(TSVN) – Dù không sinh ra ở Hải Phòng nhưng với quãng thời gian dài sống và làm việc tại thành phố cảng, PGS. TS Nguyễn Chu Hồi – đại diện Hội Nghề cá Việt Nam ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đã chọn về Hải Phòng. Với ông, đây là cơ hội để trả nợ những ân tình lớn cho người dân và thành phố này.
Trong chương trình hành động của ứng cử viên đại biểu Quốc hội, PGS.TS Nguyễn Chu Hồi chia sẻ: Tôi nhận thức rằng, Quốc hội nước ta là cơ quan quyền lực cao nhất, có quyền lập pháp, đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân cả nước, và người đại biểu Quốc hội là đại biểu của nhân dân, vì nhân dân mà phục vụ.
Toàn cảnh Thành phố Hải Phòng. Nguồn: Internet
Ông nhấn mạnh, nếu được cử tri tín nhiệm và trúng cử làm Đại biểu Quốc hội khóa XV, với vốn kiến thức và kinh nghiệm nghiên cứu, quản lý biển, đảo và nghề cá, tôi sẽ ưu tiên thực hiện các nhóm vấn đề chính sau:
– Đóng góp ý kiến để hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật nói chung và về biển, đảo nói riêng ở nước ta. Cụ thể: (i) Bảo đảm cho quá trình xây dựng, ban hành, thực thi pháp luật phải bám sát và phản ánh được nguyện vọng, cũng như có sự tham gia nhiều hơn của người dân, doanh nghiệp, nhất là về lĩnh vực phát triển kinh tế biển xanh, hiệu quả và bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu; góp phần cải thiện sinh kế của người dân, không để ai lại phía sau; (ii) Đề nghị xây dựng và ban hành “Luật Sử dụng biển” đồng thời với rà soát Luật Đất đai (Luật sử dụng đất) để đảm bảo sử dụng hiệu quả, bền vững, giảm xung đột lợi ích giữa các ngành và người khai thác, sử dụng biển; (iii) Đề xuất các giải pháp để đảm bảo hệ thống chính sách, pháp luật về biển, đảo, về tài nguyên và môi trường, giảm chồng chéo, dễ đi vào cuộc sống, thực sự là công cụ bảo vệ các quyền và lợi ích của Việt Nam trên biển; bảo đảm an sinh xã hội và an toàn cho những người lao động trên biển, đặc biệt là ngư dân; (iv) Kiến nghị xây dựng chính sách đặc thù để giải quyết đồng bộ ba vấn đề: Ngư dân, Ngư nghiệp và Ngư trường (Tam ngư) ở nước ta, nhằm hỗ trợ ngư dân bám biển, bám đảo để làm giàu cho đất nước và gia đình, phát triển nghề cá bền vững và thực hiện tốt “chủ quyền dân sự” của Việt Nam trên Biển Đông; (v) Rà soát, điều chỉnh và xây dựng cơ chế, chính sách và giải pháp bảo vệ nguồn lợi thủy sản kết hợp chuyển đổi nghề nghiệp cho ngư dân đánh cá xa bờ, ngăn chặn đánh bắt thủy sản bất hợp pháp (IUU); (vi) Ban hành chính sách khuyến khích phát triển hệ thống “đô thị biển” ở nước ta, và lấy Hải Phòng làm hình mẫu cho nhóm đô thị ven biển; (vii) Chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề cho ngư dân, bảo hộ ngư dân khi gặp rủi ro thiên tai và nhân tai; (viii) Cụ thể hóa cơ chế phối hợp liên ngành, liên vùng, liên cơ quan để áp dụng thành công phương thức quản lý tổng hợp biển, đảo và vùng ven biển theo cách tiếp cận “quản lý biển theo không gian”, sớm thống nhất quản lý nhà nước về biển, đảo.
– Trong giám sát thi hành chính sách và thực thi pháp luật tôi ưu tiên cho: (i) các hoạt động triển khai và giải pháp thực hiện hiệu quả Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; (ii) cụ thể hóa các mục tiêu, chủ trương ghi trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, phần liên quan đến biển, đảo và kinh tế biển-ven biển; (iii) giải pháp đào tạo nguồn nhân lực nói chung và cho biển, đảo nói riêng, phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế; (iv) tiếp tục làm rõ quan hệ giữa môi trường và phát triển với các phương thức phát triển mới: kinh tế xanh, kinh tế dựa vào bảo tồn, kinh tế tuần hoàn có tính đến sự can thiệp của công nghệ mới, hiện đại; (v) tái cơ cấu và tổ chức lại “không gian kinh tế biển” để góp phần thực hiện các định hướng phát triển đất nước theo lộ trình của Đảng tại Nghị quyết đại hội Đảng lần thứ XIII; (vi) tăng cường hỗ trợ pháp lý cho người dân và doanh nghiệp, quy định rõ quyền và nghĩa vụ của người dân và doanh nghiệp trong quá trình xây dựng và thực thi pháp luật biển; (vii) tăng cường “đồng quản lý” nghề cá nhỏ, trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản, trong ngăn ngừa đánh bắt cá bất hợp pháp; (xiii) giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị của văn hóa biển.
