(TSVN) – Nếu thả nuôi từ nay đến cuối năm (còn gọi là vụ nghịch), người nuôi tôm sẽ không phải quá bận tâm đến chuyện giá cả, do nhu cầu thị trường tăng cao trong khi nguồn cung thì hạn chế. Cơ hội đang mở ra rất lớn với người nuôi tôm ở vụ nghịch này, nhưng để nắm bắt cơ hội từ thị trường mang lại, người nuôi tôm cần vượt qua nhiều rủi ro, thách thức.
Theo các nhà máy, hiện nguồn cung tôm nguyên liệu trong nước đã giảm khá mạnh, trong khi nhu cầu thu mua chế biến xuất khẩu của các nhà máy vẫn khá cao, nên giá tôm chắc chắn sẽ còn tăng thêm và giữ ở mức cao từ nay cho đến cuối năm.
Nguyên nhân thiếu hụt tôm nguyên liệu, đẩy giá tôm tăng mạnh trong thời gian gần đây, ngoài việc có nhiều hộ ngưng nuôi vì thua lỗ giá tôm giảm mạnh kéo dài, còn do sự xuất hiện của dịch bệnh khiến tôm nuôi phát triển không như ý và thiệt hại dần nên phải thu hoạch sớm. Thu sớm thì sản lượng giảm và nhất là thiếu hụt tôm cỡ lớn.
Cung ít, cầu nhiều khiến giá tôm trong hơn 1 tháng trở lại đây liên tục tăng mạnh. Ban đầu, chỉ có giá tôm cỡ lớn là tăng mạnh nhất, nhưng càng về cuối tháng 9 này, cả tôm cỡ trung lẫn cỡ nhỏ cũng bắt đầu tăng nhanh và tăng mạnh khi cả nước hầu như chỉ còn vùng nuôi ở ĐBSCL là còn tôm để cung cho thị trường xuất khẩu lẫn tiêu thụ nội địa. Theo ước tính, nếu việc thả nuôi được tăng tốc ở thời điểm hiện tại thì chí ít cũng gần cuối tháng 12 mới có tôm để thu hoạch, còn muốn có tôm cỡ lớn thì phải đợi đến gần hết tháng 1 của năm 2025.
Theo ông Võ Văn Phục – Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam (Vinacleanfood), chỉ trong vòng 1 tháng nay thôi, giá tôm đã tăng từ 20.000 – 60.000 đồng/kg (tùy theo kích cỡ). Với diễn biến trên, theo ông Phục, giá tôm sẽ còn tiếp tục tăng thêm trong thời gian tới, nhất là tôm cỡ lớn và cỡ trung vì đây là thời điểm rất khó để nuôi tôm về kích cỡ lớn do độ mặn đã giảm mạnh và dịch bệnh cũng nhiều hơn.
Sau giấc ngủ đông khá dài, từ giữa tháng 8 giá tôm nguyên liệu bất ngờ bật tăng và liên tiếp thiết lập mặt bằng giá mới. Các dự báo còn cho thấy, giá tôm sẽ còn tiếp tục tăng cao từ nay đến cuối năm, thậm chí là kéo dài sang cả quý I/2025 do tôm Ecuador đã qua cao điểm thu hoạch, tồn kho tại các thị trường lớn đã giảm mạnh và nguồn cung tôm thế giới đã không còn dồi dào như những tháng đầu năm. Diễn biến trên khiến không ít người nuôi tôm không khỏi phân vân, đắn đo trước quyết định có nên thả nuôi tiếp trong mùa nghịch hay không khi mà cơ hội bán được tôm với giá cao đang mở ra rất lớn, thậm chí là rất chắc chắn nữa. Người nuôi đắn đo, phân vân là bởi, ngoài yếu tố thuận lợi về giá ra thì các yếu tố còn lại, như: thời tiết, dịch bệnh, môi trường… hầu hết đều bất lợi cho nghề nuôi.
Hiện các tỉnh nuôi tôm trọng điểm khu vực ĐBSCL đang bước vào cao điểm mùa mưa bão, nên việc quản lý, chăm sóc ao tôm luôn gặp rất nhiều khó khăn. Do đó, cho đến thời điểm hiện tại, vẫn có khá ít người dám thả nuôi, một phần do độ mặn đã giảm mạnh tại nhiều vùng nuôi, phần khác do dịch bệnh trên tôm vẫn còn dai dẳng và phần còn lại lo ngại chuyện mưa bão dồn dập dịp cuối năm.
