Ông Võ Văn Kiệt: Xác định thủy sản là ngành mũi nhọn thì mục tiêu, cơ chế phải đúng nghĩa mũi nhọn

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Trong thư gửi Thường trực Chính phủ, ông Võ Văn Kiệt cho rằng, xác định thủy sản là ngành mũi nhọn thì mục tiêu, cơ chế và sự điều hành phải đúng nghĩa mũi nhọn.

Thủ tướng Võ Văn Kiệt đi thăm các công trình thủy lợi

Lời giới thiệu của nguyên Bộ trưởng Bộ Thủy sản Tạ Quang Ngọc:

Tháng 8 năm 2000, đồng chí Võ Văn Kiệt, nguyên Thủ tướng, lúc này là Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đã đến thăm và làm việc với lãnh đạo Bộ Thủy sản.

Ngay sau buổi làm việc, đồng chí viết một thư công tác gửi đến Thường trực Chính phủ và đồng chí Bộ trưởng Bộ Thủy sản. Đã qua 22 năm, chúng tôi trong ngành thủy sản luôn coi đây là một tài liệu quý, thể hiện sự tâm huyết, nhận xét tinh tường và tư duy sâu sắc của người từng đứng đầu Chính phủ thời gian đó đối với thủy sản trong những năm được xác định là ngành mũi nhọn.

Năm 2000, năm ráp nối giữa 2 thế kỷ XX và XXI đã chứng kiến những sự kiện nổi bật của ngành, sau khi xuất khẩu thủy sản cán mốc 1 tỷ USD, năm cơ bản hoàn thành việc xây dựng hệ thống cảng cá với các tụ điểm dịch vụ từ bờ đến hải đảo với nguồn vốn tập trung trong nước và vay ưu đãi từ ADB.

Dịch vụ hậu cần được cải thiện, cùng với năng lực khai thác trên biển tăng lên nhờ chủ trương đóng mới, cải hoán số lượng lớn tàu khai thác xa bờ đã làm cho cơ cấu sản lượng khai thác trên biển có sự thay đổi về căn bản theo hướng giảm mạnh khai thác ven bờ và nâng cao giá trị hàng hóa, sau những năm mở ra chủ trương Phấn đấu đưa nước ta trở thành nước mạnh về biển như nêu trong Nghị quyết 03-NQ/TW ngày 6/5/1993.

Năm 2000 cũng là năm bản lề mở rộng diện tích nuôi thủy sản và phát triển nuôi các hình thức công nghiệp với các đối tượng có giá trị hành hóa lớn như tôm và cá tra. Cũng năm này, việc xây dựng Luật Thủy sản được khẩn trương triển khai để có được công cụ pháp chế cần thiết cho quản lý ngành – Luật Thủy sản 2003.

Mở mang thị trường và hoạt động hội nhập được tiếp tục khẩn trương hơn và với cách làm mới. Cùng với những cái được đó, cái khó, cái chưa được trong cách nghĩ và cách làm cũng bắt đầu chi phối những nỗ lực của giai đoạn tiếp theo.

Cuộc làm việc của đồng chí Võ Văn Kiệt trong bối cảnh đó, mọi ý kiến cặn kẽ của đồng chí đã được viết trong lá thư cũng có tầm bao quát giúp tháo gỡ khó khăn cho giai đoạn phát triển mới của ngành. Thiết nghĩ những nội dung đó rất liên quan đến kết quả tăng trưởng của thủy sản Việt Nam hiện tại.

Chúng tôi muốn giới thiệu toàn văn lá thư khá đặc biệt này, như một kỷ niệm rất đáng trân trọng nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của đồng chí Võ Văn Kiệt, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thủ tướng Chính phủ.

