T2, 06/07/2020 09:49

Nuôi trồng thủy sản giai đoạn 1999 – 2010 : Thành quả đáng tự hào

Chưa có đánh giá về bài viết

(Thủy sản Việt Nam) – Ngày 1/4, nhân Ngày truyền thống ngành Thủy sản Việt Nam, Tổng cục Thủy sản đã phối hợp với UBND TP. Hải Phòng, UBND huyện Cát Hải tổ chức Hội nghị Tổng kết Chương trình phát triển Nuôi trồng thủy sản (NTTS) giai đoạn 1999 – 2010 và kế hoạch phát triển đến năm 2020 tại đảo Cát Bà. Tham dự Hội nghị có Thứ trưởng Bộ NN&PTNT kiêm Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Vũ Văn Tám.

     Sau 10 năm thực hiện, Chương trình phát triển NTTS giai đoạn 2000 – 2010 đã hoàn thành cơ bản các mục tiêu trong đó có nhiều chỉ tiêu vượt mức kế hoach đề ra. Năm 2010, kim ngạch xuất khẩu từ NTTS là 3,5 tỷ USD (đạt 125% so với kế hoạch), giải quyết được 3,5 triệu việc làm cho người lao động (đạt 175% chỉ tiêu đề ra). Diện tích NTTS cả nước năm 2010 là 1.096.722 ha (đạt 109,68% so với chỉ tiêu). Sản lượng NTTS là 2.828.622 tấn (đạt 141,4% so với kế hoạch. Về cơ bản đã sản xuất giống đủ đáp ứng cho nhu cầu nuôi thương phẩm, đặc biệt là con giống các đối tượng nuôi chủ lực như tôm nước lợ là 45 tỷ con (đạt 128,6% so với kế hoạch), cá tra là 2,36 tỷ con (đạt 337,25 so với kế hoạch), giống của một số loài thủy sản kinh tế và giống cá nước ngọt truyền thống là 27, 5 tỷ con (đạt 229,2% so với kế hoạch). Ngoài ra, cơ sở hạ tầng vùng NTTS, vùng sản xuất giống tập trung từng bước được đầu tư hoàn thiện; hệ thống thủy lợi phục vụ NTTS được cải thiện; hệ thống các trung tâm quốc gia giống thủy sản, trung tâm giống thủy sản cấp I, trung tâm giống thủy sản các tỉnh, các khu vực sản xuất giống thủy sản tập trung được hình thành và đưa vào sử dụng có hiệu quả.

Thứ trưởng Vũ Văn Tám phát biểu tại hội nghị

     Nhận xét về kết quả đạt được, Thứ trưởng Vũ Văn Tám coi đây là thành tựu đáng tự hào của ngành thủy sản Việt Nam với tốc độ và trình độ phát triển. Có được thành công đó là do toàn ngành đã đặt khoa học công nghệ lên hàng đầu, làm chủ được công nghệ, đào tạo được cán bộ có tay nghề; Cơ chế chính sách đúng đắn của Chính phủ cũng như địa phương cho thủy sản; Có kế hoạch đầu tư thích đáng; Có mô hình tổ chức sản xuất, đặc biệt theo chuỗi sản phẩm… Tuy nhiên, bên cạnh những thành công còn tồn tại cần tháo gỡ: Một số chỉ tiêu đặt ra còn thấp; Hiệu quả của dự án đầu tư chưa đạt hiệu quả như mong muốn, đặc biệt là đầu tư cho nuôi tôm công nghiệp; Kiểm soát chất lượng đầu vào còn yếu: giống, thức ăn, chế phẩm sinh học… Thứ trưởng đề nghị cần nhìn nhận lại chặng đường đã qua rút kinh nghiệm cho giai đoạn tới, đặc biệt việc điều chỉnh tổ chức bộ máy thích hợp, cơ chế chính sách cho ngành.

     Tại Hội nghị, Chiến lược Phát triển Thủy sản đến năm 2020 với các mục tiêu cụ thể cũng được trình bày: Ngành thủy sản cơ bản được công nghiệp hóa – hiện đại hóa và tiếp tục phát triển toàn diện theo hướng bền vững, thành một ngành sản xuất hàng hóa lớn. Đồng thời, từng bước nâng cao trình độ dân trí, đời sống vật chất và tinh thần của ngư dân, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái và quốc phòng, an ninh biển, đảo của Tổ quốc; Kinh tế thủy sản đóng góp 30 – 35% GDP trong khối nông – lâm – ngư nghiệp, tốc độ giá trị sản xuất ngành thủy sản từ 8 – 10%/năm. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 8 – 9 tỷ USD. Tổng sản lượng thủy sản đạt 6,5 – 7 triệu tấn, trong đó NTTS chiếm 60 – 70 % tổng sản lượng; Tạo việc làm cho 5 triệu lao động nghề cá có thu nhập bình quân đầu người cao gấp 3 lần so với hiện nay, trên 40% tổng số lao động nghề cá qua đào tại. Xây dựng các làng cá ven biển, hải đảo thành các cộng đồng dân cư giàu truyền thống tương thân, tương ái, có đời sống văn hóa tinh thần đậm đà bản sắc riêng.

Vũ Mưa

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!