Trong một thời gian ngắn, hàng loạt đồng lúa hai vụ ở Cà Mau biến thành đồng nước mặn để nuôi tôm. Người dân biết rõ việc tự ý đưa nước mặn vào nuôi tôm, phá vỡ quy hoạch nông nghiệp là sai nhưng vẫn bất chấp, trong khi chính quyền buông lỏng quản lý…
Đua nhau “xé rào, làm liều”
Chúng tôi về vùng trồng lúa hai vụ ở xã Tân Lộc Bắc (huyện Thới Bình), một trong những “điểm nóng” về việc đồng lúa bị biến thành đồng nuôi tôm. Đi sâu vào vùng nội đồng ấp 9, chúng tôi dừng chân trú nắng tại căn chòi nằm giữa ruộng của lão nông Đinh Văn Xế. Cặp bên chòi lá là con kênh nội đồng, bề ngang chừng 3m, chạy dài qua nhiều cánh đồng, một bên trồng lúa và một bên nuôi tôm quảng canh. Nhìn bầy vịt nhởn nhơ dưới kênh, ông Xế nói: Nông dân chúng tôi không phải muốn canh tác gì cũng được vì phải theo quy hoạch. Chỉ tay về phía đồng lúa hai vụ đang vàng hạt, ông cho biết: Năm nào làm trúng lắm chỉ được 20 đến 30 giạ mỗi công đất, còn mất mùa, chỉ đủ gạo ăn và chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Chán nản vì “đầu tắt mặt tối” với cây lúa mà cuộc sống vẫn khó khăn cho nên tháng 2 vừa qua, ông Xế thuê cơ giới, chuyển ba trong tổng số tám công đất lúa của gia đình sang nuôi tôm. Ông Xế cho biết: Dù bị chính quyền nhắc nhở rồi xử phạt hành chính nhưng đầu vụ tới giờ, tôi thu từ ba công đất nuôi tôm gần 30 triệu đồng, chưa kể nguồn lợi từ cua nuôi sắp cho thu hoạch.
Trên địa bàn xã Tân Lộc Bắc, có rất nhiều hộ nông dân “xé rào” biến đồng lúa hai vụ thành ao nuôi tôm. Ấp 5 của xã này có 229 ha lúa hai vụ, nhưng hiện chỉ còn hơn 160 ha. Diện tích còn lại, các hộ dân lén đưa nước mặn vào nuôi tôm quảng canh kết hợp trồng một vụ lúa vào mùa mưa, nhưng thực tế, mưa gần hết mùa mà ít thấy bà con cấy lúa. Dù vậy, ấp 5 vẫn là “điểm sáng” của xã vì vẫn còn diện tích trồng lúa hai vụ nhiều nhất xã Tân Lộc Bắc, chứ không như địa bàn ấp 1, phong trào bỏ lúa nuôi tôm diễn ra đại trà. Sau ba vụ thực hiện theo mô hình cánh đồng mẫu lớn, 102 ha lúa hai vụ của ấp 1 chỉ còn chưa tới 40 ha. Ông Hứa Văn Tống ở ấp 1, người vừa chuyển 10 công lúa hai vụ trong cánh đồng mẫu lớn qua nuôi tôm hồi đầu năm, nói tỉnh bơ: Bà con chung quanh nuôi tôm hiệu quả nên gia đình tôi cũng làm theo, chứ làm lúa cực quá mà thu lợi chẳng được bao nhiêu”.
Con kênh ngăn giữa đồng lúa và đồng nuôi tôm ở xã Tân Lộc Bắc, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau.
Thông tin về tình hình tự phát trong chuyển đổi sản xuất tại địa phương, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Lộc Bắc Lê Toàn Nguyên cho biết, từ năm 2009, Tân Lộc Bắc được quy hoạch trồng lúa hai vụ, tổng diện tích khoảng 1.200 ha. Nhưng hiện tại, đất lúa hai vụ trên địa bàn chỉ còn khoảng 460 ha, và trong số chín ấp của xã thì có tới năm ấp, diện tích lúa hai vụ gần như bị “xóa sổ”. “Một bên trồng lúa, một bên nuôi tôm nhưng chỉ cách nhau có bờ kênh. Nếu bị vỡ bờ bao, nước đồng mặn sẽ tràn đầy bên đồng ngọt. Thủy lợi kiểu đó thì khuyên dân giữ lúa rất khó” – Phó Chủ tịch Lê Toàn Nguyên thừa nhận sự thật.
