Nuôi tôm nước lợ bền vững

Chưa có đánh giá về bài viết

Tôm thẻ chân trắng đang là lựa chọn hàng đầu của người nuôi tôm, khi cả diện tích và sản lượng đều tăng. Tuy nhiên, trong sự gia tăng này tiềm ẩn nhiều rủi ro. Đây cũng là nội dung thảo luận tại Hội thảo “Định hướng chiến lược nuôi tôm nước lợ bền vững tại Việt Nam” diễn ra tại Bạc Liêu.

Bà Phan Thị Thu Oanh, Phó GĐ Sở NN&PTNT Bạc Liêu: Cần nghiên cứu sâu hơn nữa

Hiện, diện tích nuôi trồng thủy sản tỉnh Bạc Liêu 126.173 ha; trong đó, 123.540 ha nuôi tôm nước lợ, sản lượng 75.577 tấn, tập trung tại 3 huyện ven biển Giá Rai, Phước Long, Hồng Dân. Tại tỉnh, khi kết hợp nuôi tôm thẻ chân trắng (TTCT) và tôm sú sẽ có nhiều hạn chế (tôm nuôi thường chậm lớn, thả nuôi vụ sau khó gây màu nước, cạnh tranh thức ăn nhiều hơn…). Do đó, cần điều chỉnh phù hợp về vùng và phương thức nuôi. Chỉ nuôi TTCT theo hình thức thâm canh, bán thâm canh, không nuôi kết hợp tôm sú; đồng thời vẫn duy trì và ổn định diện tích nuôi tôm sú. Tuy nhiên, để điều chỉnh hợp lý cho 2 đối tượng nuôi này, cần có những nghiên cứu, phân tích về các yếu tố môi trường (đất, nước, độ ẩm…), tác hại của hóa chất sử dụng tới môi trường, quản lý tốt con giống, thức ăn, thuốc…; nhằm góp phần nâng cao kim ngạch xuất khẩu, tạo việc làm, tăng thu nhập, ổn định đời sống kinh tế cho người dân sống trong vùng quy hoạch nuôi tôm.

 

Ông Nguyễn Văn Nhiệm, Chủ tịch Hiệp hội Tôm Mỹ Thanh (Sóc Trăng): Phát triển TTCT tại vùng nuôi phù hợp

Cần giữ vững vị trí số một của tôm sú và phát triển nuôi TTCT tại những vùng nuôi phù hợp, nhằm cải thiện đời sống người dân. Đồng thời, không nên chỉ độc canh loại vật nuôi nào, mà cần đa canh đa con để mang lại hiệu quả cao. Hiệp hội cũng đề nghị Sở NN&PTNT Sóc Trăng khuyến khích những hộ có điều kiện thì tiếp tục thả nuôi, nhưng cần đảm bảo nếu có dịch bệnh phải xử lý trong quy mô vùng nuôi, không để lây lan ra vùng nuôi xung quanh. Thời gian tới, các hội viên vẫn tiếp tục nuôi TTCT, từ tháng 10 về sau thì ngừng nuôi vì trời lạnh. Giá tôm vừa qua tăng kỷ lục nên người dân rất phấn khởi, có thêm niềm tin trong sản xuất.

 

TTCT đang là lựa chọn hàng đầu của người nuôi tôm – Ảnh: Thanh Nhã                          

Ông Trương Hữu Thông, Chủ tịch Hiệp hội Tôm giống tỉnh Bình Thuận: Nâng cao chất lượng quy hoạch vùng nuôi

TTCT có hiệu quả cao và cho thu nhập tốt, bởi đây là đối tượng có thời gian thả nuôi khá dài, từ tháng 5 đến tháng 2 năm sau. Những năm qua, Hiệp hội Tôm giống Bình Thuận luôn là đơn vị cung cấp tôm giống hàng đầu tại Bình Thuận và vùng lân cận. Các nhà sản xuất con giống hầu như đều chú trọng tuyển chọn con giống phát triển nhanh (thời gian nuôi ngắn cho thu hoạch) nên sức đề kháng kém, tôm dễ nhiễm bệnh và chết. Để phát triển ổn định tôm nuôi nước lợ, cần rà soát lại quy hoạch, phát triển đồng đều tại những vùng có môi trường thuận lợi cho tôm phát triển.

