T2, 06/07/2020 12:14

Nuôi trồng thủy sản trong điều kiện biến đổi khí hậu (Phần 1)

Chưa có đánh giá về bài viết

Biến đổi khí hậu (BĐKH) là một trong những thách thức lớn nhất đối với nuôi trồng thủy sản (NTTS) của Việt Nam. Theo ước tính của Bộ NN&PTNT, BĐKH có thể gây thiệt hại về sản lượng NTTS lên tới 40%/năm, kéo theo sự thất nghiệp của gần 3 triệu lao động trong ngành chế biến thủy sản. Vậy, làm thế nào để phát triển NTTS trong bối cảnh BĐKH?

Ảnh hưởng của BĐKH

Động vật thủy sản thường chịu ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp của các cơ chế khác nhau trong môi trường nước và đều có những yếu tố sinh thái giới hạn. Khi các yếu tố sinh thái này vượt ngoài mức chịu đựng thì động vật thủy sản không tồn tại được điển hình là nhiệt độ, độ mặn, pH, chất độc… Giới hạn sinh thái của mỗi loài khác nhau như: cá rô phi là loài rộng muối, có thể sống được ở nước lợ (lên tới 18‰) và nước ngọt nhưng lươn, chạch thì chỉ sống được ở nước ngọt. Cá quả là loài rộng nhiệt, nhưng cá rô phi thì sẽ bỏ ăn ở nhiệt độ dưới 150C. Các loài cá nước chảy (cá chiên, lăng…) không chịu được khi hàm lượng ôxy thấp hơn 4 ppm, tuy nhiên, cá tra, cá lóc thì chịu được ở hàm lượng ôxy rất thấp…

BĐKH trực tiếp tác động và làm thay đổi các yếu tố giới hạn sinh thái của sinh vật nuôi, do đó ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất thậm chí thành bại của hoạt động nuôi thủy sản; đồng thời, còn ảnh hưởng gián tiếp đến ánh sáng, nguồn thức ăn có sẵn trong thủy vực.

ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến nuôi thủy sản

 

Nhiệt độ biến động thất thường

Tác động

Mỗi loài thủy sản chỉ thích ứng trong một dải nhiệt độ nhất định. Theo dự báo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, hàng năm, nhiệt độ nước ta có khả năng tăng khoảng 0,3 – 0,50C, thậm chí nhiệt độ có thể tăng thêm 30C vào cuối năm 2100. Tuy nhiên, nhiệt độ không phải tăng đều và tính cực đoan ngày càng mạnh thêm. Nhưng, tại những thời điểm, do ảnh hưởng của El Nino và La Nina, nhiệt độ có thể quá nóng hoặc quá lạnh (như đợt rét kỷ lục vừa qua ở miền Bắc, dẫn đến hàng nghìn ha cá nuôi ở miền Bắc bị chết rét…); Hoặc nhiệt độ quá cao dẫn đến nghêu chết ở ĐBSCL ước thiệt hạ hàng trăm tỷ đồng. Chỉ tính riêng Bến Tre, trước năm 2009 sản lượng nghêu thịt luôn dao động 7.000 – 10.000 tấn/năm, nhưng kể từ năm 2010, sản lương nghêu thịt tại đây chỉ 3.000 – 4.000 tấn/năm, giảm khoảng 50%.

các giai đoạn tiêu hóa thức ăn của tôm thẻ chân trắng khi cho ăn ở mức nhiệt độ khác nhau

Đối với tôm sú, nhiệt độ thích hợp cho sự phát triển 25 – 300C, lớn hơn 350C hoặc thấp hơn 120C kéo dài sẽ làm tôm sinh trưởng chậm. Nhiệt độ ảnh hưởng đến rất nhiều yếu tố khác trong ao, đặc biệt là chất lượng nước; đồng thời, cũng ảnh hưởng đến khả năng bắt mồi và lấy thức ăn. Ví dụ, tôm thẻ chân trắng, ở nhiệt độ 300C chỉ sau 20 – 25 phút là tôm ăn đầy ruột, nhưng nếu ở 240C thì phải mất tới 50 – 55 phút. Ếch dưới 200C giảm hoặc không ăn; dưới 200C men tiêu hóa của cá sấu không hoạt động. Nhiệt độ chỉ cần thay đổi 10C cũng tác động rất lớn đến khả năng tiêu hóa, bắt mồi, sinh trưởng và nguy cơ bệnh tật cho thủy sản nuôi. Trong bối cảnh BĐKH, nhiệt độ thay đổi thất thường, gây thiệt hại rất lớn đến nuôi thủy sản.