Thủ tướng Võ Văn Kiệt với người dân quê hương xã Trung Hiệp, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long

Kính gửi:          - Thường trực Chính phủ

Đồng kính gửi: - Đồng chí Bộ trưởng Bộ Thủy sản

Hôm 24/8 vừa qua, tôi có làm việc với các đồng chí lãnh đạo Bộ Thủy sản về Quy hoạch tổng thể phát triển ngành thủy sản. Nhìn chung bản Quy hoạch được chuẩn bị tốt, làm rõ được thực trạng, tiềm năng, và hướng phát triển của ngành. Tại buổi làm việc, tôi đã trực tiếp phát biểu một số ý kiến. Tôi thấy có mấy điểm cần được thông tin lại để các đồng chí quan tâm chỉ đạo như sau:

1. Trong những năm qua, ngành thủy sản đã có bước phát triển đáng mừng. Quy hoạch cũng đưa ra mấy phương án phấn đấu, đều xác định tiếp tục phát triển với nhịp độ khá cao. Tôi thấy hướng phát triển để ra là rất đúng, tuy nhiên mức phấn đấu đặt ra vẫn chưa ngang với tiềm năng và tính chất một ngành kinh tế mũi nhọn. Điều thuận lợi cơ bản nhất mà chúng ta phải tận dụng là thị trường. Khác các mặt hàng khác (cả nông sản và hàng công nghiệp) thị trường tiêu thụ hải sản thế giới tiếp tục tăng và mặc dù cạnh tranh gay gắt với những đòi hỏi khắt khe về vệ sinh thực phẩm nhưng cung vẫn không đủ cầu.

Tôi cho rằng phải đặt ra mức phấn đấu cao hơn, và cần tính toán nghiêm túc mục tiêu bằng mức Thái Lan hiện nay sau 5 năm, bắt kịp sau 10 năm. Điều đó không chỉ là mong muốn, duy ý chí mà cần xem xét đủ cơ sở nếu chúng ta có mức tập trung chỉ đạo, ưu tiên đầu tư; có cơ chế tháo gỡ hết mọi vướng mắc thì có thể tăng được sản lượng và đáp ứng được yêu cầu chất lượng của thị trường hay không? Nói cách khác, mục tiêu đặt ra phải là mức đòi hỏi nỗ lực, cố gắng cao nhất và phải kèm theo những chính sách cụ thể như những điều kiện để thực hiện mục tiêu. Chúng ta đã xác định thủy sản là một ngành mũi nhọn thì mục tiêu, cơ chế và sự điều hành cũng phải đúng nghĩa mũi nhọn. Tôi xin được phát biểu thêm là qua các dịp làm việc với một số ngành, địa phương cũng như qua ý kiến nhận xét của một số ngành về quy hoạch ngành Thủy sản, tôi thấy bên cạnh những ý kiến xác đáng cũng có những ý kiến thể hiện sự hiểu biết còn chưa đủ sâu sát về ngành này.

Tôi xin được đề nghị, dựa trên nền quy hoạch hiện có, nên giao cho một nhóm (nên có thủy sản, nông nghiệp, địa chính) rà soát, đánh giá lại tiềm năng khai thác cũng như nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là hoạch định diện tích mặt nước (ngọt, lợ cũng như mặn) phù hợp với từng loài thủy, hải sản và diện tích đất nên chuyển từ trồng lúa sang nuôi thủy sản ở từng vùng, từng địa phương. Đồng thời, Thủ tướng cùng với Phó Thủ tướng phụ trách ngành, lãnh đạo các bộ, ngành liên quan (Kế hoạch, Tài chính, Ngân hàng, Nông nghiệp, Địa chính) nên trực tiếp làm việc với Bộ Thủy sản để quyết định những vấn đề còn vướng mắc. Qua đó, có thể đưa ra mức phấn đấu cao hơn, sát hơn với ngành trọng điểm này và có mức điều chỉnh chỉ tiêu 5 năm, 10 năm.

2. Quy hoạch đã xác định đúng hướng tập trung đẩy mạnh nuôi trồng. Trong đó chú trọng mở rộng diện tích nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh vùng ven bờ biển. Thực tế cho thấy nuôi tôm quảng canh, tự phát gây tác hại nghiêm trọng tới môi trường nhưng nếu nuôi chuyên canh tôm hoặc kết hợp một tôm một lúa theo kiểu công nghiệp, có hệ thống đê, điều tiết nước chủ động thì không gây ảnh hưởng xấu tới môi trường (đã có mô hình ở nhiều tỉnh).

