Mặc dù có nhiều tiềm năng song nuôi trồng thủy sản (NTTS) của Hà Nội chưa phát huy hiệu quả. Trước thực trạng này, UBND TP có nhiều chính sách đầu tư mạnh và hợp lý giúp ngành thủy sản Hà Nội phát triển bền vững, mang lại hiệu quả cho nông dân.
Tiềm năng lớn
Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, diện tích tiềm năng phát triển nuôi trồng thủy sản toàn thành phố hiện là 20.550 ha, sản lượng ước đạt 63.200 tấn/năm. Trong đó diện tích ao, hồ lớn là hơn 4.300 ha; diện tích ao hồ nhỏ là hơn 6.700 ha. Ngoài ra, diện tích mặt nước sông có khả năng phát triển nuôi cá lồng, bè. Các vùng nuôi trồng thủy sản lớn tập trung ở 9 huyện thuộc tỉnh Hà Tây cũ và huyện Sóc Sơn. Bên cạnh đó, NTTS còn có nhiều thuận lợi về thị trường tiêu thụ sản phẩm do hiện nay sản lượng thủy sản mới đáp ứng được 25 – 30% nhu cầu tiêu thụ của thành phố. Theo Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, nhu cầu sản phẩm thủy sản cho Hà Nội đến năm 2015 khoảng 165.000 tấn, năm 2020 khoảng 243.000 tấn.
Hiện, Hà Nội có tới 20.550 ha ao hồ có tiềm năng NTTS – Ảnh: Anh Vũ
Hơn thế nữa, nhu cầu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng kết hợp phát triển thủy sản ngày càng cao sẽ góp phần bảo vệ không gian thoáng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Công nghệ và kỹ thuật tiên tiến, nhất là công nghệ sinh học, phát triển nhanh và mạnh, đang tạo cơ hội cho áp dụng vào hoạt động nghiên cứu và NTTS. Nguồn nhân lực dồi dào, có kinh nghiệm nên thuận lợi cho phát triển NTTS của thành phố trong tương lai.
Chưa phát huy hiệu quả
Mặc dù có nhiều tiềm năng song diện tích nuôi thả hiện tại chỉ khoảng 17.000 ha (đạt 54,15%); năng suất bình quân 3 tấn/ha/năm. Theo Chi cục Thủy sản Hà Nội, ngành thủy sản của thành phố hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế, như: thiếu giống thủy sản có năng suất, chất lượng cao; sản xuất giống chủ yếu theo phương pháp truyền thống. Cùng đó, năng suất, sản lượng nuôi trồng thủy sản thấp so với tiềm năng. Đặc biệt, sản phẩm tiêu thụ chủ yếu dưới dạng tươi sống, sản phẩm chế biến chỉ đạt 7 – 8%…
>> Mục tiêu đến năm 2015, tổng diện tích NTTS toàn thành phố đạt 23.000 ha và năm 2020 đạt 24.000 ha; tổng sản lượng thủy sản lần lượt tương ứng là 115.000 tấn và 132.000 tấn. Đẩy năng suất bình quân lên hơn 5 tấn/ha; diện tích nuôi thâm canh lên 10,4%, giảm nuôi quảng canh xuống còn 18%. |
Hiện nay, người NTTS thường chỉ làm theo cảm tính và dựa vào kinh nghiệm, kiến thức về chăm sóc; quản lý môi trường nước để phòng trừ dịch bệnh hầu như chưa có. Đặc biệt, nguồn vốn của nông dân đầu tư vào NTTS còn hạn hẹp, các nguồn vay hỗ trợ khó tiếp cận, khó đầu tư lớn để mở rộng sản xuất.
Bên cạnh đó, việc áp dụng khoa học kỹ thuật và công tác quy hoạch trong NTTS chưa được quan tâm đúng mức. Ở một số nơi, môi trường đã có dấu hiệu suy thoái, nguồn nước bị ô nhiễm, dẫn đến dịch bệnh phát sinh gây thiệt hại lớn cho nông dân. Anh Bùi Văn Tại, hộ nuôi thủy sản ở Thanh Oai chia sẻ: Hiện nay, nguồn nước bị ô nhiễm do nhiều nguyên nhân, chủ yếu từ nguồn nước thải trong chăn nuôi, sinh hoạt, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật…, bởi hệ thống thủy lợi phục vụ NTTS một số nơi chưa hoàn thiện. Sự mất cân bằng giữa cung và cầu; theo đó vấn đề bảo đảm chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm còn hạn chế, trong khi vấn đề kiểm soát chất lượng đầu vào như giống, thức ăn còn nan giải.
Việc tiếp cận thông tin về thị trường tiêu thụ sản phẩm của người sản xuất gặp nhiều khó khăn, gây tình trạng mất cân đối cung cầu trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Suy thoái, khủng hoảng kinh tế thế giới được dự báo sẽ diễn ra thường xuyên và tần suất cao hơn, tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất của các ngành kinh tế, trong đó có NTTS. Sản phẩm thủy sản từ các tỉnh lân cận (Hải Dương, Bắc Ninh, Hưng Yên…) chuyển về sẽ cạnh tranh với sản phẩm thủy sản sản xuất tại địa phương.
Cần đầu tư hợp lý hơn
Ông Trần Xuân Việt, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, TP Hà Nội vừa ban hành Quyết định 2482/QĐ-UBND phê duyệt kế hoạch và kinh phí thực hiện Chương trình phát triển NTTS trên địa bàn thành phố năm 2013. Theo đó, kinh phí để tập huấn cho nông dân gần 724 triệu đồng; đào tạo gần 426 triệu đồng, hỗ trợ đàn cá bố mẹ 520 triệu đồng, cải tạo xây dựng cơ sở hạ tầng sản xuất giống 2,5 tỷ đồng; xây dựng mô hình nuôi thâm canh hơn 13 tỷ đồng; thanh tra, kiểm tra giống, thức ăn gần 432 triệu đồng; theo dõi môi trường, dịch bệnh hơn 5,53 tỷ đồng; quản lý nguồn lợi thủy sản gần 1,7 tỷ đồng; thực hiện các mô hình sơ chế, tiêu thụ sản phẩm thủy sản bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm 159 triệu đồng…
Ông Việt cho biết thêm: Thời gian tới, Thành phố sẽ có nhiều chủ trương đẩy mạnh phát triển NTTS hơn nữa, như: Xây dựng các mô hình khuyến nông thủy sản theo quy mô vùng 200 – 300 ha thay vì xây dựng mô hình khuyến nông theo hộ như trước, lựa chọn đối tượng thủy sản có tiềm năng vào nuôi trồng (cá rô phi, điêu hồng)…
Đây là điều kiện thuận lợi cho nông dân các huyện xây dựng thành công các mô hình sản xuất nuôi trồng thủy sản an toàn và từng bước khắc phục tình trạng manh mún, nhỏ lẻ như hiện nay.
>> Tổng kinh phí thực hiện Chương trình phát triển NTTS Hà Nội năm 2013 là 27 tỷ đồng, được lấy từ chương trình phát triển nông nghiệp nông thôn của thành phố. |