(TSVN) – Dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam đe dọa ảnh hưởng đến cuộc sống ngư dân địa phương. Việc tiêu thụ sản phẩm trên thị trường nội địa khó khăn có thể tác động tới hoạt động nuôi trồng, khai thác thủy, hải sản trong thời gian tới.
Dịch COVID-19 với những biến thể lây lan mạnh đã ảnh hưởng tới đời sống người dân trong nước thời gian vừa qua, đặc biệt bùng phát mạnh vào tháng 7/2021 ở các tỉnh phía Nam. Việc hạn chế đi lại, giãn cách xã hội, đóng cửa nhiều chợ đầu mối khiến sản phẩm thủy sản khó khăn hơn trong việc tiêu thụ.
Tại các tỉnh miền Trung, nơi nghề đánh bắt hải sản phát triển, do ngành du lịch đình đốn, tiêu thụ sản phẩm trở thành bài toán nan giải. Các ngư dân huyện Phú Vang, Thừa Thiên – Huế cho biết giá tôm, mực, cá đều giảm mạnh, khiến mỗi chuyến đi biển đã giảm từ 30 – 40% thu nhập so với năm ngoái. Ảnh hưởng của dịch COVID-19 không chỉ từ giá cả tiêu thụ sản phẩm mà những lo ngại người đi biển bị nhiễm COVID-19 cũng khiến giá nhân công tăng cao, ít người muốn đi biển dài ngày. Nhiều tàu cá nằm bờ không hoạt động. Thậm chí tại Nghệ An, biên chế mỗi tàu 12 nhân công, nay chỉ còn 8 nhân công nhưng vẫn phải ra khơi. Mặt khác, mùa mưa bão cũng đang đến rất gần khiến cho các ngư dân khó khăn chồng chất khó khăn.
Chợ đầu mối Bình Điền là trung tâm tiêu thụ thủy, hải sản lớn nhất miền Nam. Hầu hết các tỉnh từ Trung bộ đến ĐBSCL đều tiêu thụ sản phẩm từ chợ đầu mối này. Sau đó sản phẩm được phân bổ đi các chợ dân sinh, các siêu thị, cửa hàng tiện lợi… thậm chí vận chuyển ra các tỉnh phía Bắc. Nhưng do có các ca nhiễm COVID-19, chợ đầu mối Bình Điền triển khai nhiều biện pháp phòng chống dịch và phải tạm dừng đóng cửa. Theo thống kê, lượng hàng thủy hải sản về TP Hồ Chí Minh ngày 6/7 chỉ đạt 255,3 tấn, giảm 52,7% so với ngày trước đó. Người nông dân vùng ĐBSCL đang rất lo lắng về đầu ra các sản phẩm như tôm, cá tra, cá điêu hồng, cua.
Việc vận chuyển thủy, hải sản giữa các tỉnh thành đang xảy ra dịch COVID-19 cũng không hề dễ dàng. Ngày 7/7, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Bạc Liêu ra văn bản hướng dẫn vận chuyển hàng hóa ra, vào tỉnh. Trong đó, đề nghị tất cả các xe vận chuyển hàng hóa từ vùng có dịch về Bạc Liêu tài xế và phụ xe không được bước xuống đất trong quá trình vận chuyển và phải có giấy xét nghiệm âm tính với COVID-19. Hiện các tỉnh, thành khuyến khích bà con tiêu thụ sản phẩm qua kênh thương mại điện tử, đồng thời đề nghị đẩy nhanh việc xây dựng các kho lạnh thủy sản, mở thêm các kênh tiêu thụ sản phẩm.
Sản phẩm thủy sản tiêu thụ nội địa đa số là sản phẩm tươi sống, không qua chế biến, sản phẩm đông lạnh. Với việc giãn cách xã hội, giao thương vận tải giữa các tỉnh thành trở nên khó khăn, rõ ràng việc mua tích trữ sản phẩm cho người nuôi trồng, tránh sản phẩm rớt giá là rất cần thiết.
Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, cả nước hiện có 48 kho lạnh làm dịch vụ bảo quản nông thủy sản với công suất khoảng 700.000 palet và hàng nghìn kho lạnh với tổng công suất bảo quản ước đạt 2 triệu tấn tuy nhiên, đa số các kho lạnh này phục vụ cho xuất khẩu. Mặc dù giá lưu kho lạnh đang tăng từ 20 – 25% so với đầu năm ngoái, với khoảng 1,2 – 2 triệu đồng/tấn/ngày, nhưng để tìm hệ thống kho lạnh phục vụ tiêu thụ thủy hải sản nội địa là rất khó khăn.
Được biết, TP Hồ Chí Minh có dự án xây dựng trung tâm tiêu thụ sản phẩm thủy sản lớn tầm cỡ Đông Nam Á, với hệ thống kho lạnh rất lớn, nhưng dự án này vì nhiều lý do hiện vẫn chưa triển khai được. Cách tỉnh, thành như: Bà Rịa – Vũng Tàu, Bạc Liêu, Long An đều đang kêu gọi tiêu thụ sản phẩm cho ngư dân, tăng cường các kênh phân phối đưa sản phẩm đến người tiêu dùng.
TP Hồ Chí Minh đang thực hiện giãn cách xã hội, thậm chí các điểm bán đồ ăn mang về cũng bị buộc đóng cửa. Nhưng thành phố này cũng đang tìm giải pháp để tiêu thụ sản phẩm cho người nông dân và đáp ứng nhu cầu ăn uống của người dân thành phố bằng việc mở rộng tiêu thụ thực phẩm, các món ăn qua chế biến tại các siêu thị và chuỗi cửa hàng tiện lợi.
Hy vọng việc tiêu thụ sản phẩm thủy sản sẽ sớm được khai thông tại TP Hồ Chí Minh và tỉnh thành bị ảnh hưởng vì đại dịch COVID-19; đồng thời Nhà nước và các ban ngành cũng sớm có những chính sách hỗ trợ cho người lao động trong đó có các ngư dân bị ảnh hưởng vì đại dịch thế kỷ này.
Trần Nguyễn