T2, 06/07/2020 11:25

Phá Tam Giang: Hệ lụy vì phát triển “nóng”

Chưa có đánh giá về bài viết

Hệ thống phá Tam Giang là khu điều hòa khí hậu, điều tiết lũ lụt và hạn chế nguy cơ ngập úng cho đồng bằng. Phá Tam Giang có nước ngọt trong mùa mưa lũ và nước lợ khi vào mùa khô.

Vì thế, môi trường thủy sinh ở đây có rất nhiều chủng loại thủy, hải sản sinh sống và là nguồn tài nguyên quý giá để khai thác. Giữ vai trò quan trọng về địa kinh tế, vùng đầm phá và vùng ven biển Thừa Thiên – Huế gồm 42 xã, thị trấn thuộc 5 huyện, thị xã. Tổng dân số 450.000 người sinh sống, trong đó hơn 41% dân số hành nghề đánh bắt, nuôi trồng thủy sản.

Trước đây, sản lượng đánh bắt thủy sản trên các đầm phá đạt khoảng 4.500 tấn/năm thì hiện nay, chỉ còn 2.000 – 2.500 tấn. Theo Quy hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản vùng ven biển và đầm phá đến năm 2015 – 2020, tỉnh Thừa Thiên – Huế đầu tư 709 tỷ đồng, phấn đấu đạt 19.516 tấn vào năm 2015 và đạt 24.116 tấn vào năm 2020. Hình thức nuôi hạ triều, nuôi chắn sáo trên phá Tam Giang, nuôi sinh thái kết hợp phục vụ du lịch, nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh công nghiệp, nuôi bán thâm canh vùng cao triều, nuôi xen ghép, nuôi thủy sản nước lợ bằng lồng. Hiện, có nghề nuôi tôm hạ triều và nuôi chắn sáo của người dân phát triển, đã chiếm 10% diện tích đầm phá với khoảng 3.000 ha…

Khai thác thủy sản trên Phá Tam Giang – Ảnh: XT

Do chưa có hệ thống xử lý nước thải cùng với việc xả thải tùy tiện của các hộ nuôi tôm cá, hệ sinh thái và môi trường đầm phá Tam Giang ngày càng bị ô nhiễm trầm trọng. Người nuôi thường sử dụng thức ăn công nghiệp với liều lượng lớn, trên một đơn vị diện tích không phù hợp. Sự phát triển diện tích nuôi một cách ồ ạt cũng là nguyên nhân khiến cho nguồn nước nghèo chất dinh dưỡng và độ mặn, nhạt cũng bị thay đổi đột ngột. Ông Phạm Văn Lợi, Chi hội trưởng Chi hội Nghề cá huyện Phú Lộc cho biết: “Trước đây, ngư dân giặt lừ bằng tay nhưng giờ đây họ dùng hóa chất ngâm lừ khoảng vài tiếng sau đó dùng máy bơm nước lên để giặt. Thế là, bao nhiêu hóa chất trôi ra đầm phá”. Theo cơ quan chức năng, bên cạnh đó, mỗi hộ nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, mỗi vụ sử dụng 500 – 2.500 ml thuốc trừ sâu, khi trời mưa chúng đều trôi ra đầm phá…

Mấy năm lại đây, tỉnh Thừa Thiên – Huế đầu tư, triển khai xây dựng, khai thác tour du lịch đầm phá Tam Giang – Cầu Hai, một số ngư dân vùng đầm phá (các huyện Quảng Điền, Phú Vang) trở thành những người làm dịch vụ du lịch. Đường giao thông từ TP Huế xuống phá Tam Giang giờ rất thuận lợi nên cuối ngày, cuối tuần, nhiều người thường kéo đến đây thưởng thức đặc sản. Du lịch đã cải thiện cuộc sống của người dân. Dựa vào địa thế đầm phá, các nhà hàng nổi được dựng cách mặt nước khoảng 3 mét, nằm trên đầm phá, được làm bằng tre, chênh vênh trên sóng nước. Món ăn ở đây chủ yếu là hải sản. Muốn đi ra quán, phải dùng thuyền chèo từ bờ vòng vèo qua những hàng rào nò sáo của những khu nuôi tôm cá. Khách có thể chụp những bức ảnh phong cảnh sinh hoạt trên đầm.

Bên cạnh những lợi ích từ kinh tế đem lại, điều dễ nhận thấy nhất là tình trạng gia tăng ô nhiễm của đầm phá này. Sát bờ, những lớp rác thải, túi nilon, vật dụng du khách vứt bỏ nổi bập bềnh theo con nước lên xuống, tấp dạt đầy những nò sáo, cọc tre nhà chồ lô nhô.

>> Theo sử xưa, phá Tam Giang có tên là Thiển Hải, Hác Hải hay Hạt Hải – nghĩa là “biển cạn”. Phủ Biên tạp lục, Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí đều viết về sự đi lại nguy hiểm, khó khăn trên phá Tam Giang.

Vũ Hảo

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!