THỨ BA, ngày 21/1/2025

T2, 06/07/2020 11:48

Nuôi tôm thẻ chân trắng trong ao đất

Chưa có đánh giá về bài viết

Cơ sở nuôi phải nằm trong vùng quy hoạch hoặc được cơ quan quản lý cho phép.

I. Lựa chọn địa điểm nuôi

– Cơ sở nuôi phải nằm trong vùng quy hoạch hoặc được cơ quan quản lý cho phép.

– Gần đường giao thông, điện, thông tin liên lạc…

– Nên nằm ở vùng trung triều trở lên, có chất đất phù hợp (pH > 5, tốt nhất là đất sét pha thịt, thịt pha cát, ít mùn bã hữu cơ,…).

– Nguồn nước đầy đủ, chất lượng nước phù hợp cho nuôi tôm. Tránh tác động của các nguồn nước gây ô nhiễm từ vùng canh tác nông nghiệp, chất thải công nghiệp và sinh hoạt.

 

II. Thiết kế xây dựng ao nuôi

Diện tích ao nuôi được thiết kế từ 0,2 – 0,5 ha. Độ sâu ao mực nước ao 1,5 – 1,8 m, bờ cao hơn mức nước cao nhất 0,5 m. Hình dạng ao thường có dạng hình chữ nhật hoặc hình vuông mục đích để máy quạt nước dễ thu gom chất thải vào giữa ao. Đáy ao bằng phẳng, có độ dốc khoảng 150C nghiêng về phía cống thoát nước

 

III. Chuẩn bị ao nuôi

1. Cải tạo ao nuôi

Đối với ao đã sử dụng cần vét hết bùn sau mỗi vụ nuôi đưa vào nơi quy định hoặc giữ nước trong ao từ 30 – 40 cm, sử dụng chế phẩm sinh học dạng vi sinh để phân hủy hết chất hữu cơ trong 3 – 4 ngày.

Kiểm tra pH đáy ao và dựa vào Bảng 1 bón cho phù hợp.

Đối với ao mới xây dựng xong cho nước vào ngâm 2 – 3 ngày rồi xả hết nước, ngâm và tháo như vậy 2 – 3 lần.

Khi bón vôi rải đều trên mặt ao, đáy ao cần có đủ độ ẩm, bón nhiều cần trộn với bùn đáy ao tạo thành lớp bùn ngăn cách và trung hòa khi axit tăng, tác dụng của vôi sẽ có hiệu quả cao nhất.

Phơi khô đáy ao 5 – 7 ngày. Đối với những ao không phơi được: bơm cạn nước, dùng máy cào chất thải về cuối góc ao, bơm chất thải vào ao chứa thải, sau đó tiến hành bón vôi với liều lượng như bước 2.

Bón vôi cho ao mang lại nhiều tác dụng tốt đến môi trường ao nuôi

 

2. Xử lý nước và lấy nước vào ao nuôi

Lấy nước vào ao lắng qua túi lọc bằng vải dày, sau đó chạy quạt nước liên tục trong 2 – 3 ngày để kích thích trứng tôm, ốc, côn trùng, cá tạp nở thành ấu trùng.

Diệt tạp, diệt khuẩn nước cấp trong ao lắng vào buổi sáng (8h) hoặc buổi chiều (16h) bằng Chlorine nồng độ 30 ppm (30 kg/1.000 m3 nước), hoặc những chất diệt tạp có tên trong Danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam (không dùng thuốc bảo vệ thực vật và các chất cấm).

Quạt nước liên tục trong 10 ngày để phân hủy dư lượng Chlorine. Kiểm tra dư lượng Chlorine trong nước bằng thuốc thử.

Cấp nước từ ao lắng qua ao nuôi (qua nhiều lớp túi lọc bằng vải dày) đến khi nước trong ao nuôi đạt từ 1,3 – 1,5 m. Để lắng 2 ngày.

 

3. Gây màu nước

Gây màu nước giúp phát triển vi sinh vật phù du, ổn định môi trường nước, tạo môi trường thuận lợi hạn chế tôm bị sốc, tăng tỷ lệ sống.

Hai ngày sau khi cấp nước vào ao nuôi, gây màu nước bằng cách:

Cách 1: bằng cám ủ (thành phần: cám gạo, bột đậu nành, bột cá phối trộn theo tỷ lệ 2:2:1. Nấu chín, ủ trong 2 – 3 ngày).

– Bước 1: Lúc 7 – 8h sáng: bón vôi đen Dolomite CaMg(CO3)2 hoặc vôi nông nghiệp CaCO3 liều lượng 100 – 150 kg/1.000 m3.

– Bước 2: Lúc 10 – 12h trưa: bón cám ủ liều lượng 3 – 4 kg/1.000 m3.

Lặp lại 2 bước trên liên tục trong 3 – 5 ngày đến khi độ trong của nước đạt 30 – 40 cm.

Cách 2: bằng mật đường + cám gạo + bột đậu nành (tỷ lệ 3:1:3) ủ trong 12 giờ.

– Lúc 9 – 10 giờ sáng: bón mật đường + cám gạo + bột đậu nành đã qua ủ với liều lượng 2 – 3 kg/1.000 m3 nước ao, tạt liên tục 3 ngày.

– Khi màu nước trong ao chuyển sang màu của tảo khuê (vàng hay nâu nhạt) hay màu xanh vỏ đậu thì tiến hành thả giống.

