(TSVN) – Trong những năm gần đây, kể cả 2 năm đại dịch COVID-19, ngành tôm cả nước luôn có sự phát triển cả về năng suất, sản lượng lẫn kim ngạch xuất khẩu. Thành công đó có sự đóng góp không nhỏ của nghề nuôi tôm, đặc biệt là các mô hình nuôi tôm tiên tiến được các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp nghiên cứu và chuyển giao.
Trong thời gian qua, điều mà cả người nuôi ao lót bạt lẫn ao đất luôn gặp khó khăn và phập phồng lo sợ chính là tình trạng tôm chết sớm trong giai đoạn dưới 40 ngày tuổi. Thấu hiểu, cảm thông và mong muốn được chia sẻ khó khăn trên với người nuôi tôm, ngay từ năm 2013, TS Lê Thế Xuân, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ Sinh học Trúc Anh ở Bạc Liêu đã tiến hành nghiên cứu, phân lập, chọn lọc dòng vi sinh có lợi để khắc phục tình trạng trên và giúp loại bỏ kháng sinh trong quá trình nuôi.
Lâu nay, người nuôi tôm vẫn quen sử dụng hóa chất trong quá trình xử lý nước và chất kháng sinh để phòng, trị bệnh cho tôm trong giai đoạn trước 40 ngày tuổi, không những tác động xấu đến môi trường, mà còn làm tôm chậm lớn và tôm không đạt tiêu chuẩn sạch theo yêu cầu thị trường. Với bộ sản phẩm vi sinh của mình, Trúc Anh đã giúp người nuôi tôm không phải dùng đến thuốc tím hay Chlorine trong xử lý nước và kháng sinh trong suốt quá trình nuôi tôm. TS Lê Thế Xuân cho biết: “Qua theo dõi, chúng tôi nhận thấy, khi người nuôi sử dụng hóa chất sẽ tác động xấu đến môi trường làm xuất hiện rong đá hay động vật thân mềm rất lạ lẫm với ngưới nuôi. Còn khi sử dụng kháng sinh, không những tốn kém chi phí, không hiệu quả mà còn dẫn đến tình trạng vi khuẩn kháng kháng sinh. Chỉ có sử dụng biện pháp cạnh tranh sinh học bằng cách sử dụng các vi sinh vật có lợi để khống chế sự phát triển của vi sinh vật có hại, vừa có hiệu quả cao, vừa tiết kiệm chi phí và ổn định hệ sinh thái môi trường ao nuôi”.
Hiện có khoảng 2.000 hộ nuôi tôm ứng dụng quy trình nuôi tôm sạch bằng sinh học hoàn chỉnh của Trúc Anh. Ảnh: XT
Hôm chúng tôi đến thăm trại nuôi của ông Huỳnh Văn Ninh, ở huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu, được nghe ông kể những giai đoạn thăng trầm của nghề nuôi tôm mới thấy hết giá trị và ý nghĩa của giải pháp cạnh tranh sinh học mà TS Lê Thế Xuân chia sẻ. Mới nhìn trại nuôi được thiết kế rất thông thoáng và bài bản, tôi không nghĩ ông Ninh lại phải nhiều phen lận đận vì tôm chết sớm. Theo ông Ninh, người nuôi tôm sợ nhất là 3 giai đoạn: 16 ngày, 32 ngày và 45 ngày, đặc biệt là giai đoạn 16 ngày. Trong các giai đoạn này, dù là nuôi ao lót bạt tôm vẫn hay bị đường ruột và gan nên người nuôi thường phải sử dụng kháng sinh. Tuy nhiên, sau khi sử dụng kháng sinh, dù tôm hết bệnh thì cũng rất chậm lớn, buộc phải thu hoạch sớm vì nếu để nuôi tiếp sẽ lỗ nặng hơn.