Không thể bắt phạt dân nghèo
Theo báo cáo của UBND huyện Thới Bình từ năm 2010 tới nay, trên địa bàn huyện có hơn 2.630 ha đất canh tác hệ ngọt chuyển đổi tự phát, trong đó có tới 1.577 ha đất trồng lúa chuyển qua sản xuất tôm-lúa. Chính quyền địa phương thành lập đoàn công tác, xuống tận cơ sở thăm dò, tổng hợp ý kiến trong dân. Hầu hết người dân ý thức rõ việc tự phát chuyển dịch, phá vỡ quy hoạch là vi phạm pháp luật. Song, bà con đổ thừa do thời tiết những năm gần đây diễn biến thất thường, nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp phụ thuộc vào nguồn nước mưa, không đáp ứng đủ; giá vật tư, chi phí đầu vào canh tác lúa luôn tăng trong khi giá đầu ra bấp bênh, không ổn định… khiến thu nhập người trồng lúa ngày càng èo uột.
Các cơ quan chức năng huyện Thới Bình thừa nhận, đầu tư cho cơ sở hạ tầng, nhất là hệ thống thủy lợi chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất, thiếu đồng bộ, chưa phát huy được hiệu quả, nguồn kinh phí còn hạn hẹp. Cùng với đó, công tác quy hoạch và thực hiện quy hoạch vừa thiếu, vừa chậm, chưa đồng bộ dẫn đến khó khăn trong quản lý, đầu tư phát triển sản xuất.
Ông Đỗ Duy Thanh, cán bộ khuyến nông khuyến ngư xã Tân Lộc Bắc, nêu thực trạng: Vùng sản xuất Tân Lộc Bắc và các xã lân cận bị bao bọc toàn là nước mặn. Lãnh đạo xã tuyên truyền, vận động, thậm chí xử phạt hộ dân phá đồng lúa chuyển qua nuôi tôm, nhưng không ngăn được. Với đà nuôi tôm hiệu quả như hiện nay, số hộ dân bỏ lúa nuôi tôm sẽ nhiều hơn và sẽ khó kiểm soát trong thời gian tới.
Trao đổi ý kiến với chúng tôi, Chánh Văn phòng UBND huyện Thới Bình Đỗ Hữu Lực cho biết, đợt làm việc với lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cà Mau hồi tháng chín vừa qua, lãnh đạo huyện đề xuất chuyển dịch những khu vực sản xuất manh mún (vùng da beo), có nguy cơ bị xâm nhập mặn; điều chỉnh quy hoạch lại diện tích sản xuất lúa hai vụ của huyện đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 còn 700 ha.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Dũng thừa nhận, không riêng gì Thới Bình mà một vài nơi ở huyện U Minh, Trần Văn Thời, TP Cà Mau, người dân lén đưa nước mặn vào đất trồng lúa để nuôi tôm, phá vỡ quy hoạch, sai với chủ trương. Chính quyền vẫn đang kiên trì tuyên truyền, vận động để người dân không vi phạm.
“Sau khi các sở, ngành thu thập số liệu, báo cáo cụ thể với Ban Thường vụ Tỉnh ủy là bà con chuyển qua nuôi tôm kết hợp trồng lúa đạt hiệu quả kinh tế hơn nhiều so với chuyên lúa, khi ấy Ban Thường vụ sẽ họp, quyết định có nên trồng lúa hay chuyển qua nuôi – trồng cây con khác cho thu nhập cao hơn, bền vững hơn chứ không nhất thiết bắt bà con phải trồng lúa. Quan điểm của lãnh đạo tỉnh là không muốn dân khổ, dân nghèo” – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Dũng khẳng định.
>> “Qua khảo sát và thống kê thực tế cho thấy, sản xuất tôm – lúa ở Thới Bình cho hiệu quả kinh tế cao hơn ba lần so với sản xuất lúa hai vụ. Cụ thể, lợi nhuận bình quân (thống kê liên tục trong ba năm, từ năm 2012 đến 2014) của người trồng lúa hai vụ là 19.170.000 đồng/ha/năm. Trong khi sản xuất tôm – lúa kết hợp, lợi nhuận bình quân 65.480.000đ/ha/năm. Đó là chưa tính nguồn thu từ nuôi cua, cá rô phi, cá nước lợ khác nuôi kết hợp trong vuông tôm” – Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thới Bình Nguyễn Hoàng Lâm cho biết. |