Peru: Giá dầu cá vẫn cao kỷ lục

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Rất nhiều công ty thu mua dầu cá làm thực phẩm chức năng đang thua lỗ trầm trọng do giá dầu cá nhập khẩu từ Peru vẫn duy trì ở mức cao kỷ lục.

Theo một số chuyên gia trong lĩnh vực thị trường dầu cá, giá sản phẩm này sẽ hạ nhiệt trong một vài tháng tới, nhưng quá muộn để cứu các hãng sản xuất phụ gia omega-3 khỏi tình trạng thua lỗ nặng nề. 

Giá dầu cá Peru đã tăng vọt gần 100% trong vòng 12 tháng qua, từ 2.000 – 2.500 USD/tấn vào tháng 7, tháng 8/2021 lên tới 4.000 – 4.500 USD/tấn FOB vào năm nay, theo ông Erausquin, chủ một hãng kinh doanh dầu cá tại Lima, Peru. 

Trong khi một số nhà sản xuất đang phân vân trước quyết định chuyển một phần gánh nặng chi phí sang người tiêu dùng, thì số khác đã dừng ký hợp đồng mua hàng để tránh thua lỗ thêm. Theo ông Erausquin, giá dầu cá đang vượt quá khả năng chi trả của họ. Thị trường dầu omega-3 thực phẩm chức năng lại nhạy cảm về giá hơn bởi đây là sản phẩm không thiết yếu. Người tiêu dùng không muốn trả giá cao, do đó nhà sản xuất phải chịu lỗ. Tiêu thụ omega-3 thực phẩm chức năng chiếm 15% tổng doanh số toàn cầu của mặt hàng này, trong đó một nửa được chế biến thực phẩm bổ sung và nửa còn lại dùng làm thuốc. 

Giá dầu cá Peru tăng gần 100% trong 12 tháng qua, từ 2000 – 2.500 USD/ tấn vào tháng 7, tháng 8/2021 lên 4.000 – 4.500 USD/tấn FOB vào năm nay. Ảnh: Shutterstock

Theo quan sát gần đây tại các cửa hàng ở Mỹ, ông Erausquin nhận thấy giá bán lẻ dầu cá omega-3 đã tăng 20 – 30% trong vài tháng qua. Trong khi đó nguồn cung dầu cá Peru vẫn thiếu hụt, cộng với nhiều ảnh hưởng từ chiến sự Ukraine, dự báo giá dầu cá trên thị trường giao ngay còn tiếp tục tăng cao hơn. 

Thông thường các mùa trước, giá dầu cá chưa bao giờ tăng cao vào tháng 10 đến tháng 11, nhưng thực tế giá đã tăng 50%, và hiện nay đang tăng cấp đôi. Không thể đẩy chi phí này vào giá bán hàng cho người tiêu dùng bởi họ sẽ không chấp nhận mức giá đó, ông Erausquin nói. 

Hầu hết bột cá Peru được tiêu thụ trên thị trường giao ngay, nhưng một số lượng nhỏ vẫn được bán qua các hợp đồng dài hạn 1 – 2 năm. Theo ông Erausquin, có nhiều khách hàng đã dừng ký hết hợp đồng dài hạn này vì giá dầu cá quá cao. Cạnh đó, áp lực từ lạm phát vẫn đang đè nặng, buộc họ phải thắt chặt chi tiêu.
Nguyên nhân khiến giá dầu cá tăng cao là do ảnh hưởng của chiến sự Nga – Ukraine, và sản lượng khai thác cá cơm của Peru thấp hơn mọi năm. Giá dầu thực vật tăng cũng khiến giá các loại dầu khác lên theo, trong đó có dầu cá. Sản lượng dầu cá của Peru vụ gần đây nhất bị thiếu hụt 30.000 tấn. Hơn 12 tháng qua, lượng thiếu hụt lên đến 54.000 – 64.000 tấn. Ông Erausquin cho biết đây thực sự là một năm đầy bất ổn về nguồn cung dầu cá. Dự báo, giá dầu cá có thể hạ nhiệt trong vài tháng tới khi Peru bước vào vụ khai thác thứ 2 trong tháng 11 này. Tuy nhiên, giá sản phẩm sẽ không quay đầu về mức 2.500 USD/tấn như năm trước. 

Hiện giá dầu cá của Ma Rốc khoảng 3.500 USD/tấn, còn của Chilê 3000 USD/tấn. Những loại dầu cá này có lượng omega-3 thấp hơn nên nhiều hãng sản xuất vẫn lựa chọn dầu cá Peru. Phần lớn các hãng sản xuất thức ăn thuỷ sản có thành phần omega-3 vẫn đủ khả năng thu mua thành phần thức ăn đắt đỏ này, song một số hãng đang tính đến giải pháp tìm kiếm nguyên liệu thay thế dầu cá như dầu tảo. Theo Trung tâm thương mại quốc tế (ITC), Na Uy, quốc gia nhập khẩu nhiều dầu cá nhất thế giới để phục vụ ngành chăn nuôi cá hồi đã tiêu thụ 224.000 tấn dầu cá trong năm 2021, tăng 4% so năm 2020.

Tuấn Minh

Theo Undercurrent News

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!