Nỗi sợ hãi cũng như sự lo lắng của ông Ninh và nhiều hộ nuôi tôm khác giờ đã không còn khi có sự hợp tác với Trúc Anh. Ông Ninh cho biết thêm: “Năm nay, tôi chia thành 2 khu nuôi, 1 khu nuôi theo quy trình và sử dụng sản phẩm sinh học Trúc Anh, khu còn lại nuôi theo quy trình và sản phẩm của một doanh nghiệp khác. Đến giờ này, tôm nuôi theo quy trình Trúc Anh được 48 ngày tuổi, chỉ sử dụng chế phẩm sinh học của Trúc Anh nhưng tôm đã vô cỡ 120 – 130 con/kg, khu còn lại tôm đã 62 ngày tuổi nhưng kích cỡ cũng chỉ 120 – 125 con/kg. Từ giờ đến thu hoạch vẫn còn dài, nhưng tôi rất yên tâm vì tôm đã vượt qua được giai đoạn khó khăn nhất từ trước đến nay”.
Được biết, ông Ninh là 1 trong số 31 hộ nuôi tôm được “Gói hỗ trợ tiếp sức bội thu” thuộc gói hỗ trợ “Bác sĩ tôm ra đồng” của Trúc Anh với suất hỗ trợ bình quân 78 – 89 triệu đồng/mô hình. Đây là gói hỗ trợ manh tính nhân văn trị giá 10 tỷ đồng, nhằm giúp người nuôi tôm phục hồi sau đại dịch COVID-19 do Công ty Trúc Anh triển khai thực hiện. Nói nhân văn bởi chỉ khi nào tôm vượt qua giai đoạn 40 ngày tuổi thì người tham gia cũng chỉ phải hoàn lại 50% số tiền Trúc Anh đã hỗ trợ. Số tiền thu lại này tiếp tục được Trúc Anh tái đầu tư cho những hộ khó khăn, muốn tham gia cùng Công ty. Không chỉ có ông Ninh thực hiện thành công mô hình này, mà 30 hộ còn lại cũng đã chứng minh đây là mô hình có hiệu quả, trước mắt là giúp tôm vượt qua giai đoạn 40 ngày tuổi bằng chế phẩm sinh học. Điều này được thể hiện qua con số 2,7 tỷ đồng hỗ trợ đã có 1,2 tỷ đồng được thu hồi để tái đầu tư cho những hộ tiếp theo. Nói về gói hỗ trợ 10 tỷ đồng này, TS Lê Thế Xuân chia sẻ: “Nếu Trúc Anh không tái khẳng định quy trình này là ưu việt, không giúp người nuôi tôm vượt qua giai đoạn khó khăn thì Trúc Anh cũng không thể tồn tại được. Hay nói một cách khác là Trúc Anh luôn tự tin vào quy trình và các sản phẩm của mình khi đưa ra gói hỗ trợ này”.
Đó là mục tiêu hướng tới của mô hình CPF-Combine của Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam nghiên cứu triển khai ứng dụng tại nhiều vùng nuôi tôm trọng điểm những năm qua.
Điểm nổi bật của mô hình này không chỉ tạo nên sự khác biệt về năng suất, hiệu quả hay tỷ lệ thành công… mà còn có thể nuôi tôm đạt kích cỡ lớn có giá trị cao và đặc biệt là những hộ có diện tích đất nhỏ vẫn có thể áp dụng mô hình này. Riêng năm 2021, dù ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch COVID-19, nhưng C.P cũng ghi nhận tỷ lệ thành công của mô hình đạt trên 95%. Theo ông Boonlap Watcharawanitchakul, Phó Tổng Giám đốc cấp cao của C.P. Việt Nam, đến thời điểm hiện tại, số lượng ao nuôi theo mô hình CPF-Combine do C.P chuyển giao trên cả nước đã lên đến 21.000 ao, tập trung chủ yếu ở khu vực ĐBSCL và có 50 khách hàng nuôi đạt kích cỡ 15 con/kg, đặc biệt có khách hàng tại tỉnh Trà Vinh nuôi về đến kích cỡ 11,1 con/kg.
