(TSVN) – Bộ NN&PTNT vừa ban hành Đề án Thúc đẩy hợp tác quốc tế và hội nhập kinh tế quốc tế trong NN&PTNT đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đẩy mạnh công tác huy động hiệu quả các nguồn lực và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế để nâng cao vị thế và uy tín của nông nghiệp Việt Nam.
Đề án được xây dựng dựa trên việc triển khai đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả các hoạt động đối ngoại, đưa các mối quan hệ đối ngoại đi vào chiều sâu, thực chất, thiết thực. Xác định nông nghiệp là lĩnh vực Việt Nam có thế mạnh cần tích cực, chủ động thúc đẩy tại các diễn đàn đa phương nhằm thực hiện chủ trương đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương của Việt Nam.
Phát huy tốt nhất lợi thế của nông nghiệp Việt Nam, xây dựng và nâng cao uy tín của ngành nông nghiệp Việt Nam, thúc đẩy phát triển bền vững và bao trùm cho Việt Nam, đóng góp vào các mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu. Đẩy mạnh công tác huy động hiệu quả các nguồn lực và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế để phát triển bền vững ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, nâng cao vị thế và uy tín của nông nghiệp Việt Nam.
Đồng thời, tận dụng tốt nhất các mối quan tâm toàn cầu về an ninh lương thực, an toàn sinh học, bền vững môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo tồn đa dạng sinh học; chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm theo hướng bền vững và các mối quan tâm khác…
Mục tiêu nhằm tham gia tích cực, chủ động, có trách nhiệm trong quá trình toàn cầu hóa, góp phần xây dựng và phát triển bền vững nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, nông nghiệp thông minh của Việt Nam. Nâng cao vị thế, hình ảnh, khả năng cạnh tranh của nền nông nghiệp và sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam trong nền nông nghiệp toàn cầu. Chủ động tham gia tích cực vào các hoạt động, sáng kiến nhằm giải quyết các thách thức của nông nghiệp toàn cầu. Cùng đó, phát huy tính chủ động, sáng tạo trong huy động nguồn lực con người, công nghệ, tài chính, thu hút đầu tư từ bên ngoài phục vụ cho sự phát triển nhanh và bền vững của nông nghiệp, nông thôn Việt Nam.
Phấn đấu đến năm 2030, xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 70 tỷ USD, mỗi ngành hàng chủ lực có ít nhất 1 nhãn hiệu hoặc thương hiệu được công nhận tại các thị trường trọng điểm.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký trong lĩnh vực nông nghiệp đạt 25 tỷ USD, trong đó có 30% dự án đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp xanh, kết nối nông dân và doanh nghiệp trong nước với chuỗi toàn cầu; Thu hút vốn vay đạt 5 tỷ USD, viện trợ không hoàn lại đạt 1 tỷ USD đến 2030 theo các ưu tiên của ngành NN&PTNT.
Dẫn đầu ít nhất 1 sáng kiến toàn cầu hoặc khu vực trong các lĩnh vực thương mại bền vững, tăng trưởng xanh và bao trùm, đổi mới sáng tạo, đối tác công tư, hợp tác Nam – Nam ngành NN&PTNT tại các Diễn đàn toàn cầu và khu vực (UN, FAO, WTO, WEF, APEC, ASEAN).
Mỗi năm chuyển giao ít nhất 1 công nghệ mới hoặc 1 mô hình tổ chức sản xuất mới từ nước ngoài cho ngành nông nghiệp và có ít nhất 200 lượt cán bộ, sinh viên, thực tập sinh được đào tạo, tập huấn tại nước ngoài trong lĩnh vực NN&PTNT.
Đồng thời, thúc đẩy hợp tác nông nghiệp với các nước châu Phi theo hình thức song phương hoặc ba bên, trước mắt là thực hiện thành công dự án 3 bên FAO – Sierra Leone – Việt Nam.
