T3, 16/08/2022 10:13

Ông Chuang Jie Cheng, Tổng Giám đốc Tập đoàn Thăng Long: “Tôi là người may mắn…”

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – May mắn vì được làm việc tại Việt Nam, một thị trường có ngành thủy sản lớn và đầy tiềm năng; may mắn vì được chứng kiến từng bước phát triển của ngành thủy sản Việt Nam trong hai thập kỷ gần đây… Ông Chuang Jie Cheng, Tổng Giám đốc Tập đoàn Thăng Long – thương hiệu dẫn đầu ngành thức ăn thủy sản tại Việt Nam, cởi mở và thắng thắn như vậy khi trò chuyện với phóng viên Tạp chí Thủy sản Việt Nam, cùng chia sẻ những suy nghĩ về ngành, về văn hóa và con người Việt Nam.

TSVN: Ông có thể giới thiệu đôi chút về tuổi thơ của mình, chuyên ngành đã học và lúc trẻ ông đã biết gì về Việt Nam?

Ông Chuang Jie Cheng: Ở đại học, tôi học về chuyên ngành gia công chế biến, sau đó học tiếp Thạc sĩ về dinh dưỡng thực phẩm. Khi đi làm, tôi được giao phụ trách mảng nghiên cứu và tổ hợp dinh dưỡng thức ăn thủy sản, sau đó được cử sang làm việc tại Việt Nam. Lúc còn đi học tôi chỉ biết Việt Nam qua sách vở, báo chí, tôi cũng chưa từng nghĩ đến sẽ sang Việt Nam. Khi sang Việt Nam tôi đã được mở mang kiến thức và tầm nhìn, vì Việt Nam là một thị trường rộng lớn và rất có tiềm năng, nhất là ngành thủy sản. Tôi thật sự rất may mắn khi được làm việc tại đây, bởi diện tích NTTS của Đài Loan không lớn, phát triển có giới hạn, nếu tôi ở lại Đài Loan tôi sẽ không có cơ hội để học hỏi và trải nghiệm nhiều như khi sang Việt Nam.

 

TSVN: Những ngày đầu tiên tại Việt Nam ông ấn tượng nhất điều gì?

Ông Chuang Jie Cheng: Tôi là một trong số không nhiều doanh nhân, chuyên gia nước ngoài được may mắn chứng kiến xuyên suốt quá trình phát triển của ngành thủy sản Việt Nam suốt hai thập kỷ qua. Năm 1999, tôi “một mình một ngựa” sang Việt Nam làm việc, khi đó người dân vẫn còn nuôi tôm sú quảng canh, rồi chuyển dần sang nuôi bán thâm canh, thâm canh, đến thời điểm này đang phát triển mạnh nghề nuôi TTCT ứng dụng công nghệ cao. Tôi cũng chứng kiến quá trình ngành cá tra từ nuôi lồng bè sử dụng thức ăn tự chế sang nuôi ao công nghiệp với sản lượng cao. Mảnh đất này luôn cuốn hút tôi, nên năm 2000 tôi quyết định làm việc hẳn ở Việt Nam. Ở Việt Nam, có lẽ chỉ còn một số vùng miền núi chưa đi, các tỉnh ven biển còn lại hầu như tôi đều đã đi hết.

TSVN: Sau nhiều năm sống và làm việc tại Việt Nam, ông thấy sự giống và khác nhau giữa văn hóa, con người Đài Loan và Việt Nam như thế nào? Nó có ảnh hưởng ra sao tới công việc của ông?

Ông Chuang Jie Cheng: Tôi thấy có sự tương đồng văn hóa giữa Việt Nam và Đài Loan, tôn giáo, quan điểm gia đình, ẩm thực đều rất giống nhau. Việt Nam có thêm món nước mắm và ăn chua hơn một chút. Ở Đài Loan thì ăn chay nhiều hơn, các món ăn đều rất tinh xảo. Tôi không thấy sự khác biệt về văn hóa nên không ảnh hưởng nhiều tới công việc, ngược lại tôi còn thấy thú vị hơn và gần gũi hơn.

 

TSVN: Chúng tôi chứng kiến rất nhiều kỹ sư và công nhân Việt Nam coi ông như người thân của họ. Mọi người đều nói ông có đóng góp lớn để Tập đoàn Thăng Long phát triển như ngày nay. Ông nghĩ mình đã làm được những gì cho Tập đoàn nói riêng và cho ngành thủy sản nói chung?

 Ông Chuang Jie Cheng: Tôi không dám nói về cống hiến của cá nhân mình, nhưng từ nuôi quảng canh đến công nghiệp, nay lại phát triển đến nuôi ứng dụng công nghệ cao; từ cho ăn bằng thức ăn tự chế đến thức ăn tăng trọng, thức ăn chức năng, tôi đã có cơ hội được đi chung cùng anh em trong ngành. Vui nhất đó là tôi được quen biết nhiều bạn thân là khách hàng, đại lý, đồng nghiệp.

