(TSVN) – Vẹm xanh là loài thủy sản có giá trị kinh tế, hàm lượng chất dinh dưỡng cao, được nuôi phổ biến làm nguồn thực phẩm cho con người và những đối tượng nuôi khác.
Vẹm xanh (Perna viridis Linnaeus, 1758) là loài động vật nhuyễn thể hai mảnh vỏ. Vỏ vẹm khi còn non có màu xanh, lúc trưởng thành vỏ có màu nâu đen. Mặt trong của vỏ màu trắng óng ánh. Cả thể lớn có chiều dài vỏ 150 mm, rộng 40 mm, chiều cao hai mảnh vỏ 65 mm. Vẹm xanh thường sống ở các eo vịnh, vùng gần cửa sông, nơi có độ sâu 1 – 4 m nước, có dòng nước chảy nhẹ, trong sạch, độ mặn thích hợp 15 – 32‰, có nhiều thực vật nổi.
Đây là loài sinh trưởng chậm, sau 1,5 – 2 năm chiều dài vỏ mới đạt đến 80 – 100 mm. Thức ăn của vẹm vỏ xanh là các loài thực vật phù du và vật chất có kích thước nhỏ lơ lửng trong nước biển. Nuôi vẹm vỏ xanh không phải cho ăn nên giảm được rất nhiều chi phi đầu vào. Khi đạt được độ dài vỏ từ 80 mm trở lên vẹm bắt đầu sinh sản. Ấu trùng vẹm trôi nổi trong nước và qua nhiều lần biến thái thành vẹm giống và sống bám vào các vật cứng trong nước. Ở các vùng nước chảy quẩn xung quanh vùng nuôi vẹm có các rạn đá ngầm, vào mùa sinh sản thường thấy có vẹm con bám vào đá. Thường một năm tuổi thì tuyến sinh dục của vẹm thành thục, từ đó hàng năm về sau vẹm có thể sinh sản được. Vẹm có thể sinh sản quanh năm, ở phía Bắc vẹm đẻ trứng vào 2 vụ chính: Vụ đầu năm từ tháng 3 đến tháng 5, vụ cuối năm từ tháng 9 đến tháng 10. Vào mùa sinh sản tuyến sinh dục của con cái có màu đỏ gạch non, tuyến sinh dục con đực màu vàng nhạt.
Ảnh: VOV
Vẹm vỏ xanh phân bố ở vùng biển nhiệt đới và á nhiệt đới của Ấn Độ Thái Bình Dương như vùng biển Đông Nam Trung Quốc, Philippines, Malaysia, Ấn Độ. Ở ven biển Việt Nam, hầu như từ Bắc đến Nam vẹm xanh đều có phân bố nhất là ở các vùng gần cửa sông Nam, huyện Yên Hưng (Quảng Ninh), một số vùng ven biển đảo Cát Bà, Đồ Sơn (Hải Phòng), đầm Ô Loan (Phú Yên), đầm Nha Phu, đầm Thủy Triều (Khánh Hòa) và nhiều vùng biển ven đảo Phú Quốc (Kiên Giang).
>> TS Judith Brown và Andrew Airnes tại Anh cho biết, nghề nuôi vẹm đang được xem là phương thức sản xuất thực phẩm mới giàu tiềm năng, vừa cung cấp thức ăn cho dân số ngày càng tăng vừa phục hồi đa dạng sinh học bản địa tại Vương quốc Anh, vốn đã bị tổn hại nhiều do ô nhiễm và các hoạt động đánh bắt quá mức. Hình thức mà hai nhà khoa học đang triển khai là nuôi vẹm trên dây thừng, tạo ra sinh cảnh biển đẹp, hệ sinh thái ổn định, tăng sinh khối lên 3,6 lần và đa dạng sinh học lên 1,6 lần. Họ hy vọng có thể nuôi được hơn 100 tấn protein động vật bằng hình thức này tại vùng biển nước Anh.
Do thịt vẹm xanh ngon, bổ dưỡng hơn cả tôm, cá, trứng, thịt, vỏ vẹm chế biến hàng mỹ nghệ xà cừ, lại dễ nuôi, chi phí nuôi thấp nên vẹm được nuôi nhiều ở vùng biển Trung Quốc, Thái Lan, Philippines, Pháp, Tây Ban Nha. Đây cũng được xem là đối tượng nuôi quan trọng, đặc biệt ở các nước Đông Nam Á. Các hình thức nuôi vẹm chủ yếu hiện nay là dây treo và nuôi cọc.
Ở Việt Nam, vẹm xanh được nuôi tập trung ở Nghệ An, Hà Tĩnh, đầm Lăng Cô (tỉnh Thừa Thiên – Huế), đầm Nha Phu (tỉnh Khánh Hòa). Đặc biệt tại Kiên Giang, vài năm trở lại đây, nuôi vẹm xanh đang trở thành một trong những nghề ít tốn chi phí, nhưng lại cho lợi nhuận ổn định cho người dân khu vực ven biển.
Theo những người nuôi vẹm xanh, khâu chăm sóc loài này rất đơn giản, chỉ cần thường xuyên lặn xuống nước kiểm tra các cọc cây để xem độ lớn của vẹm. Vào mùa mưa, cần có biện pháp di dời, bảo vệ vẹm xanh không bị bùn cát vùi lấp. Thời gian gần đây, tuy giá vẹm xanh giảm mạnh, nhưng vẹm sinh sôi tự nhiên rất nhiều, gần như không phải tốn kém chi phí mua con giống, chỉ cần đầu tư cọc gỗ, làm giàn ngầm cho vẹm bám vào, theo dõi quá trình phát triển của con vẹm và chờ đến vụ thu hoạch nên hiệu quả kinh tế vẫn đảm bảo.
Toàn xã Nam Thái, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang có hơn 1.000 ha đất bãi bồi ven biển, từ lâu đã trở thành kế mưu sinh của hàng trăm hộ gia đình. Những nông dân nghèo, kinh tế khó khăn ra bám biển, được vay vốn tín chấp của ngân hàng chính sách mở mô hình nuôi tôm, cua sò và giờ đây là nuôi vẹm xanh, đang dần vươn lên khấm khá. Chỉ riêng đối với mô hình nuôi vẹm xanh, bình quân mỗi bầu nuôi có diện tích khoảng 2 ha, được nông dân cắm từ 1.000 – 5.000 cây cừ tràm, mỗi cừ tràm như vậy đến vụ thu hoạch sẽ cho từ 10 – 30 kg vẹm xanh. Sau khi trừ chi phí, người nuôi vẫn có lợi nhuận 50%.
>> Vẹm có khả năng lọc nước mạnh, ở nhiệt độ bình thường một con vẹm cỡ 5 - 6 cm có thể lọc được 3,6 lít nước/giờ, nguồn thức ăn chủ yếu là các loài tảo, thực vật phù du, mùn bã hữu cơ. Chính vì vậy mà vẹm xanh còn là đối tượng nuôi ghép với tôm hùm, phần nào giải quyết được vấn đề cấp bách hiện nay đối với ô nhiễm vùng nuôi.
Diệu Châu