 

Biện pháp khắc phục

Thích ứng với BĐKH: Thích ứng phổ biến nhất với điều kiện nhiệt độ cực đoan hiện nay có thể áp dụng đó là bằng cách điều chỉnh mùa vụ nuôi, tránh những khoảng thời gian nhiệt độ cực đoan quá nóng hoặc quá lạnh. Theo kinh nghiệm ở miền Bắc, mùa vụ thả tôm tốt nhất là sau Tiết Thanh minh hàng năm, khi đó nhiệt độ tương đối ổn định, tôm thả có tỷ lệ sống cao, đồng thời tôm vụ 2 thì thu hoạch trước mùa mưa bão (tháng 9 hàng năm) để tránh thiệt hại. Miền Bắc, cần chú ý hạn chế phát triển cá rô phi và các loài cá chịu lạnh kém vào mùa đông, đặc biệt là miền núi phía Bắc.

Cạnh đó, điều chỉnh cơ cấu đối tượng nuôi, thay vì nuôi đơn tôm sú (dễ mẫn cảm với nhiệt độ) hoặc tôm thẻ chân trắng với mật độ cao và rủi ro lớn, nhiều nông dân ở Thanh Hóa, Thái Bình, Nam Định, Thừa Thiên – Huế hay Cà Mau, Bạc Liêu… đã sáng tạo nuôi xen ghép tôm với các đối tượng khác nữa như cá đối, rô phi, rau câu… Khi đó, nếu chẳng may vì bất cứ lý do gì, tôm chết hoặc nhiễm bệnh, chậm lớn thì nông dân vẫn còn có thể thu hoạch các đối tượng khác mà không bị phá sản.

Thêm đó, nông dân cần xem xét thả nuôi những loài có khả năng chịu đựng được những biên độ nhiệt cao (rộng nhiệt). Ví dụ, biên nhiệt độ của cá chình (1 – 380C) hoặc ít mẫn cảm với nhiệt độ thay đổi, dựa trên kinh nghiệm dân gian hoặc khuyến cáo của các nhà khoa học. Hiện, các nhà khoa học đang đi theo hướng này để chọn giống hoặc tìm ra những loài thủy sản nuôi có khả năng chịu đựng biên độ nhiệt tốt hơn hoặc ít mẫn cảm hơn với nhiệt độ thay đổi (tức là vẫn có khả năng sống, sinh trưởng và không bị nhiễm bệnh) khi nhiệt độ thay đổi (quá nóng hoặc quá lạnh) trong khoảng thời gian nhất định nào đó.

Cuối cùng là lách vụ, việc này đã và đang làm rất tốt ở Thanh Hóa, Thái Bình và nhiều tỉnh miền Bắc hay ĐBSCL, người dân đã tiến hành ươm con tôm giống trong trại hoặc giai, gièo, chờ đến khi nhiệt độ môi trường ổn định và sức đề kháng con tôm tốt hơn thì sẽ bung ra ao nuôi.

Giảm nhẹ tác động của nhiệt độ thất thường: Để đối phó với nhiệt độ thay đổi, nhiều trại nuôi đã nâng cấp đầu tư hệ thống nhà màng nuôi an toàn sinh học, ví dụ vùng nuôi ở Bạc Liêu của Công ty Việt – Úc, để kiểm soát nhiệt độ và nhiều yếu tố khác. Trại nuôi của ông Hoàng Xuân Tin, ở Nghệ An đã xây dựng mô hình nuôi tôm trong nhà và ao bể xi măng để kiểm soát nhiệt độ (kể cả mưa liên quan đến pH và độ mặn)… Bên cạnh đó, nâng cấp hệ thống ao lắng ao chứa, để khi nhiệt độ nóng quá, nước bốc hơi mạnh có thể bơm thêm nước từ ao chứa lắng vào ao nuôi để giảm bớt nhiệt và thêm nước cho ao (hạn chế rủi ro lấy nước từ bên ngoài ao vào).

Thiết kế ao nuôi: Đảm bảo an toàn sinh học, hạn chế thấp nhất tác động của BĐKH, đặc biệt là thay đổi nhiệt độ, pH, độ mặn.

 Công nghệ sinh học và chọn giống: Hiện, nhiều loại thủy sản có thể sống được cả trong môi trường nước ngọt và nước lợ (cá rô phi, chẽm, cá chình…), hoặc sống trong nước ngọt nhưng thường di cư sang nước lợ (cá bông lau, cá kèo, cá dứa…); những đối tượng này cần được các nhà khoa học ưu tiên nghiên cứu để tạo con giống sống hoàn toàn trong nước lợ.

Quản lý nguồn nước và chất lượng nước: Trại nuôi cần có ao lắng cấp và ao xử lý nước thải, để khi tình huống xấu xảy ra, có thể chủ động quản lý nguồn nước giữa các ao với nhau. Cùng đó, các thiết bị hỗ trợ kỹ thuật, như máy quạt nước, máy sục khí; hệ thống máy bơm và ống/cống rút xả…

Quản lý thức ăn: Nhiệt độ quá cao, hoặc quá thấp, phần lớn các loài thủy sản nước ấm đều giảm ăn. Vì vậy, cần theo dõi cho ăn chặt chẽ bằng nhá/vó, giảm cho ăn vào những thời điểm này.

ThS. Tưởng Phi Lai

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!