Thời kỳ đầu của ngành thức ăn công nghiệp chủ yếu chỉ nhập khẩu, chúng tôi và những người đồng nghiệp trong các công ty khác đã từng bước xây dựng ngành sản xuất thức ăn thủy sản ngay tại Việt Nam. Lúc đầu người dân chưa biết nhiều về kỹ thuật, chúng tôi đã liên tục tập huấn cho người nuôi. Thời gian đầu người dân chỉ nuôi tôm sú và sản lượng rất thấp, rồi dần nuôi thêm TTCT và nay nuôi công nghệ cao, mật độ nuôi càng dày và sản lượng ngày càng cao. Bản thân tôi cũng tập huấn cho người dân rất nhiều trong suốt mấy chục năm qua.

 

TSVN: Vậy điểm mạnh, điểm cần phải khắc phục của ngành thủy sản Việt Nam từ quy trình nuôi trồng đến chế biến, xuất khẩu là gì, thưa ông?

 Ông Chuang Jie Cheng: Môi trường tự nhiên Việt Nam rất phù hợp với việc phát triển ngành thủy sản, Nhà nước cũng có những chủ trương định hướng ưu tiên phát triển ngành, thêm vào đó là người dân Việt Nam lại cần cù, sáng tạo. Tôi nghĩ đó là những thuận lợi rất lớn giúp ngành thủy sản Việt Nam chinh phục thế giới. Tại nước ngoài, đa phần là các trang trại nuôi, nên người nuôi là làm công ăn lương, là nuôi cho người khác. Còn tại Việt Nam hiện phần lớn là nuôi theo hộ gia đình, diện tích vừa và nhỏ, người nuôi nuôi cho chính họ, nên họ làm việc hết mình. Điểm đặc biệt nữa là người nông dân Việt Nam tiếp thu rất nhanh khi làm với chuyên gia nước ngoài, họ chịu thử cái mới, sẵn sàng thích ứng cái mới, rất khác với các nước khác. Người dân họ gặp kỹ sư rất mừng rỡ, rất tôn trọng người có kỹ thuật.

TSVN: Ngành thủy sản Việt Nam đang chịu sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường thế giới. Theo ông, đâu là chìa khóa cho sự thành công trong thời gian tới đây?

Ông Chuang Jie Cheng: Thật sự thì cạnh tranh đang rất khốc liệt. Giá thành sản xuất Việt Nam cao hơn Ấn Độ và một số nước khác, nhưng Việt Nam lại có lợi thế về chất lượng. Các nước khác có diện tích NTTS lớn, mật độ thả thưa, nhưng sản lượng vẫn có, nên giá thành họ thấp. Giá thành thủy sản của Việt Nam cao hơn, nhưng lợi thế của chúng ta là có ngành chế biến phát triển, có thể sản xuất được nhiều mặt hàng giá trị gia tăng, đa dạng hóa được sản phẩm nên xuất khẩu tới nhiều nước, kim ngạch tốt, các quốc gia khác thì không.

Theo tôi, khó khăn của Việt Nam trong xuất khẩu có lẽ là ở vĩ mô, chẳng hạn ở rào cản kỹ thuật từ các nước nhập khẩu, chứ không phải ở nuôi trồng. Ngoài ra, chúng ta cần phải đặc biệt chú ý hơn vấn đề an toàn thực phẩm để có thể mở rộng hơn các thị trường tiêu thụ.

TSVN: Ông có lời khuyên gì đối với các doanh nghiệp trong ngành thủy sản?

Ông Chuang Jie Cheng: Theo tôi, vấn đề đầu tiên cũng là quan trọng nhất của một công ty là chất lượng sản phẩm, đó là điều giúp doanh nghiệp tồn tại lâu dài. Thứ hai là về con người, cần có đội ngũ kỹ sư, công nhân ổn định, luôn hướng về công ty. Anh em mỗi người một ý thì không thể làm được lâu dài. Đối với vấn đề con người, tôi thấy ở Việt Nam chúng ta rất gắn bó và gần gũi, những nhân viên chuyển việc vì thu nhập là có nhưng rất ít, chủ yếu họ nghỉ là do môi trường làm việc không như ý, quan hệ đồng nghiệp không tốt. Vì thế, các công ty phải luôn tạo môi trường làm việc tốt cho nhân viên để giữ chân họ.

 

TSVN: Theo ông, điều gì giúp Tập đoàn Thăng Long chinh phục được các khách hàng khó tính nhất?

Ông Chuang Jie Cheng: Thăng Long có kết quả kinh doanh thành công như hôm nay, chính là nhận được rất nhiều tình cảm, sự ủng hộ, hỗ trợ hết mình của Đại lý và Khách hàng. Chúng tôi nghĩ rằng thị trường được hình thành là dựa vào yếu tố tình cảm giữa Công ty và Khách hàng. Duy trì thiện cảm với Khách hàng là điều quan trọng nhất, giúp Công ty thành công tại Việt Nam; nhưng kèm theo thì sản phẩm phải có chất lượng tốt, có chính sách phù hợp và năng lực phục vụ kỹ thuật đủ mạnh.

