Nuôi trồng thủy sản (NTTS) là một trong những ngành dễ bị tổn thương nhất trước các tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH). Để thích ứng và giảm nhẹ những tác động của BĐKH cần sự vào cuộc của các nhà khoa học, quản lý…; người nuôi cần nâng cao trình độ kỹ thuật, áp dụng công nghệ tiên tiến.
Nuôi trồng thủy sản trong điều kiện biến đổi khí hậu (Phần 1)
Bão, giông, tố lốc
Trong bối cảnh BĐKH, bão, giông và tố lốc càng khó dự báo, bất tuân quy luật và hậu quả nặng nề hơn trước kia. Đối với nuôi biển (cá biển, tôm hùm, hàu, tu hài trên các giàn/lồng bè): mức độ rủi ro với bão, giông là rất lớn. Chỉ tính riêng những hộ nuôi cá lồng bè ở làng chài Bến Do, Cẩm Phả, Quảng Ninh, thiệt hại từ cơn bão Hải Yến năm 2014 đã lên tới vài trăm tỷ đồng. Đối với nuôi thủy sản trong ao, đầm, các hiện tượng như bão, lụt làm vỡ bờ bao, hư hỏng thiết bị và làm mất cá. Đối với nuôi ngao (nghêu), do các diện tích nuôi nằm ở vùng bãi triều ngoài đê bao và rừng ngập mặn nên bị ảnh hưởng tương đối lớn từ các trận bão, lũ và nước triều dâng.
Để giảm thiệt hại, người nuôi cần tự bảo vệ mình và cùng cộng đồng phòng tránh, khắc phục thiên tai. Cập nhật tình hình thời tiết, bão lũ, kiểm tra, gia cố ao đìa tránh sạt lở, chuẩn bị lưới để đăng quanh bờ ao, đìa trước khi xảy ra ngập lụt. Kiểm tra, tu sửa, neo buộc chắc chắn các lồng bè nuôi, đồng thời tìm vị trí an toàn để di chuyển khi bị sóng gió xô đẩy.
Trong mùa mưa bão, nhiệt độ, lượng mưa, độ mặn, pH biến đổi thất thường… gây các hiện tượng sốc môi trường đối với động vật thủy sản, mầm bệnh có nhiều cơ hội xâm nhập vào cơ thể động vật thủy sản để gây bệnh. Do đó, cần phải tiến hành các biện pháp quản lý ao nuôi, chăm sóc vật nuôi một cách chặt chẽ.
Đối với nuôi thủy sản trên biển, cần thu hoạch trước mùa mưa bão nếu cá, tôm đạt kích cỡ. Nếu không thì cần kiểm tra, tu sửa lại lồng bè, di chuyển lồng bè vào những nơi kín gió, không bị ảnh hưởng nước ngọt, dòng chảy nhẹ để tránh khi bão gió lớn xô đẩy làm vỡ lồng, bè.
Đối với ao nuôi cá nước ngọt ở các vùng úng trũng, người nuôi cần có kế hoạch sản xuất để thu hoạch trước, tránh thất thoát sản phẩm khi bão, lụt xảy ra. Đối với những ao không bị ảnh hưởng trực tiếp lũ lụt, người nuôi cần củng cố, tu bổ và kiểm tra bờ ao, bờ cống.
Biến đổi khí hậu ảnh hưởng lớn đến nuôi trồng thủy sản – Ảnh: Minh Triết
Xâm nhập mặn
Hiện mặn xâm nhập vào đất liền đã sâu đến hơn 90 km, mức cao kỷ lục trong 100 năm trở lại đây. Phần lớn những diện tích cách bờ biển 35 km hoàn toàn là nước lợ và không có nước ngọt sinh hoạt để sử dụng. Xâm nhập mặn ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển thủy sản nước ngọt, đặc biệt là những loài hẹp muối. Nhiều ao nuôi nước ngọt buộc phải thu hoạch sớm, thiệt hại hàng trăm tỷ đồng ở các tỉnh ĐBSCL. Một số ao khác cá ngừng hoặc giảm ăn, khả năng cao sẽ thất thu. Để ứng phó, nhiều hộ phải đào giếng khoan, dẫn đến tăng chi phí. Nguy cơ gây nhiễm mặn cả nguồn nước ngầm.
Để đối phó với xâm nhập mặn, người NTTS cần chủ động thay đổi cơ cấu loài nuôi ở các thủy vực nước ngọt, nuôi những loài rộng muối như cá chẽm, rô phi, cá chình…; hoặc thay thế đối tượng nuôi ngọt bằng nuôi lợ. Trước khi thả nuôi cần thuần hóa từ cá giống để có thể chịu được độ mặn cao. Tin vui đối với những người nuôi cá tra là hiện nay Việt Nam đã có thể nuôi cá tra ở độ mặn 11‰, sinh trưởng bình thường ở 8‰; cá leo có thể nuôi tốt ở độ mặn 3 – 6‰; cá tai tượng nuôi được ở 6‰, cá lóc 10‰ và phát triển tốt ở 5‰.
