói riêng đang đứng trước những thách thức chưa từng có đến từ nhiều phía (chất lượng môi trường suy giảm do biến đổi khí hậu, ô nhiễm, dịch bệnh…). Trong những thách thức lớn nhất lại đến từ các nhà nhập khẩu và tiêu dùng, các quy định mới về chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc sản phẩm và giảm khí thải carbon (chuyển đổi xanh) đang đặt ra cho cả cấp quản lý và doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu và người dân Việt Nam phải giải nhiều bài toán cùng một lúc. Một mặt phải đảm bảo được năng suất chất lượng sản phẩm để tăng trưởng, một mặt phải đáp ứng những tiêu chuẩn về khí thải carbon do các nhà nhập khẩu đưa ra.
Trước thực tế đó, Công ty CP Tập đoàn Đầu tư và Phát triển nông nghiệp Công nghệ cao Haicorp đã nghiên cứu xong quy trình nuôi tôm công nghệ cao bền vững, thân thiện môi trường.
Nuôi tảo Spirulina làm thức ăn bổ sung cho tôm. Ảnh: PVH
– Lọc thô, lọc Skimmer để loại bỏ các chất lơ lửng và protein trong nước, giúp nguồn nước trong ao luôn sạch và ổn định các yếu tố lý hóa và vi sinh, đảm bảo tôm phát triển nhanh, tỷ lệ nhiễm bệnh giảm, tăng sức đề kháng.
– Nuôi thủy canh cỏ biển Salicornia trên ao nước thải, giúp xử lý triệt để các hợp chất hữu cơ trong nước thải nuôi tôm, ôxy hóa các chất thải độc hại và cường hóa chất lượng nước thải để tái sử dụng an toàn và hiệu quả với chi phí thấp. Cỏ biển Salicornia được các nhà nghiên cứu châu Âu chứng minh là nguồn thực phẩm có giá trị cho vật nuôi và con người, là nhóm hấp thụ carbon lớn thứ 2 sau nhóm vi tảo.
Mô hình nuôi tôm công nghệ cao kết hợp nuôi tảo Spirulina platensis đạt chuẩn Net Zero
– Nuôi tảo Spirulina platensis làm thức ăn bổ sung cho tôm, hấp thụ khí thải carbon và xử lý nước thải cho khu nuôi tôm. Tảo Spirulian được WHO đánh giá là thực phẩm tốt nhất trong thế kỷ 21. Nhiều kết quả nghiên cứu đã cho thấy tác dụng của Spirulina sp lên tốc độ tăng trưởng, tỷ lệ sống và chất lượng thịt của nhiều loài động vật nuôi cũng như vai trò của nó trong việc nâng cao khả năng miễn dịch học, diệt virus… của vật nuôi. Chính vì vậy, từ lâu Spirulina sp đã là một loại thức ăn giàu dinh dưỡng, được sử dụng trong việc phòng và chữa trị bệnh cho người và động vật nuôi cũng như trong xử lý môi trường (Belay, 2002).
Tảo biển được xem là nhóm hấp thụ carbon lớn nhất trong các loài thực vật, trong nhóm vi tảo thì tảo Chlorenlla sp và Spirulina sp là 2 loài có khả năng hấp thụ CO2 lớn nhất. Trong quang hợp, tảo sử dụng CO2 từ khí quyển như một nguồn carbon để sinh trưởng. Tế bào vi tảo chứa gần 50% carbon, trong đó 1,8 kg CO2 được cố định có thể sản xuất 1 kg sinh khối vi tảo. Hiệu quả cố định CO2 của vi tảo cao hơn khoảng 10 – 50 lần so các loài thực vật trên cạn (Y. Chisti, Biodiesel from microalgae beats bioethanol, Trends in biotechnology, 2008, 126-131), đây là nhà máy sinh học hấp thụ CO2 khổng lồ có hiệu quả kinh tế cao, tạo ra nguồn dinh dưỡng có giá trị cho người và vật nuôi.
Với những công nghệ nêu trên, mô hình đã tuần hoàn được 100% chất thải và nước thải, giảm lượng khí thải carbon ít nhất là =0 (có thể về âm), có hệ số nuôi thành công khoảng 80% so 40% hiện tại, năng suất, sản lượng và chất lượng tôm thương phẩm cao hơn hẳn so với các mô hình nuôi công nghiệp truyền thống.
Trong khuôn khổ mô hình thí điểm 3 ha, mỗi năm thu được 48 tấn tảo Spirulina khô, tương đương 240 tấn tảo tươi (hệ số 5 kg tảo tươi thu được 1 kg tảo khô). Với diện tích 3 ha hấp thụ ít nhất 360 tấn CO2 /năm; Nếu tính trên diện tích, trung bình mỗi ha có thể hấp thụ ít nhất 120 tấn CO2/năm.
Theo Đề án “Phát triển nuôi trồng thủy sản biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” diện tích nuôi trồng thủy sản ven biển Việt Nam đến năm 2025 (bao gồm bãi triều và đất liền 250.000 ha). Nếu tất cả các diện tích trên đều áp dụng mô hình và công nghệ này, Việt Nam sẽ hấp thụ ít nhất 30.000.000 tấn CO2/năm, giúp đạt được mục tiêu trung hòa lượng khí thải CO2 trước năm 2050.
Đây là mô hình nuôi tôm công nghệ cao hiệu quả và toàn diện, đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn mà các nhà nhập khẩu yêu cầu, giúp người dân và doanh nghiệp có thu nhập cao và ổn định trong nhiều năm góp phần phát triển bền vững.
ThS Phan Văn Hài
Mô hình ứng dụng nhiều công nghệ mới để đảm bảo năng suất và sản lượng cao, chất lượng tôm thương phẩm cao, tỷ suất lợi nhuận cao, hệ số thành công lên tới 80% so 40% hiện tại, hấp thu khí thải carbon 120 tấn/ha/năm, đạt chuẩn Net Zero.