Tuy diện tích ao nuôi thực tế chỉ chiếm từ 10 – 15% tổng diện tích khu nuôi nhưng bù lại, mỗi năm có thể nuôi 2 – 3 vụ nên năng suất có thể trên 150 tấn/ha ao nuôi/năm, lợi nhuận từ 70 – 100% chi phí đầu tư. Anh Nguyễn Văn Mắn, ở huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng chia sẻ: “Năm nay, người nuôi tôm nào cũng gặp khó vì độ mặn xuống thấp quá nhanh và dịch bệnh phân trắng, EHP bùng phát, nhưng tôi vẫn có được 2 vụ thu hoạch thành công liên tiếp. Vụ gần đây nhất, với 360.000 post TTCT của C.P, ngay trong lần thu tỉa tôi đã có 1,6 tấn tôm cỡ 90 con/kg bán với giá 100.000 đồng/kg và đến 102 ngày tôi thu dứt điểm được 5,9 tấn tôm cỡ 34 con/kg, bán với giá 139.000 đồng/kg”. Đây được xem là mô hình thích ứng tốt với điều kiện bất lợi của môi trường và nói như anh Mắn, nuôi theo mô hình này trước đây vẫn phải lo khi gặp điều kiện thời tiết xấu, nhưng bây giờ nếu có điều kiện nâng cấp lên thành CPF-Combine House thì người nuôi sẽ an tâm hơn.
Đây là công nghệ của AquaEasy, một công ty của Bosch, một công nghệ toàn diện có thể giám sát chất lượng nước và quản lý ao nuôi tôm với các giải pháp hoàn chỉnh từ công nghệ cảm biến, phần mềm và dịch vụ. Giải pháp này cho phép tôm “giao tiếp” với người nuôi – khi chúng đói, căng thẳng và nhu cầu của chúng, ông Võ Hoàng Vũ – Giám đốc Kinh doanh của AquaEasy cho biết.
Giải pháp AquaEasy hiện đang được ứng dụng rộng rãi, giúp tôm nuôi tăng năng suất tới 30%. Ảnh: AquaEasy
Mới đây, Tập đoàn Việt Úc và AquaEasy đã ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược trong việc ứng dụng công nghệ hiện đại này vào nuôi tôm. Theo thỏa thuận hợp tác này, Tập đoàn Việt Úc sẽ triển khai ứng dụng các giải pháp thông minh của AquaEasy bao gồm: Giải pháp trí tuệ nhân tạo (AI), Máng ăn thông minh (i-feeder TM) và giải pháp ShrimpTalkTM tại hơn 1.000 ao nuôi tôm trong trang trại của Việt Úc và khách hàng. Hai bên kỳ vọng sẽ thiết lập một mô hình kiểu mẫu tại Việt Nam, áp dụng công nghệ vào canh tác để tăng năng suất, lợi nhuận và tính bền vững của ngành tôm.
Theo ông Vũ, với sự hợp tác này, AquaEasy và Việt Úc kỳ vọng góp phần số hóa và tăng cường tính hiệu quả, bền vững cho ngành tôm ở Việt Nam. Còn theo ông Nguyễn Công Cẩn, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Việt Úc, công nghệ nêu trên giúp hiện đại hóa mô hình nuôi, tiết kiệm thời gian, tăng cường lợi nhuận và hạn chế rủi ro hơn. Việc sử dụng công nghệ mới là rất quan trọng để thành công trong nghề nuôi tôm trong thời đại công nghệ 4.0 như hiện nay.
Bắt đầu hoạt động vào năm 2017, AquaEasy là một hệ thống giám sát NTTS tích hợp công nghệ thông minh. Giải pháp mang đến độ chính xác cao và khả năng áp dụng cao trong các hoạt động canh tác, người nuôi tôm có thể chủ động trong việc quản lý chất lượng nước ao hồ và các phép đo hàng ngày sẽ được theo dõi một cách nhanh chóng, dễ dàng thông qua ứng dụng di động trên điện thoại. Giải pháp AquaEasy hiện được triển khai tại 27 thành phố ở Indonesia, Singapore và Việt Nam, giúp năng suất nuôi tôm tăng 30%.
Xuân Trường