 

Ông Lê Đình Thanh Nhã, Giám đốc Kinh doanh và Đào tạo Công ty TNHH Khoa Kỹ Sinh vật Thăng Long: Người nuôi tôm cần được quan tâm hơn

Nói đến sự bền vững của ngành nuôi trồng thủy sản, chúng ta không nên chỉ chú trọng đến việc nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm thiểu nguy cơ dịch bệnh; mà điều quan trọng là làm thế nào để mang lại lợi ích cho người nuôi, tạo sự bền vững trong kinh tế, và hiệu quả nuôi trồng. Do đó, cần thiết phải xây dựng chuỗi liên kết 4 nhà, nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho hoạt động sản xuất. Công ty cũng đang liên kết với nhiều đơn vị, tổ chức trong và ngoài nước, hỗ trợ người nuôi về kinh nghiệm sản xuất, tạo ưu đãi về các sản phẩm cung ứng phục vụ sản xuất. Nhằm mang lại giá trị thiết thực nhất cho người nuôi trồng, tạo niềm tin và điều kiện để họ yên tâm sản xuất, phát triển các đối tượng nuôi thủy sản phù hợp với từng vùng miền.

 

“Vua tôm” Sáu Ngoãn: Cần đa dạng hóa đối tượng nuôi

TTCT được nuôi theo hướng công nghiệp là chủ đạo nhưng để phát triển ổn định cần quy hoạch những vùng nuôi có đủ điều kiện cơ sở vật chất, phương tiện, vùng nuôi, vốn… Và vấn đề quan trọng nhất là thị trường tiêu thụ cần được quan tâm hơn, tránh trường hợp nhiều nước cùng phát triển TTCT sẽ ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động sản xuất của người dân khi đầu ra gặp khó khăn. Do đó, cần đa dạng hóa đối tượng nuôi; ngoài 2 đối tượng chính  tôm sú và TTCT, có thể phát triển thêm tôm he, tôm càng xanh…, tạo lợi nhuận, cải thiện đời sống người dân.

 

Corey Peet – Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ (USAID): Hướng tới sản phẩm có chứng nhận

Việt Nam cũng như các nước trong ASEAN cần quan tâm hơn tới những sản phẩm mang tính bền vững (về môi trường, an sinh, xã hội), bởi thị trường tiêu dùng trên thế giới ngày càng chú trọng hơn tới những vấn đề đó đối với các sản phẩm họ sử dụng. Do đó, các nhà sản xuất cần tìm hiểu xu hướng tiêu dùng, biết họ cần gì, muốn gì, để dựa vào đó tạo ra sản phẩm đạt những tiêu chuẩn đó. Đặc biệt, tại những vùng nuôi trồng thủy sản lớn như Việt Nam, Thái Lan… cần phải xây dựng giải pháp kỹ thuật an toàn trong nuôi và chế biến sản phẩm tôm, áp dụng quy trình công nghệ nuôi tiên tiến nhằm đạt được sản phẩm tôm sạch an toàn vệ sinh thực phẩm, nhằm tạo ra thị trường xuất khẩu bền vững, ổn định. Tiêu biểu là tiêu chuẩn VietGAP. Tuyên truyền áp dụng VietGAP không những đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm mà còn đảm bảo lợi nhuận cho người sản xuất và từng bước xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt Nam trong lòng người tiêu dùng trong nước và quốc tế.

>> Theo FAO, sản lượng tôm nuôi thế giới năm 2011 đạt 3,85 triệu tấn; trong đó gần 3 triệu tấn TTCT (78%) và hơn 850.000 tấn tôm sú (22%). Trung Quốc dẫn đầu sản xuất TTCT với 1,326 triệu tấn; Thái Lan và Ecuador đứng thứ 2 và 3 với 511.000 tấn và 260.000 tấn. Đồng thời, sản xuất TTCT ở nhiều nước có xu hướng tăng, rõ nhất ở Ấn Độ, Indonesia, Việt Nam.

Phương Chi

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!