Được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông- Khuyến ngư Quảng Ngãi, năm 2012 Trạm Khuyến nông huyện Đức Phổ thực hiện mô hình nuôi tôm hùm lồng ở cửa biển Sa Huỳnh do hộ anh Đỗ Văn Được ở thôn Thạch Bi 1, xã Phổ Thạnh (Đức Phổ) thực hiện, với quy mô 3 lồng nuôi khoảng 15m3.
Lồng nuôi được thiết kế có 2 lớp lưới bọc bên ngoài, kích thước mắt lưới bao ngoài là 3cm, lưới bên trong có kích thước mắt lưới 2,5cm. Trên mặt lồng có gắn ống nhựa cho ăn. Vị trí đặt lồng ở cửa biển Sa Huỳnh tương đối kín gió, nguồn nước tương đối ổn định quanh năm, tàu bè ít qua lại, độ sâu nước biển trên 5m. Số tôm giống thả ban đầu là 150 con, tôm giống khỏe mạnh, tương đối đồng đều về kích cỡ (trung bình 150 gram/con), màu sắc tươi sáng, không bị mất phần phụ.
Anh Đỗ Văn Được- nông dân thực hiện mô hình giới thiệu tôm hùm thương phẩm sau 8 tháng nuôi. Ảnh: H.Y
Tôm được cho ăn 2 lần/ngày vào lúc 6 – 8 giờ sáng và 4-6 giờ chiều. Thức ăn chủ yếu là cá tạp tươi. Tôm hùm ăn tạp và ít kén chọn thức ăn, vì vậy không nhất thiết cho ăn cùng một loại cá. Định kỳ bổ sung thuốc bổ tổng hợp trộn vào trong thức ăn cho tôm. Thường xuyên lặn kiểm tra để xác định thức ăn thừa hay thiếu, tình trạng sức khoẻ của tôm, định kỳ 3 ngày vệ sinh và kiểm tra lồng nuôi để kịp thời sửa chữa.
Tại hội nghị tổng kết mô hình, anh Đỗ Văn Được cho biết: Sau 8 tháng nuôi, tôm đạt trọng lượng từ 0,9kg- 1,0 kg/con, tỷ lệ sống đạt 92%. Giá bán tôm thương phẩm hiện tại là 1,8 triệu đồng/kg, tổng thu khoảng 225 triệu đồng, trừ chi phí khoảng 139 triệu đồng, lãi khoảng 86 triệu đồng. Tuy đây là mô hình lần đầu tiên được thực hiện tại xã Phổ Thạnh, nhưng đã thành công cả về mặt kỹ thuật và kinh tế. Song người dân (dự buổi tổng kết) bày tỏ lo lắng về chất lượng con giống, quy hoạch vùng nuôi an toàn không bị ảnh hưởng bởi tàu thuyền, kỹ thuật phòng trị bệnh, giá cả thị trường tôm thương phẩm…
Nuôi tôm hùm thương phẩm tại xã Phổ Thạnh là mô hình nuôi thử nghiệm để rút kinh nghiệm về kỹ thuật nuôi và nghiên cứu hiệu quả kinh tế để nhân rộng tại các địa phương ven biển trong tỉnh. Việc nuôi tôm hùm thương phẩm tại vùng bãi ngang ven biển trong tỉnh có lợi thế là thức ăn rẻ. Mặt khác, nguồn cung ứng giống lại gần, do vậy lợi nhuận từ việc nuôi tôm hùm rất khả quan. Tuy nhiên, việc mở rộng, phát triển mô hình này còn gặp khó khăn, do chưa sản xuất được giống tôm hùm nhân tạo mà phải đắnh bắt trong tự nhiên, kích cỡ không đồng nhất. Giá lại cao, có lúc lên đến trên 150.000 đồng/con. Do vậy những hộ nuôi cần phải thu gom lượng tôm giống và đầu tư tiền giống cũng khá lớn lại phải khoanh nuôi một thời gian để chọn tôm cùng kích cỡ, sau đó mới thả nuôi thương phẩm.
Trưởng Trạm Khuyến nông huyện Đức Phổ Phạm Giang Nam đã đề nghị hộ tham gia mô hình (hộ anh Đỗ Văn Được), cần chia sẻ, phổ biến kỹ thuật nuôi tôm hùm lồng cho người dân có nhu cầu nuôi tôm hùm. Đồng thời, đề nghị UBND xã Phổ Thạnh quy hoạch vùng nuôi an toàn, tránh tình trạng người dân ồ ạt nuôi tôm hùm tự phát.