Theo ghi nhận của phóng viên Tạp chí Thủy sản Việt Nam, ngoại trừ 4 tháng đầu năm tôm lớn khá nhanh và dễ đạt kích cỡ lớn, từ tháng 5 đến nay, tình hình thả nuôi không mấy thuận lợi mà nguyên nhân theo người nuôi chủ yếu là do dịch bệnh. Đặc biệt là tình hình chất lượng con giống không ổn định, con giống còn mang mầm bệnh làm cho tỷ lệ nuôi tôm thành công ở vụ nghịch càng thêm thấp, rủi ro thua lỗ càng thêm cao.
Nếu thả nuôi ở thời điểm hiện tại gần như chắc chắn đến lúc thu hoạch sẽ bán được giá cao, nhưng cũng đồng thời đánh cược với không ít rủi ro. Đây cũng chính là cơn đau đầu không dễ chịu chút nào của người nuôi tôm, bởi “Nuôi thì lo, không nuôi thì tiếc”. Và cũng rất khó cho ngành chức năng để đưa ra một khuyến cáo chung nhất về việc có nên thả nuôi tiếp hay không. Nói như giám đốc một doanh nghiệp có vùng nuôi lớn: “Cơ hội này chỉ dành cho những “cao thủ” trong nghề nuôi tôm, tức những người có bản lĩnh, trình độ và khả năng tài chính mạnh”.
Hiện tại, nếu thu hoạch tôm đạt năng suất và tôm đạt kích cỡ lớn, người nuôi sẽ có lợi nhuận khá cao nhờ giá tôm tăng mạnh trong thời gian gần đây
Là một doanh nghiệp có vùng nuôi tôm lớn, được đầu tư trang thiết bị, kỹ thuật nuôi tôm hiện đại, có thể nuôi với mật độ rất cao, nhưng theo ông Phục, nghề nuôi tôm ngày càng bấp bênh, nhất là ở vụ nghịch này.
“Mấy năm gần đây, nghề nuôi tôm ngày càng có nhiều rủi ro hơn, nhất là rủi ro về dịch bệnh. Ngay cả trang trại của Vinacleanfood của chúng tôi, dù được đầu tư rất bài bản, tích lũy được không ít kinh nghiệm, kỹ thuật trong phòng trị bệnh trên tôm nhưng cũng hết sức vất vả mới có thu hoạch, nhất là ở vụ nghịch này. Cũng do dịch bệnh gây thiệt hại ngày càng nhiều nên không ít người ngại thả nuôi, diện tích giảm, gây thiếu hụt tôm nguyên liệu khi vào cao điểm chế biến xuất khẩu. Theo tôi, ở vụ nghịch này, tuy tôm có giá cao nhưng những hộ nuôi theo mô hình ao đất hay những mô hình cấp thấp khác cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định thả nuôi, nếu không sẽ bị lỗ vì dịch bệnh, thời tiết bất lợi”, ông Phục cho chia sẻ.
Khó khăn ở vụ nghịch là điều không thể tránh khỏi, nên muốn nuôi được phải có kiến thức, kinh nghiệm quản lý… nhất là khâu quản lý an toàn sinh học. Còn theo ông Phục, quan trọng nhất ở vụ nuôi này vẫn là tôm giống vì một khi con giống đã mang mầm bệnh EHP rồi thì dù áp dụng giải pháp gì cũng khó đưa tôm nuôi về đích được.
Ông Phục chia sẻ: “Ngoài yếu tố mưa bão thất thường thì dịch bệnh ở vụ này cũng rất nhiều. Trong đó, bệnh do EHP là điều mà người nuôi tôm hiện nay, kể cả ao bạt hay ao đất cũng đều rất sợ. Do vậy, để nuôi được thành công ở vụ này thì việc quản lý an toàn sinh học là rất quan trọng”.
Hiện Chi cục Thủy sản các tỉnh khu vực nuôi tôm ở ĐBSCL tiếp tục chủ động khuyến cáo người dân các giải pháp nhằm quản lý hiệu quả quá trình thả nuôi thủy sản; triển khai các chương trình giám sát dịch bệnh chủ động và bị động tại vùng nuôi; tăng cường kiểm tra tôm giống nhập tỉnh nhằm xác định tác nhân gây bệnh để thông tin cảnh báo kịp thời đến người nuôi chủ động trong sản xuất; đẩy mạnh công tác quan trắc môi trường vùng nuôi, khuyến cáo giải pháp ngăn ngừa dịch bệnh trong tôm nuôi.
Về phía người nuôi, nên thường xuyên cập nhật bản tin thời tiết, khí tượng thủy văn, bản tin giá cả thị trường để có thể đưa ra quyết định kịp thời và đúng đắn nhất, nhằm đảm bảo cho vụ nuôi đạt hiệu quả cao nhất, để tận dụng tốt nhất cơ hội từ giá tôm mang lại.
Xuân Trường