Nuôi tôm hay rừng ngập mặn: Tại sao không cả hai?

Chưa có đánh giá về bài viết

Tốc độ mở rộng nhanh chóng của ngành nuôi tôm đặt ra mối đe dọa nghiêm đến rừng ngập mặn. Càng được mùa tôm thì càng “mất mùa” rừng. Cả tôm và rừng ngập mặn đều mang lại những lợi ích riêng, vậy tại sao không kết hợp cả hai?

“Bức tường xanh”

Bên cạnh việc cung cấp đa dạng sinh học các loài động, thực vật, rừng ngập mặn (RNM) còn có nhiều chức năng quan trọng như chống sự tàn phá của sóng thần, xói mòn bờ biển, bảo vệ đất bồi, hạn chế xâm nhập mặn, chắn bão nhiệt đới, góp phần điều hòa khí hậu, độ mặn của đất, làm nơi trú ngụ và sinh sản cho nhiều loài cá, tôm, cua…

Bản đồ phân bố diện tích rừng ngập mặn toàn cầu (FAO 2004)

Hơn thế nữa, nghiên cứu của các nhà khoa học cho thấy, những khu RNM được coi là kho lưu giữ carbon lý tưởng, giữ lại trung bình 1.000 tấn carbon/ha, cao hơn nhiều so với 300 tấn/ha của rừng nhiệt đới. Như vậy, RNM có thể góp phần vào chiến dịch chống biến đổi khí hậu bằng cách giữ lại carbon trên đất cũng như trong khí quyển.

Qua đó, chúng ta có thể thấy RNM đóng vai trò quan trọng như thế nào đối với con người. Và chúng ta có thể hình dung được điều gì sẽ xảy ra khi RNM bị phá hủy?

 

Đang dần bị phá hủy

Tôm là món ăn khoái khẩu của nhiều người trên thế giới, đặc biệt là phương Tây và Mỹ. Riêng ở Mỹ, tôm đứng đầu trong danh sách tiêu thụ các loại hải sản. Hiệp hội Thủy sản Mỹ (NFI) vừa công bố top 10 loài thủy sản được tiêu thụ nhiều nhất tại thị trường Mỹ năm 2011. Theo đó, tôm vẫn là mặt hàng được ưa chuộng với mức tiêu thụ bình quân lên tới 4,2 pound/người. Nhưng theo các nhà môi trường học, cái giá phải trả để có được đĩa tôm trên bàn ăn không phải là nhỏ.

Người phương Tây càng ưa thích tôm thì tình trạng môi trường các nước nuôi tôm trên thế giới càng tồi tệ đi. Các trang trại nuôi tôm đang phá vỡ nhiều khu RNM, làm giảm các đàn cá trong tự nhiên, gây ô nhiễm và tăng nguy cơ dịch bệnh đối với các cộng đồng ven biển…

Phần lớn các trang trại nuôi tôm đều nằm tại RNM ven biển, một số khu rừng đang bị đe dọa nghiêm trọng bậc nhất trên thế giới. Trên phạm vi toàn cầu, hơn 1/3 diện tích RNM đã biến mất trong vòng 20 năm qua. Trong số đó, 38% là do sự phát triển của các trang trại nuôi tôm.

 

“Tôm đến, rừng tan”

Báo cáo của Quỹ Công lý Môi trường (EJF) cho thấy: Sự phát triển của các trang trại nuôi tôm gây tổn hại đến các môi trường sống ven biển khác, chẳng hạn như đầm nước ngập mặn, đầm lầy nước ngọt… Chất thải từ các trang trại nuôi tôm đã làm chết các rạn san hô và thảm cỏ biển. Chỉ riêng ở Thái Lan, mỗi năm các trang trại nuôi tôm thải ra 1,3 tỷ m3 chất rác bẩn.

Trong khi đó, để tối đa hóa lợi nhuận và chống dịch bệnh, người nuôi tôm còn sử dụng rất nhiều loại kháng sinh, thuốc chống nhiễm khuẩn, phân bón, thuốc trừ sâu… Annabelle Aish, nhà nghiên cứu thủy sinh thuộc EJF cho biết: “Phân bón có thể gây nên hiện tượng quá giàu chất dinh dưỡng khiến thực vật thủy sinh sinh sản mạnh, làm giảm mức ôxy trong nước, trong khi thuốc trừ sâu lại đầu độc sinh vật, dẫn tới hiện tượng tích lũy sinh học trong chuỗi thức ăn. Thuốc kháng sinh, thường được dùng không đúng cách và quá liều vì sợ bệnh tật, làm ảnh hưởng đến các hoạt động vi khuẩn tự nhiên, tạo điều kiện cho các mầm bệnh kháng thuốc phát triển. Các tác động này càng trở nên nghiêm trọng hơn khi mất đi RNM và đầm lầy, vốn có chức năng lọc ô nhiễm”. Báo cáo của EJF còn tỏ ra hoài nghi về tính bền vững của ngành nuôi tôm ở Thái Lan, Indonesia, Việt Nam, Philippines, Bangladesh và nhiều quốc gia đang phát triển khác.

Ao nuôi tôm kết hợp rừng ngập mặn tại Malaysia

Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) cho biết, nuôi tôm ở Ecuador, Honduras và Mexico mang lại lợi nhuận cao nhưng chính điều này cũng đang gia tăng sự phá hủy RNM, ảnh hưởng đến 70% những loài cá có giá trị thương mại và tôm, cua, sò, hến. Trong 12 năm qua, số lượng các ao nuôi tôm đã được mở rộng nhanh chóng, chủ yếu là do phá RNM, gây ra vấn đề quan trọng tới môi trường.

Một trong những điểm nổi bật trong các bức ảnh chụp từ ngoài không gian của Mỹ Latinh là các trang trại nuôi tôm ở Ecuador và Honduras đã tàn phá RNM như thế nào? Tại Ecuador, trọng tâm là Vịnh Guayaquil và tại Honduras là Vịnh Fonseca. UNEP cho biết: “Các trang trại và ao nuôi tôm mọc lên như nấm, gây ra các vấn đề lớn đối với môi trường. Nhiều RNM và trại ươm cá tự nhiên đã được giải tỏa để làm đường đi cho các trang trại nuôi tôm”.

 

Tại sao không cả hai?

Trên thực tế, nuôi tôm và RNM có thể kết hợp với nhau. Sự kết hợp này sẽ giúp mang lại nhiều lợi ích chẳng hạn như có được nhiều sản phẩm là tôm, cây rừng và rất nhiều cây, con sống trong rừng. Bên cạnh đó, RNM cũng có thể loại bỏ các mức độ quan trọng của nitơ và chất thải rắn từ nước thải ao nuôi tôm. Ngoài ra, quan trọng nữa là sẽ giúp bảo vệ và điều hòa môi trường nước, đất, không khí và sinh vật sống trong rừng…

Rừng cung cấp nhiều thức ăn tự nhiên cho tôm cá và là nơi cư trú lý tưởng của tôm cá, giúp cho nghề nuôi tôm được phát triển lâu bền. Rừng bị phá hoại sẽ ảnh hưởng rất lớn đến môi trường nghề nuôi tôm và cả cuộc sống chúng ta.

>> Ngoài kết hợp với rừng, nuôi tôm kết hợp trong ruộng lúa cũng rất tốt nhằm tận dụng mặt nước mặn vào mùa nắng. Mùn bã trên ruộng tạo ra nhiều thức ăn tự nhiên cho tôm. Sự thay đổi nước mặn – ngọt theo mùa cũng làm môi trường tốt hơn.

Hạnh Nguyên

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!