Chủ động xây dựng ao chứa lắng nước ngọt, đầu tư thêm máy bơm, có thể đưa nước ngọt hoặc xây các đầm nước ngọt dùng chung cho cả vùng nuôi tôm trong những khu vực nguy cơ cao nhiễm mặn nặng, hoặc kéo nước ngọt từ những hồ chứa để khi cần thiết có thể bơm, khoan nước ngọt pha loãng. Di chuyển trại nuôi đến một địa điểm mới, nơi có điều kiện tốt hơn, phù hợp hơn là một lựa chọn có thể tính đến.
Nước biển dâng và ngập lụt
Nước biển dâng, hệ quả của biến đổi khí hậu toàn cầu, có xu hướng tăng nhanh vào những thập niên tới sẽ tác động mạnh mẽ đến các yếu tố thủy hải văn và chế độ dòng chảy trên hệ thống sông rạch, làm gia tăng xâm nhập mặn, úng ngập nghiêm trọng, ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển kinh tế – xã hội và môi trường.
Nước biển dâng khiến nhiều diện tích đầm nuôi thủy sản sẽ bị ngập, thất thoát tôm cá nuôi nếu nước biển dâng kết hợp với triều cường quá nhanh. Nước biển dâng kết hợp với bão, có thể phá hủy nhiều hạ tầng vùng nuôi thủy sản nếu không có những biện pháp giám sát, gia cố, và bảo vệ kịp thời.
Để thích ứng hoặc giảm nhẹ tác hại, nông dân sẽ phải tích cực gia cố bờ bao và cống, xả nước, ưu tiên gia cố (tăng chiều cao) của đầm nuôi tôm tại khu vực ven biển trong giới hạn có thể.
Dịch bệnh
Dưới tác động của BĐKH, thời tiết cực đoan, các yếu tố sinh thái như nhiệt độ, hàm lượng ôxy hòa tan, pH, độ mặn… sẽ thay đổi, phần lớn là theo hướng tiêu cực, vượt quá khả năng chịu đựng (gây strees hoặc gây chết) hoặc không thuận lợi cho sự sinh trưởng và phát triển bình thường của vật nuôi (còi cọc, chậm lớn, giảm năng suất). Bên cạnh đó, lại làm tăng tính độc của một số chất trong nước (NH3, H2S, NO2…); tạo thuận lợi cho các sinh vật gây bệnh cho vật nuôi phát triển. Nếu không theo dõi chặt chẽ và áp dụng các biện pháp kỹ thuật, thì nguy cơ cao sẽ xảy ra bệnh và dẫn đến dịch trên diện rộng.
Để loại bỏ mầm bệnh trong ao nuôi, bên cạnh các biện pháp nêu trên, thì ngắt vụ cũng là một trong những biện pháp kỹ thuật quan trọng. Áp dụng biện pháp này để cắt bỏ mầm bệnh, đất, nước có thời gian nghỉ và xử lý cải tạo môi trường vùng nuôi, trước khi bắt đầu một vụ mới.
Tiếp đến là luân canh gối vụ, sau vụ nuôi tôm, có thể tiến hành nuôi rô phi hoặc cá chẽm, để cắt đứt vòng đời của mầm bệnh trong ao, sau đó lại thả tôm vào vụ tiếp. Biện pháp này dựa trên nguyên tắc, mỗi mầm bệnh chỉ hợp với một hoặc một số ít vật chủ và chỉ có khả năng gây bệnh cho nhóm vật nuôi đó. Khi thay thế bằng nhóm vật nuôi khác, mầm bệnh đó không còn nhiều nguy cơ.
Biến đổi hệ sinh thái
San hô, cỏ biển, rừng ngập mặn… được xem là những hệ sinh thái nền cho ngành thủy sản phát triển. BĐKH dẫn đến acid hóa các vùng nước biển, làm chết hoặc đe dọa các rạn san hô, nơi cư trú và cung cấp các loài tôm cá biển làm bố mẹ và con giống chính cho hoạt động NTTS. Phá hủy rạn san hô đồng nghĩa với làm mất đi lá chắn mềm từ phía đại dương đối với đê bao phía ngoài ở các vùng NTTS ven biển, gây nguy cơ mất an toàn đối với toàn bộ hoạt động NTTS ven biển. Tương tự đó, câu chuyện cũng xảy ra đối với rừng ngập mặn và thảm cỏ biển.