TSVN: Ông đánh giá và đề xuất gì với ngành thủy sản Việt Nam trong tầm nhìn 10 năm tới?

Ông Chuang Jie Cheng: Chính phủ và các Bộ, ngành rất quan tâm đến sự phát triển ngành thủy sản, Tổng cục Thủy sản cũng đã có nhiều đề xuất cải thiện về thủ tục hành chính, quy định rõ ràng, giúp doanh nghiệp rút ngắn được thời gian và tháo gỡ được nhiều khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Đây là điều kiện thuận lợi giúp các doanh nghiệp, cũng như ngành thủy sản có thể phát triển nhanh hơn và lớn mạnh hơn.

TSVN: Ông có thể chia sẻ về phương hướng phát triển của Tập đoàn Thăng Long trong thời gian tới?

Ông Chuang Jie Cheng: Tập đoàn Thăng Long nhận thức rất rõ nếu muốn trụ vững và phát triển lớn mạnh trong thời gian tới không thể áp dụng mãi kiểu kinh doanh truyền thống (cạnh tranh giá, chính sách) mà phải tập trung phát triển chuỗi giá trị, phải mang đến giá trị hiệu quả thiết thực nhất cho người nuôi thông qua Mô hình TLSS (Thang Long Smart System) mà Tập đoàn đã triển khai thành công suốt hai năm qua. Từ việc cung cấp con giống phát triển nhanh, thức ăn chất lượng tốt, chế phẩm sinh học hữu hiệu, tư vấn phục vụ kỹ thuật tận tâm và tìm đầu ra cho khách hàng. Khi đó mới giúp người nuôi nâng cao được tỷ lệ thành công, giảm được giá thành và tăng thêm lợi nhuận, được như thế khách hàng mới tiếp tục gắn kết với Tập đoàn, Đại lý mới duy trì hợp tác với Tập đoàn.

Thăng Long đã tập trung và thành công trong sản xuất giống TTCT, ngoài ra mảng giống cá rô phi, giống cá điêu hồng cũng được người nuôi đánh giá cao. Tiếp đến chúng tôi sẽ phát triển thêm giống cá lóc, cá tra để người nuôi được lợi nhiều hơn khi sử dụng nguồn giống chất lượng. Hiện tiềm năng về nuôi cá biển của Việt Nam còn rất lớn và đang chờ khai thác, vì thế giai đoạn tiếp theo, Thăng Long sẽ quan tâm và tập trung nhiều đến nuôi cá biển như cá chẽm, cá mú, cá chim. Vấn đề quan trọng nhất trong nuôi cá biển là đầu ra, vì ở thị trường nội địa, người dân hiện chưa tiêu thụ nhiều, trong khi ở Thái Lan, cá chẽm lại được tiêu thụ rất tốt.

TSVN: Dường như công việc thú vị ở Việt Nam khiến ông “nhãng quên” cuộc sống riêng của mình?

Ông Chuang Jie Cheng: Tôi bắt đầu làm việc ở Việt Nam từ năm 1999 và tới nay tôi đã xem Việt Nam là quê hương thứ hai của mình, tôi xem đồng nghiệp, Đại lý, Khách hàng như là anh em, là người thân và Thăng Long lại chính là gia đình lớn của tôi. Nếu tôi có gia đình riêng thì chắc con tôi hiện cũng đã vào đại học. Hiện nay, Tập đoàn Thăng Long chính là niềm vui lớn của tôi. Thêm nữa, tôi thích cuộc sống gần gũi và tình cảm ở Việt Nam.

TSVN: Cảm ơn ông vì cuộc trò chuyện thú vị này!

 

>> Là một trong những đơn vị hàng đầu về lĩnh vực thủy sản tại Việt Nam, Tập đoàn Thăng Long tập trung vào việc xâu chuỗi chặt chẽ nguồn tài nguyên con giống, thức ăn, chế phẩm sinh học và phục vụ kỹ thuật. Sở hữu 15 dây chuyền sản xuất thức ăn tôm và 7 máy ép đùn sản xuất thức ăn cá; dự kiến, tổng sản lượng thức ăn tôm và cá tiêu thụ trong và ngoài nước năm nay của Tập đoàn sẽ là 600.000 tấn, cùng 2 tỷ tôm giống. Trong năm 2022, Thăng Long cũng sẽ triển khai mạnh chuỗi sản phẩm cá rô phi và cá tra từ con giống, thức ăn, nuôi trồng đến chế biến, xuất khẩu. Ngoài ra, mô hình nuôi TLSS (Thang Long Smart System) đã được Tập đoàn nghiên cứu và triển khai thành công tại nhiều vùng nuôi tôm từ năm 2020 tới nay, đem lại giá trị bền vững cho người nuôi.

Trần Nguyễn Anh

(Thực hiện)

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

error: Content is protected !!