(TSVN) – Tháng 5/2024, Peru xuất khẩu 110.800 tấn cá và hải sản, trị giá 265,7 triệu USD, tăng 32,6% về khối lượng và 22,4% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.
Mức tăng trưởng mạnh mẽ của Peru trong tháng 5 chủ yếu do xuất khẩu hải sản phục vụ tiêu dùng gián tiếp tăng phi mã, tăng 581,9% về khối lượng và 318,5% về giá trị, tương ứng 69.000 tấn và 142,1 triệu USD.
Bột cá là sản phẩm xuất khẩu chủ đạo của Peru. Nguồn: Allaboutfeed
Cụ thể, xuất khẩu bột cá nhảy vọt từ 2.500 tấn (trị giá 34 triệu USD) trong tháng 5/2023 lên 61.900 tấn (106,2 triệu USD) trong tháng 5/2024, tăng ấn tượng 2.326,8% về lượng và 2.239,5% về giá trị. Điểm đến lớn nhất là Trung Quốc, chiếm 95,1% tổng giá trị xuất khẩu của Peru, theo sau là Hồng Kông (3,2%) và Australia (1,0%).
Xuất khẩu dầu cá đạt 1.800 tấn, trị giá 20 triệu USD, giảm 36% về lượng và 29% về giá trị so với cùng kỳ năm trước (2.700 tấn, 15,5 triệu USD). Mỹ là thị trường lớn nhất, chiếm 55,4%, theo sau là Chile 22,9%, Na Uy 10,8% và Trung Quốc 6,1%.
Ngược lại, xuất khẩu hải sản phục vụ tiêu dùng trực tiếp trong tháng 5/2024 chỉ đạt 38.900 tấn, trị giá 119,8 triệu USD, giảm 45,8% về lượng và 32,6% về giá trị. Mặt hàng xuất khẩu chính là sản phẩm đông lạnh, chiếm 82,1% tỷ trọng, trong đó đồ hộp và chế biến sẵn chiếm lần lượt 11,4% và 6,5%.
Xuất khẩu hải sản đông lạnh đạt 32.100 tấn, trị giá 98,4 triệu USD, giảm 51,8% về lượng và 40,5% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Sản phẩm giảm mạnh nhất là mực ống (giảm 36,2 triệu USD), và tôm (giảm 20,4 triệu USD). Thị trường xuất khẩu lớn nhất là Mỹ, chiếm 20,6% (20,2 triệu USD), Tây Ban Nha (20% (19,7 triệu USD), Hàn Quốc (12,2%), Bờ biển Ngà (6,3%), Nhật (6,2%), và Trung Quốc (5,7%).
Xuất khẩu hải sản đóng hộp ghi nhận tăng 67,5% về lượng và 53,2% về giá trị, tương ứng 2.300 tấn và 7,8 triệu USD. Sản phẩm chủ đạo là cá ngừ (6,1 triệu USD) và cá cơm (1,6 triệu USD). Điểm đến lớn nhất là Anh (37%), Mỹ (20%), Panama (15%), Tây Ban Nha (11,9%), Brazil (4,7%) và Venezuela (3,9%).
An Vy
Theo UCN