Có thể gây màu nước bằng chế phẩm vi sinh theo hướng dẫn của nhà sản xuất có uy tín để phân hủy mùn bã hữu cơ lơ lửng, xác tảo chết và tạo nguồn vi khuẩn có lợi giúp môi trường nuôi ổn định, tạo điều kiện cho tôm phát triển tốt ngay từ đầu.

 

IV. Lựa chọn con giống thả nuôi

1. Chọn và thả giống:

– Chọn mua tôm giống từ các cơ sở có uy tín, có phiếu xét nghiệm âm tính về các mầm bệnh MBV, đốm trắng, đầu vàng, taura, IMNV, hoại tử gan tụy…

– Cỡ giống: Tôm thẻ chân trắng P12 trở lên.

Thả tôm giống vào sáng sớm hoặc chiều mát – Ảnh: Phan Thanh Cường

 

2. Mật độ giống thả:

– Mật độ: từ 30 – 60 con/m2

– Cách thả:

+ Thả vào sáng sớm hoặc chiều mát.

+ Trước khi thả giống cần chạy quạt nước từ 8 – 12 giờ để đảm bảo lượng ôxy hòa tan trong ao phải lớn hơn 4 mg/l.

+ Cân bằng nhiệt độ nước và nước ao nuôi bằng cách thả nổi bao giống trên mặt hồ cho tới khi nhiệt độ nước giữa bao giống và ngoài ao bằng nhau. Sau đó, cho nước từ từ vào đầy bao, cầm phía đáy bao từ từ dốc ngược để tôm giống theo nước ra ao nuôi.  

 

V. Quản lý chăm sóc

1. Thức ăn

Sử dụng loại thức ăn được phép lưu hành ở Việt Nam, có nhãn mác rõ ràng, công bố chất lượng, còn hạn sử dụng, có thành phần dinh dưỡng thích hợp. Hàm lượng protein từ 32 – 38%.

 

2. Cho ăn

Cho ăn đúng, đủ, không cho ăn thừa, kích thước thức ăn phù hợp từng giai đoạn nuôi. Tháng đầu chỉ rải xung quanh bờ ao, cho ăn 2 – 3 lần/ngày. Ngày đầu tiên sử dụng thức ăn với lượng 2 kg/100.000 giống. Trong 20 ngày đầu tiên, cứ 1 ngày tăng 0,2 kg/100.000 giống. Từ ngày thứ 21, cứ 1 ngày tăng 0,5 kg/100.000 giống. Từ tháng sau trở đi lượng thức ăn từ 5,8% khối lượng thân giảm dần đến 2,1% khi cỡ tôm > 60 con/kg. Cho ăn 4 lần/ngày, được rải đều khắp ao. Cần điều chỉnh thức ăn cho phù hợp.

 

3. Quản lý môi trường

Kiểm tra thường xuyên hay định kỳ pH, độ kiềm, amoniac, ôxy để điều chỉnh kịp thời: DO, pH, độ trong (đo hằng ngày); độ kiềm và NH3 (3 – 5 ngày đo 1 lần); pH và độ kiềm là hai yếu tố quan trọng tác động đến đời sống của tôm. Khi pH và độ kiềm thay đổi ngoài khoảng thích hợp sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tôm nuôi.

Từ ngày 20 – 25 trở đi định kỳ sử dụng chế phẩm sinh học để phân hủy chất hữu cơ và giảm NH3.

– Hạn chế lấy nước vào ao nuôi, khi cần thiết thì lấy nước vào ao lắng rồi xử lý Chlorine liều 30 kg/1.000 m3 chạy quạt liên tục, đến khi hết dư lượng Chlorine thì tiến hành bơm vào ao nuôi (qua túi lọc).

Chất xử lý môi trường, cải tạo môi trường phải nằm trong danh mục được phép sử dụng.

Thực hiện chế độ quạt nước/sục khí quy định theo tuổi của tôm và mật độ tôm nuôi.

 

VI. Quản lý sức khoẻ

Cần thực hiện tốt tất cả công đoạn trong quá trình nuôi tôm.

Kiểm tra hàng ngày xung quanh bờ ao hoạt động (bơi lội, bắt mồi…), ngoại hình và các dấu hiệu bệnh lý để từ đó xác định nguyên nhân. Nếu nguyên nhân do môi trường tiến hành xử lý, điều chỉnh thức ăn. Nếu nguyên nhân do tác nhân hữu sinh áp dụng chữa trị khi được cán bộ chuyên môn chẩn đoán.

Kiểm soát sự lây nhiễm như khử trùng các thiết bị, dụng cụ, xử lý tôm chết, tôm bị bệnh, xua đuổi địch hại…

 

VII. Thu hoạch và bảo quản sản phẩm

Sau khi tôm đạt kích cỡ 60 – 80 con/kg tiến hành thu hoạch, tốt nhất sau khi tôm lột xác 7 – 10 ngày để tránh tỷ lệ hao hụt.

Địa điểm thu tôm, dụng cụ chứa, phương tiện vận chuyển phải được vệ sinh sạch. Nước đá  sử dụng lấy tại cơ sở có giấy đảm bảo ATVSTP. Nhiệt độ trong quá trình vận chuyển và bảo quản phải thấp hơn 40C.

Không ngâm tẩm, ướp, nhồi nhét, bơm chích tạp chất không rõ nguồn gốc vào tôm nguyên liệu làm nguy hại sức khỏe người tiêu dùng.

Kim Văn Tiêu - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!