Hiện nay, nhiều diện tích thả nuôi tôm thẻ chân trắng (TTCT) ở ĐBSCL đã cho thu hoạch thành công… Tuy nhiên, tại Thông tư Số 22/2011/TT-BTNMT quy định tiêu chí xác định loài ngoại lai xâm hại và ban hành danh mục loài ngoại lai xâm hại, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đưa TTCT vào Danh sách loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại đã xuất hiện trên lãnh thổ Việt Nam.
Qua quá trình tranh luận khá sôi nổi, hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đang gấp rút bổ sung tài liệu để Bộ TN&MT rút TTCT ra khỏi danh sách này… Với những diễn biến của TTCT trong thời gian qua, nhiều ý kiến cho rằng: Các ngành hữu quan cần có định hướng tốt trong việc quản lý và phát triển TTCT ở ĐBSCL và cả nước mang lại hiệu quả cả về kinh tế lẫn môi trường…
Nuôi TTCT – Thắng lớn
Nhiều diện tích nuôi TTCT ở Vĩnh Châu đạt hiệu quả cao. Ảnh: XUÂN TRƯỜNG
Sau thất bại ở đầu vụ với con tôm sú, anh Nguyễn Văn Tùng ở huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng, nuôi thử nghiệm TTCT (3 ao, diện tích 1 ha). Được sự hướng dẫn kỹ thuật của cán bộ Công ty CP, tỷ lệ nuôi đạt đầu con lên đến 84% và tôm lớn rất nhanh, nên chỉ sau 87 ngày nuôi, anh Tùng thu hoạch được 10,5 tấn tôm thịt, cỡ 52 con/kg, giá bán 138.000 đồng/kg. Anh Tùng chia sẻ: “Tôi cũng không ngờ thành công lại nhanh và lớn như vậy. Tính ra, tiền bán tôm được gần 1,5 tỉ đồng, trừ hết chi phí còn lời hơn 800 triệu đồng. Tôi thấy TTCT cũng rất dễ nuôi, tôm mau lớn, ít bệnh…”. Sau thành công này, anh Tùng tiếp tục thả thêm 8 ao, khoảng 3 ha. Do lần này đã có kinh nghiệm nên chỉ sau thời gian nuôi 88 – 92 ngày, tôm đã đạt cỡ 38 con/kg, sản lượng thu hoạch đạt hơn 40 tấn và đem về cho anh lợi nhuận trên 2,5 tỉ đồng. Tại huyện Trần Đề, trong đợt thả nuôi khắc phục thiệt hại tôm sú chết vừa qua, không ít hộ nuôi đã chọn TTCT làm đối tượng thay. Anh Trần Văn Khúc (Năm Khúc), xã Vĩnh Hiệp, huyện Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng, phấn khởi khoe: “TTTCT nuôi mau lớn lắm, tôi thả mỗi ao 100.000 con, đến giờ này được 82 ngày tuổi, tỷ lệ sống khoảng 80%, coi như ăn chắc”. Trước đó, anh Năm Khúc đã thu hoạch 1 ao lời 180 triệu đồng. Vào đầu vụ, anh Trần Duy Dũng ở ấp Xoài Côn, xã Vĩnh Châu, huyện Vĩnh Châu cũng bị thiệt hại 4 ao tôm sú, lỗ cả trăm triệu đồng. Thấy TTCT nuôi hiệu quả, anh thả nuôi 2 ao (mỗi ao 4.000 m2) thử nghiệm với mật độ 25 con/m2. Anh Dũng cho biết: “Mình chưa biết tính nết nó ra sao nên chỉ dám thả mật độ như vậy thôi cho yên tâm. Vậy mà sau 105 ngày tôi thu hoạch 2 ao này được 5 tấn tôm, loại 35 con/kg, lời 500 triệu đồng, coi như lấy cả vốn lẫn lời của vụ tôm sú trước”.
Năm 2011, TTCT là đối tượng nuôi được nhiều tổ chức, cá nhân ở ba huyện Bình Đại, Ba Tri và Thạnh Phú (tỉnh Bến Tre) quan tâm. Diện tích nuôi TTCT tăng lên và tôm sú giảm. Trại nuôi tôm công nghiệp K22 ở xã An Nhơn, huyện Thạnh Phú, năm 2010 diện tích nuôi TTCT từ 15 – 20 ha, vụ này tăng lên 40 ha. Trại đã chuyển ao nuôi cá da trơn và tôm sú công nghiệp sang nuôi TTCT… Ông Võ Thanh Hóa, ở xã Bình Thới, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre có diện tích đất nuôi tôm 3 ha. Nhiều năm liền, ông đều thành công với nuôi tôm sú công nghiệp. Tuy nhiên, từ năm 2010, ông Hóa chuyển sang nuôi TTCT. Ông Hóa lý giải: Trước đây, tôm sú nuôi từ 3 – 4 tháng là thu hoạch, nhưng gần đây kéo dài đến 5 tháng mới thu hoạch. Con giống quyết định 70% thành công, không ít hộ nuôi mua phải con giống không đảm bảo chất lượng rất dễ xảy ra thiệt hại. Phần lớn, hộ nuôi vốn tự có không đảm bảo phải vay vốn ngân hàng. Vụ nuôi thất bại xem như trắng tay, sổ đỏ phải “ngâm” ở ngân hàng. Còn TTCT thả nuôi từ 2 – 3 tháng là thu hoạch. Theo ông Hóa, chi phí đầu tư nuôi TTCT đến thu hoạch khoảng 50.000 – 60.000 đồng/kg, còn tôm sú phải từ 80.000 đồng trở lên. Trong khi đó, nuôi tôm sú rủi ro cao, nhưng nếu “trúng” cả hai đối tượng này lợi nhuận ngang nhau…
Phát triển hay không?
