Nuôi tôm công nghiệp ngoài quy hoạch: Cái kết đắng của sự “vượt rào”

Chưa có đánh giá về bài viết

Thời gian nuôi ngắn, lợi nhuận thu lại lớn… đã khiến người dân ở nhiều địa phương ùn ùn thả nuôi tôm công nghiệp, bất chấp phá quy hoạch. Nhưng trái ngọt chẳng là bao mà quả đắng người nuôi thu về quá lớn.

Nhãn tiền có thể thấy là việc cầm cố nhà cửa, nợ nần chồng chất, lãi mẹ đẻ lãi con… mà người nuôi nhiều địa phương hiện đang gặp phải.

Tại Quảng Bình, nóng nhất của việc nuôi tôm ngoài quy hoạch phải kể tới xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh, trên 400 hộ dân xã Hải Ninh đua nhau đào hồ trên cát nuôi tôm, một số vụ đầu có thu hoạch tốt nhưng từ năm 2014 trở lại đây hồ tôm nào cũng bị chết toàn diện khiến người dân Hải Ninh lao đao. Ông Phạm Văn Liệu, Chủ tịch xã này nhẩm tính: 400 hộ nuôi tôm này từng là những hộ khá giả nhất xã, nhưng hiện đã nợ hơn 150 tỷ đồng. Có những hộ nợ trên 3 tỷ. Đáng lo là nhiều gia đình cầm cố sổ đỏ, vay ngoài với lãi suất của tín dụng đen để tiếp tục đầu tư nuôi thêm để gỡ gạc nhưng do không tuân thủ kỹ thuật, không có kinh nghiệm, nguồn nước ô nhiễm, cứ thả xuống là tôm chết.

“Địa phương đã khuyến cáo rất nhiều, không cấp thêm đất để hạn chế nuôi tôm nhưng người dân không nghe theo, tổ chức đi thuê đất ở các địa phương khác để nuôi tôm nhưng tôm vẫn chết trắng. Nuôi tôm tự phát như thế này bất cập lắm, kéo cả kinh tế của xã đi xuống. Với những món nợ khổng lồ như vậy thì thời gian tới số hộ nghèo của xã chúng tôi sẽ tăng lên trông thấy cho mà coi” – ông Liệu lo lắng.

Nhiều người dân Cà Mau đổ xô đào ao nuôi tôm – Ảnh: Diệu Lữ

Còn tại Cà Mau, gia đình ông Trần Thiện, ấp Cái Ðôi Nhỏ (thị trấn Cái Ðôi Vàm, huyện Phú Tân, Cà Mau) là một ví dụ. Cách đây 3 năm, ông Thiện thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, vay 150 triệu đồng từ ngân hàng để thuê người phá vuông tôm quảng canh chuyển qua nuôi tôm công nghiệp. Đến nay, ông Thiện thu hoạch ba vụ tôm nhưng có tới hai vụ thất bại, kinh tế gia đình sa sút. “Tiền vay ngân hàng, gia đình tôi chỉ đóng lãi cầm cự, vay mượn thêm vốn của bà con, họ hàng để nuôi tiếp vụ thứ tư, hy vọng gỡ gạc chứ thất bại nữa chắc trắng tay, thậm chí bán đất ở để trả nợ” – ông Thiện cho biết.

Hộ ông Hà Văn Hùm, ấp Tân Thành A (xã Tạ An Khương Nam, huyện Đầm Dơi) thì còn bi đát hơn, 8 năm về trước, ông Hùm thuộc diện hộ khá trong vùng, vuông tôm quảng canh mỗi tháng giúp gia đình ông thu về cả chục triệu đồng. Thấy nông hộ vùng lân cận giàu lên trông thấy nhờ trúng tôm công nghiệp, ông Hùm cũng đầu tư nuôi hai đầm nuôi công nghiệp. Tuy nhiên, vụ tôm thất bại. “Tất cả vốn liếng hơn nửa tỷ đồng trôi sông, hiện tôi còn nợ tiền đại lý thức ăn, âu cũng bởi chạy theo phong trào” – ông Hùm chua chát.

Tại huyện Phú Tân (Cà Mau), trong năm 2013, toàn huyện chỉ có 1.200 ha nuôi tôm công nghiệp, đến nay, diện tích nuôi theo mô hình ấy khoảng 2.300 ha. Số tăng ấy là tự phát. Giáp ranh với Phú Tân là huyện Cái Nước, năm 2014 chỉ có 1.100 ha nhưng đến nay, diện tích nuôi tôm công nghiệp tăng lên hơn 1.690 ha. Trước tình hình nuôi công nghiệp tự phát phát triển nhanh, địa phương phải điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, định hướng đến năm 2020 phát triển lên khoảng 3.800 ha nuôi tôm công nghiệp; còn ở Cái Nước giai đoạn trên được điều chỉnh lên 5.000 ha. Diện tích nuôi tôm công nghiệp mở rộng khiến công tác quy hoạch chưa theo kịp. Nói đúng hơn, ngành chức năng quy hoạch sau khi dân mở rộng diện tích một cách tự phát.

Trao đổi với phóng viên, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư tỉnh Cà Mau Mã Huy cho biết: Kêu gọi được doanh nghiệp đầu tư thì không có quỹ đất; còn người dân thì có đất, muốn được đầu tư về hạ tầng để phát triển vùng nuôi nhưng không muốn cho thuê với giá rẻ. Những bất đồng về lợi ích ấy khiến đề án phát triển cụm nuôi tôm công nghiệp tập trung ở Cà Mau bị trì trệ mãi.

“Thời gian tới, tỉnh sẽ xem xét điều chỉnh quy hoạch một số nơi đủ điều kiện về “thiên thời, địa lợi” để người dân nuôi tôm công nghiệp và chính quyền cũng tiện quản lý. Khi ấy, người nuôi sẽ được hỗ trợ và hưởng lợi từ các chính sách liên quan…” – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Dũng nói.

>> Theo số liệu thống kê của tỉnh Cà Mau, đến hết tháng 8/2015, toàn tỉnh có hơn 9.258 ha tôm công nghiệp, tăng hơn 1.200 ha so với đầu năm. Phần lớn là diện tích nuôi tự phát.

Ngọc Thọ

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!