(TSVN) – Tại Hội thảo “Tăng cường chất lượng – Nâng tầm giá trị” diễn ra sáng ngày 21/3/2024, hơn 10 bài tham luận của các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp đã được trình bày nhằm đưa ra những giải pháp vì một ngành tôm bền vững theo kinh tế tuần hoàn, ít phát thải và tăng khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu.
Hội thảo “Tăng cường chất lượng – Nâng tầm giá trị” nằm trong chuỗi hoạt động của Hội chợ Triển lãm Quốc tế Công nghệ ngành tôm Việt Nam (VietShrimp 2024) tổ chức tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Cà Mau trong 3 ngày (20 – 22/3/2024).
Hơn 10 bài tham luận của các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp đã được trình bày tại hội thảo
Những bất ổn về nguồn cung và chi phí thức ăn trong thời gian gần đây đang ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận và lợi thế cạnh tranh của ngành tôm Việt Nam. Hiện, nước ta chưa tự chủ được nguồn cung thức ăn, các nguyên liệu đều phải nhập khẩu; chi phí thức ăn chiếm tỉ trọng lớn và đang ngày một tăng cao. Bên cạnh đó, vấn đề dịch bệnh và tình hình căng thẳng thế giới đã gây áp lực lớn đến chuỗi cung ứng chung của toàn ngành thủy sản.
Xây dựng một ngành nông nghiệp xanh, nuôi tôm bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, cần xác định rõ mục tiêu trước mắt là giải quyết các vấn đề dịch bệnh; kiểm soát nguồn nước đầu vào và chất lượng nước thải đầu ra; xây dựng một hệ thống truy xuất nguồn gốc chính xác và an toàn. Cùng với đó là cải thiện năng suất và đảm bảo thu nhập cho người dân; nghiên cứu các giải pháp giúp vật nuôi thích ứng với biến đổi khí hậu bà tăng sức chống chịu; giảm phát thải nhà kính. Cần tạo ra một ngành nuôi tôm thích ứng với biến đổi khí hậu một cách thông minh và hiệu quả. Đó là những nội dung được các diễn giả và khách mời thảo luận trong khuôn khổ chương trình hội thảo ngày 21/3/2024.
Ông Hoàng Tùng, chuyên gia nghiên cứu của CSIRO nhấn mạnh cần ưu tiên chiến lược phát triển bền vững, chú trọng vào chất lượng và giá trị sản phẩm
Liên quan đến vấn đề ngành nuôi tôm bền vững, những giải pháp nuôi tôm thông minh theo khí hậu là chủ đề rất được quan tâm hiện nay. Theo ông Hoàng Tùng, chuyên gia nghiên cứu thuộc Tổ chức Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Australia (CSIRO), để phát triển ngành nuôi tôm, phải ưu tiên chiến lược phát triển bền vững, chú trọng vào chất lượng và giá trị sản phẩm. “Nuôi tôm thông minh theo khí hậu, đã đến lúc phải làm đúng!”, ông Tùng khẳng định. Trên toàn cầu, ngành công nghiệp tôm đã phát triển nhanh hơn so với sự mở rộng của thị trường và chúng ta – những nhà quản lý cần hỗ trợ bà con nuôi tôm gia tăng hơn nữa chuỗi giá trị liên kết bền vững và đảm bảo lợi nhuận. Việt Nam đang mất đi sự cạnh tranh và vị trí hàng đầu trong việc nuôi tôm, tỷ lệ thành công thấp hơn, dẫn đến chi phí sản xuất cao hơn, cộng với đó là vấn đề ô nhiễm và vệ sinh an toàn thực phẩm là những rào cản lớn cho những bước tiến của ngành nuôi tôm tại Việt Nam.
Tham gia chương trình hội thảo, Giám đốc kỹ thuật Công ty CP Việt Nam Food ông Nguyễn Đức Tuấn đã trình bày một số nội dung liên quan đến chủ đề “Ứng dụng giải pháp sinh học nâng cao sức khỏe và năng suất trong nuôi trồng thủy sản”. Việt Nam Food là công ty tiên phong tại Việt Nam phát triển các giải pháp sinh học nhằm thu hồi dinh dưỡng trong phụ phẩm tôm bằng một chiến lược toàn diện và có hệ thống. Thông qua Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Cục Phát triển Doanh nghiệp (AED), Việt Nam Food cùng các đối tác thực hiện Dự án thu hồi vỏ tôm lột từ các trại tôm, phát triển giải pháp thu hồi – chiết xuất – chuyển hóa thành các giải pháp sinh học, và ứng dụng ngược lại cho ngành nông nghiệp, đồng thời mang đến nhiều giá trị kinh tế và phát triển bền vững cho chuỗi ngành tôm.
Oanh Thảo