– Trong quyết định các vấn đề trọng đại của đất nước, tôi sẽ tập trung ưu tiên cho: (i) Ủng hộ quan điểm và chủ trương giải quyết hòa bình các vấn đề trên biển giữa Việt Nam và các nước láng giềng, nhưng kiên quyết bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với các vùng biển, đảo phù hợp với luật pháp quốc tế; (ii) Tăng cường dự báo các kịch bản có thể xảy ra trên Biển Đông liên quan tới các quyền và lợi ích của Việt Nam để có những giải pháp chủ động ứng phó tương ứng; (iii) Vấn đề phát triển đô thị và các khu công nghiệp ven biển liên quan tới các hoạt động xử lý và đổ/nhận chìm chất thải, bao gồm rác thải nhựa; (iv) Các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu ở vùng ven biển, giảm thiểu hạn mặn, ngập lụt đô thị ven biển, và chống xói lở bờ biển; (v) Giải pháp cải cách toàn diện và căn bản hệ thống giáo dục và đào tạo ở nước ta.
– Đối với phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, tôi tâm huyết với các vấn đề: (i) Tiếp tục đầu tư phát triển thành phố Hải Phòng hiện đại, văn minh, xanh và bền vững; phấn đấu trở thành hình mẫu của một thành phố ở vùng cửa sông ven biển giàu và đẹp; (ii) Lấy lại vị thế địa chính trị, địa kinh tế và địa văn hóa của “Hải Phòng” thông qua phát huy các giá trị văn hóa biển đặc thù Hải Phòng, các loại hình kiến trúc đô thị độc đáo, và cảnh quan của một vùng sông nước ven biển với các lợi thế cửa ngõ hội nhập quốc tế: cảng, đô thị, biển, đảo; (iii) Phát huy thế mạnh của một trung tâm khoa học – công nghệ biển và nghề cá khu vực, tăng cường quản lý an toàn thực phẩm theo chuỗi giá trị; (iv) Gắn phát triển mở rộng đô thị và khu công nghiệp với bảo tồn nguồn lợi, bảo vệ môi trường và các giá trị di sản toàn cầu và quốc gia; (v) Thực thi hiệu quả, công bằng chính sách về nông thôn mới, cải thiện một bước đáng kể đời sống của người dân thành phố; xóa đói giảm nghèo bền vững, lấy người dân làm mục tiêu chính của sự phát triển; (vi) Phòng chống hiệu quả đại dịch Covid-19 dựa trên các hành động tập thể để đảm bảo lợi ích kép; sớm khôi phục ngành du lịch – dịch vụ gắn với phát triển nghề cá giải trí…; (vi) Vấn đề thực thi pháp luật, chính sách trên địa bàn thành phố.
Chân dung PGS.TS Nguyễn Chu Hồi
PGS.TS Nguyễn Chu Hồi tâm sự, tôi có 30 năm sống, làm việc tại Hải Phòng, thời gian không phải quá dài, nhưng tôi đã thở không khí Hải Phòng, uống nước Hải Phòng nên dù không phải là người Hải Phòng thì với tôi đây vẫn là quê hương thứ hai của mình. Tôi nhận được rất nhiều ân tình của người dân và thành phố này, tôi vẫn luôn tìm cơ hội để trả nợ ân tình cho nơi đây. Chính vì vậy, ngay sau khi được Hội Nghề cá Việt Nam đề cử tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, tôi đã chọn thành phố này. Đây là cơ hội để tôi đáp đền ân nghĩa với quê hương.
Cũng chính vì vậy, ông PGS.TS Nguyễn Chu Hồi rất mong nhận được sự ủng hộ của cử tri và để thực hiện tốt các nội dung ưu tiên nói trên. Và trong Chương trình hành động của ứng cử viên đại biểu Quốc hội, ông đã cam kết nếu trúng cử sẽ:
– Tham gia đầy đủ các kỳ họp, phiên họp toàn thể của Quốc hội; tham gia các hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội; thảo luận và biểu quyết các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội.
– Liên hệ chặt chẽ với cử tri, chịu sự giám sát của cử tri, thường xuyên tiếp xúc với cử tri, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của cử tri; thu thập và phản ánh trung thực ý kiến, kiến nghị của cử tri với Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan.
– Dự đầy đủ các cuộc tiếp xúc cử tri ở các quận, huyện nơi tôi ứng cử theo chương trình tiếp xúc cử tri của Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng. Ngoài ra, tôi sẽ tiếp xúc cử tri nơi cư trú, ở Hội nghề cá Việt Nam; tranh thủ tiếp xúc với các cử tri khác ở các tỉnh/thành phố ven biển và các huyện đảo thông qua thực hiện kế hoạch tuyên truyền về biển, đảo và về rác thải nhựa,…giai đoạn 2021 – 2025.
– Tiếp công dân theo quy định của pháp luật; khi nhận được khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân, tôi sẽ nghiên cứu và kịp thời chuyển đến tổ chức/cá nhân có thẩm quyền giải quyết; cũng như đôn đốc, theo dõi và giám sát việc giải quyết.
– Khi cần thiết tôi sẽ chất vấn các cá nhân đứng đầu các cơ quan nhà nước ở Trung ương và chính quyền địa phương; về những vấn đề mà cử tri và nhân dân bức xúc, yêu cầu, kiến nghị.
– Khi phát hiện có hành vi vi phạm pháp luật, gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, tôi sẽ yêu cầu cơ quan, tổ chức có liên quan thi hành những biện pháp cần thiết để kịp thời chấm dứt hành vi vi phạm pháp luật.
Hội Nghề cá Việt Nam hy vọng Quốc hội khóa tới sẽ có 1 thành viên là đại biểu Quốc hội. Do vậy, Hội đặc biệt gửi gắm lòng tin vào PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, người sẽ đại diện cho tiếng nói của Hội, của biển, đảo và ngư dân.