Trước năm 2007, Bộ Thủy sản (cũ) đã có nhiều văn bản không cho phép nuôi TTCT ở nhiều địa phương trong cả nước, trong đó có các tỉnh, thành ĐBSCL. Tuy nhiên, theo các địa phương vùng ĐBSCL, từ năm 2008 đến nay, hầu hết các địa phương đều có thả nuôi TTCT. Tuy quy mô diện tích, mật độ cũng như mô hình thả nuôi khác nhau, nhưng đều mang lại hiệu quả khá cao, nhất là trong những năm tôm sú thiệt bị hại lớn… Vì hiệu quả kinh tế mang lại, người dân dễ dàng phá vỡ quy hoạch chung của địa phương để chạy theo con TTCT. Theo ông Võ Văn Thanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre, quy hoạch của huyện chỉ có 4 xã nuôi tôm biển. Nhưng hiện đã phát triển rộng khắp. Ngay cả những khu vực ngọt hóa nhưng do dự án chưa được đầu tư khép kín, người dân vẫn đào ao nuôi tôm biển. Đối với con TTCT, quy hoạch diện tích nuôi đến năm 2015 là 800 ha và năm 2020 phát triển lên 1.000 ha. Nhưng vụ nuôi năm 2011, diện tích nuôi TTCT đã hơn 1.000 ha… Tháng 4-2011, tại tỉnh Sóc Trăng, Bộ NN&PTNT tổ chức hội nghị chỉ đạo quy hoạch nuôi TTCT. Tại Hội nghị này, các tỉnh ven biển ĐBSCL đều có chung kiến nghị cho phép nuôi TTCT. Bởi vì, chắc chắn trong thời gian tới, diện tích nuôi TTCT sẽ được người dân mở ra nhiều hơn. Song song đó, Bộ NN&PTNT cũng cần có hướng dẫn cụ thể về quy trình nuôi, kiểm soát con giống, quản lý dịch bệnh để hạn chế rủi ro…
Tuy nhiên, tại Danh mục loài ngoại lai xâm hại ban hành kèm Thông tư số 22/2011/TT-BTNMT quy định tiêu chí xác định loài ngoại lai xâm hại và ban hành danh mục loài ngoại lai xâm hại ngày 1-7-2011 của Bộ TN&MT, TTCT bị liệt vào danh sách loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại đã xuất hiện trên lãnh thổ Việt Nam. Tuy nhiên, Bộ NN&PTNT lại cho rằng, việc cấm nuôi TTCT có thể tác động không nhỏ tới phát triển sản xuất và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, ảnh hưởng lớn tới quyền lợi của hàng vạn nông dân và doanh nghiệp… Vì thế, Bộ NN&PTNT đã kiên quyết đấu tranh cho quan điểm của mình. Theo nguồn tin từ các ngành hữu quan, mới đây, Bộ TN&MT đã đồng ý rút TTCT và hàu Thái Bình Dương khỏi danh mục có nguy cơ xâm hại, với điều kiện Bộ NN&PTNT đưa ra thêm các thông tin, tài liệu liên quan đến quá trình nghiên cứu, khảo nghiệm, đánh giá về TTCT. Trong đó, có đánh giá về khả năng truyền bệnh virus gây hội chứng Taura của TTCT…
Tiến sĩ Nguyễn Thanh Tùng, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản kiêm Phân viện trưởng Phân viện Quy hoạch thủy sản phía Nam, cho rằng: TTCT chưa gây thiệt hại gì tới môi trường. Dân nuôi TTCT đã mấy năm rồi, họ đã nắm vững những kiến thức về loài tôm này như đặc tính sinh học, thời vụ, năng suất và đang nuôi rất hiệu quả. Thay cho việc cấm đoán, các ngành hữu quan nên hỗ trợ, hướng dẫn và định hướng nông dân nuôi TTCT ngày càng tốt hơn, cả về kinh tế lẫn môi trường. Từ thực tế ở ĐBSCL trong thời gian qua, có thể khẳng định rằng nếu quản lý, kiểm soát tốt việc phát triển tôm thẻ ở các địa phương thì sẽ không có việc gì phải lo…
X. TRƯỜNG – TR. QUỐC
Theo Báo Cần Thơ