Tôi cho rằng, để đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản nói chung và nuôi tôm nói riêng một cách chủ động, hiệu quả thì phải hết sức chú trọng tới khâu giống và đặc biệt là thức ăn. Tương tự như đối với thức ăn gia súc, tôi thấy cần có cơ chế khuyến khích ưu đãi thật mạnh gắn kết với chính sách quản lý nhập khẩu chặt chẽ để sớm tự chủ được thức ăn nuôi thủy sản.

Tôi không nghĩ là công nghệ sản xuất thức ăn (cho chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản) lại quá cao, bí mật tới mức ta không thể tự sản xuất trong nước mà cứ phải nhập khẩu hoặc để cho nước ngoài đầu tư hết (ta chỉ có đất).

Nguyên liệu chính để làm thức ăn cũng không thiếu, lao động lại dư thừa. Không phải chỉ riêng với thức ăn cho tôm cá mà nhiều lĩnh vực khác (từ men gạch cho tới các trang thiết bị công nghiệp) cũng vẫn tiếp tục còn tình trạng vì lợi ích rất cục bộ, trước mắt nên cứ nhập khẩu, cứ gọi nước ngoài đầu tư cho dù ta dư sức làm. Đây là vấn đề rất nhức nhối và có thể nói gần như bị buông lỏng quản lý.

Tôi xin đề nghị cần bàn rất kỹ về vấn đề này để có giải pháp thúc đẩy đủ quyết liệt, không nên để mục tiêu tới 2005 vẫn còn phải nhập khẩu 40% và tới 2010 vẫn phải nhập 20% như trong quy hoạch được.

3. Tôi đã một số lần có phát biểu về phát triển nguồn lợi thủy sản nước ngọt. Diện tích ao hồ, sông ngòi, ruộng trũng tự nhiên cũng như các hồ chứa thủy điện, thủy lợi đã và đang đầu tư xây dựng rất lớn nhưng hầu như chưa được sử dụng vào nuôi thủy sản. Cần có định hướng rõ và các biện pháp khuyến khích đủ mạnh để đưa vào nuôi thâm canh (ít ra cũng bán thâm canh) đáp ứng yêu cầu tiêu dùng tươi sống trong nước đồng thời tạo nguồn nguyên liệu đủ quy mô, ổn định cho công nghiệp chế biến và chế biến xuất khẩu. Vấn đề này cũng liên quan trực tiếp tới chuyển dịch cơ cấu trong nông nghiệp (nuôi trồng thủy sản cũng là một thứ chăn nuôi) và thực sự nâng cao hiệu quả sử dụng đất và mặt nước.

Có thể nói đây là mảng lớn, chưa được chú trọng phát triển đúng mức. Tôi cho rằng, cần tăng cường năng lực quản lý, điều hành cho mảng công việc này. Giảm đầu mối, giảm biên chế là những yêu cầu được đặt ra trong cải cách hành chính. Tuy nhiên, mục tiêu bao trùm nhất của cải cách hành chính là nâng cao năng lực bộ máy. Vì vậy, không nên cào bằng. Đối với ngành thủy sản, tôi thấy nên tổ chức một đầu mối tinh gọn, đủ mạnh lo mảng nuôi trồng nói chung và mảng nuôi trồng nước ngọt nói riêng. Có thể chỉ cần ở trung ương mà không nhất thiết phải tổ chức theo chiều dọc xuống tỉnh, huyện.

Khai thác các vùng nước sâu, nông cũng như nuôi trồng nước mặn, nước lợ, nước ngọt đều là những mảng công việc cần có một đội ngũ cán bộ khoa học, công nhân có tay nghề mới đáp ứng được yêu cầu sử dụng có hiệu quả và bảo vệ được nguồn tài nguyên thiên nhiên, phát triển bền vững ngành kinh tế mũi nhọn này. Vì vậy, rất cần tăng cường năng lực đào tạo từ bậc công nhân trở lên tới đại học, trên đại học. Theo tôi, nên có một trường đại học chuyên ngành thủy sản và các cơ sở đào tạo chuyên ngành nên giao cho Bộ Thủy sản quản lý (đương nhiên là vẫn chịu sự quản lý chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tổng cục Dạy nghề).

Xin phát biểu để các anh xem xét.

Võ Văn Kiệt

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!