Để thực hiện được các mục tiêu đề ra, Đề án đặt ra ba nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm. Trước hết là chủ động hội nhập quốc tế, phát huy lợi thế tốt nhất của ngành nông nghiệp Việt Nam. Trong đó, nâng cao hiệu quả tận dụng các cam kết quốc tế của Việt Nam, chú trọng đến chất lượng, giá trị gia tăng, thương hiệu và tính bền vững, tác động lan tỏa để nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm, doanh nghiệp, Việt Nam thông qua việc tiếp tục chủ động tham gia đàm phán, ký kết các FTA, đặc biệt các FTA thế hệ mới; Xây dựng chương trình hài hòa hóa về hệ thống kiểm dịch và quản lý chất lượng sản phẩm, tiêu chuẩn môi trường và xã hội theo các công ước quốc tế và các nước có tiềm năng.
Nâng cao vị thế, khả năng cạnh tranh và thị phần của các ngành hàng nông lâm thủy sản Việt Nam tại các thị trường lớn và mức thu nhập cao (Mỹ, Trung Quốc, EU, Đông Bắc Á, Canada, Hàn Quốc, Úc-NZ) qua đó thúc đẩy chuyển đổi nông nghiệp Việt Nam theo hướng sinh thái, hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao, hỗ trợ tăng thu nhập cho người sản xuất. Nghiên cứu đa dạng hóa thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản sang ASEAN, Trung Đông, Liên minh kinh tế Á – Âu, châu Phi, châu Mỹ Latinh, tập trung vào các nước là đầu mối nhập khẩu của vùng, có GDP từ 200 tỷ USD trở lên. Xây dựng kế hoạch hành động để phát triển ngành nông nghiệp Halal tại Việt Nam.
Xây dựng thương hiệu nhà xuất khẩu nông lâm thủy sản có trách nhiệm – minh bạch – bền vững trên toàn cầu; Xây dựng, đăng ký và bảo hộ thương hiệu nông sản Việt Nam tại các thị trường trọng điểm; Xây dựng hệ thống phòng vệ thương mại, hệ thống cảnh báo sớm nhằm khai thác hiệu quả lợi ích và hạn chế đến mức thấp nhất tác động tiêu cực từ việc hội nhập kinh tế quốc tế.
Tăng cường quan hệ đối tác, xây dựng hình ảnh tốt đẹp về nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam. Trong đó, chủ động, tích cực tham gia đóng góp tại các khuôn khổ hợp tác đa phương thông qua việc đề xuất các sáng kiến hợp tác mới, phát huy vai trò nòng cốt thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực NN&PTNT tại các diễn đàn đa phương; tích cực tham gia thảo luận xây dựng các khuôn khổ, luật lệ phù hợp với quan tâm và lợi ích của Việt Nam, tăng cường đảm trách các trọng trách đa phương, ứng cử vào các vị trí quan trọng tại các tổ chức quốc tế có liên quan; thúc đẩy nội hàm hợp tác về NN & PTNT trong quan hệ song phương.
Đồng thời, tối ưu hóa việc huy động và sử dụng nguồn lực bên ngoài cho ngành NN&PTNT Việt Nam. Tăng cường thu hút nguồn vốn vay ODA cho các lĩnh vực ưu tiên, phù hợp với quy định hiện hành của Việt Nam; Tăng cường thu hút nguồn viện trợ không hoàn lại cho các lĩnh vực nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, đào tạo, nâng cao năng lực cho địa phương và tổ nhóm nông dân, phát triển cộng đồng, xây dựng nông thôn mới, logistics cho chuỗi giá trị nông nghiệp, chuyển đối số, chuyển đổi xanh, giảm phát thải, tích hợp đa giá trị, kết nối chuỗi, đối tác công – tư. Cùng đó, xây dựng tiêu chí thu hút FDI có chọn lọc cho ngành để thu hút dòng vốn FDI có chất lượng, giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối sản xuất trong nước với chuỗi sản xuất toàn cầu. Mặt khác, thúc đẩy quan hệ công chúng hiệu quả nâng cao hình ảnh, uy tín cho ngành nông nghiệp và sản phẩm nông nghiệp Việt Nam…
Phan Thảo