(TSVN) – Nguồn lợi hải sản ngày một suy giảm, chi phí đi biển tăng, nhất là giá xăng dầu tăng cao, những kinh nghiệm truyền thống của ngư dân không còn phát huy được hiệu quả như mong muốn. Vì vậy, ngoài việc đầu tư tăng năng lực sản xuất, bản tin dự báo ngư trường trở thành công cụ hỗ trợ giúp ngư dân thuận lợi trong quá trình khai thác hải sản trên biển.
Với các tàu, thuyền đánh bắt thủy sản xa bờ, truyền thống lâu nay, ngư dân vẫn thường hoạt động theo tổ đội và khi khai thác trên biển sẽ thường xuyên thông tin cho nhau về ngư trường để đánh bắt, nâng cao hiệu quả khai thác, giảm chi phí. Những năm gần đây, do nguồn lợi thủy sản giảm, chi phí đi biển tăng, những kinh nghiệm truyền thống của ngư dân không còn phát huy được hiệu quả như mong muốn. Trước thực trạng này, ngoài việc đầu tư tăng năng lực sản xuất như trang bị máy móc, thiết bị công nghệ mới và nâng cao tay nghề lao động, các thông tin dự báo ngư trường đã được ngư dân quan tâm nhiều hơn.
Theo đại diện Viện Nghiên cứu Hải sản (Bộ NN&PTNT), muốn đem lại hiệu quả cao trong khai thác hải sản, ngoài đầu tư trang thiết bị kỹ thuật hiện đại, lực lượng lao động và năng lực quản lý phù hợp mà còn rất cần sự đóng góp của khoa học nghề cá, trong đó dự báo ngư trường khai thác là yêu cầu cấp thiết. Xuất phát từ thực tiễn đó, cũng như để nâng cao hiệu quả trong khai thác hải sản, trong giai đoạn 2018 – 2021 một đề tài cấp Nhà nước, nghiên cứu dự báo ngư trường khai thác nguồn lợi cá nổi nhỏ biển Việt Nam đã được triển khai. Qua 3 năm thực hiện, đề tài đã thực hiện đầy đủ các nội dung nghiên cứu, đã xây dựng, phát triển, hoàn thiện và cập nhật hệ thống thông tin các cơ sở dữ liệu phục vụ dự báo ngư trường khai thác nguồn lợi cá nổi nhỏ ở biển Việt Nam.
Một ngư dân tại phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi cho biết, trước đây, ngư dân thường theo dõi bản tin dự báo ngư trường trên Đài Tiếng nói Việt Nam và sóng radio để phán đoán vị trí, trữ lượng cũng như chủng loại cá, mực. Hiện nay, bản tin này không còn, việc tìm luồng cá phụ thuộc chủ yếu vào kinh nghiệm đi biển nên hiệu quả khai thác thấp. Theo các ngư dân, ngoài kinh nghiệm hoạt động trên biển, rất cần sự hỗ trợ từ thiết bị máy móc và thông tin dự báo ngư trường. Một số chủ tàu có điều kiện đã trang bị các thiết bị hỗ trợ như máy dò cá đứng, máy dò cá ngang, máy định dạng, định vị… Với những ngư dân khai thác hải sản xa bờ, việc duy trì hoạt động theo tổ, đội vừa kịp thời giúp nhau lúc rủi ro, vừa chia sẻ thông tin về ngư trường có nhiều hải sản, để giảm chi phí và nâng cao hiệu quả khai thác.
Mặc dù thời gian qua, nguồn thông tin xây dựng dự báo ngư trường do Viện Nghiên cứu Hải sản chủ trì thực hiện và đăng tải trên trang thông tin điện tử của đơn vị và Tổng cục Thủy sản, in tờ rơi phát cho ngư dân, hoặc phát trên sóng phát thanh… nhưng phần nào chưa phát huy hiệu quả như mong muốn.
Bởi theo chia sẻ của một số ngư dân tại tỉnh Quảng Ngãi, các trang thông tin điện tử thì ngư dân không thể thường xuyên truy cập vì chất lượng mạng kết nối thông tin trên biển không đảm bảo. Trong khi đó, Chi cục Thủy sản Quảng Ngãi cho rằng, bản tin dự báo ngư trường là sự kết hợp giữa dữ liệu khai thác (sản lượng, đối tượng, vùng…) từ cảng cá, bến cá với số liệu điều tra về nguồn lợi thủy sản, điều kiện môi trường, số lượng và công suất tàu tham gia khai thác… nhưng công tác dự báo ngư trường chỉ tập trung khu vực gần bờ, chưa quan tâm ở vùng biển xa; việc điều tra nguồn lợi không được thực hiện thường xuyên, dẫn đến thông tin chưa đáp ứng thực tiễn sản xuất của ngư dân.
Còn theo ông Võ Văn Long, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Nam, trước đây ngành chức năng phát bản tin dự báo ngư trường, nguồn lợi qua sóng truyền thanh ở Núi Thành và Hội An để giúp ngư dân sản xuất thuận lợi hơn. Bản tin này là kết tinh các thông tin ngư dân ghi chép được cộng với bản tin dự báo ngư trường của Trung ương gửi về. Nay do thiếu nguồn nhân lực là cán bộ của Chi cục Thủy sản và đội ngũ cộng tác viên ở các địa phương nghề cá nên dừng bản tin.
Để hoạt động khai thác thủy sản được thuận lợi hơn, Sở NN&PTNT Quảng Ngãi đã chỉ đạo Chi cục Thủy sản tỉnh, Ban Quản lý Các cảng cá tỉnh tăng cường thực hiện chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác, tuyên truyền để ngư dân chấp hành tốt việc ghi nhật ký khai thác thủy sản (thời gian thực hiện chuyến biển, vị trí thả lưới, chi phí chuyến biển, doanh thu…), giúp cơ quan chức năng xây dựng các bản tin dự báo ngư trường, nguồn lợi thủy sản kịp thời và chính xác hơn. Đồng thời, kiến nghị Bộ NN&PTNT xem xét phát bản tin dự báo ngư trường trên các kênh vô tuyến kết nối với radio trên tàu cá, để ngư dân nắm bắt và cập nhật liên tục thông tin về ngư trường, giúp việc sản xuất thuận tiện và hiệu quả hơn.
Tổng cục Thủy sản hàng tháng đều có bản tin dự báo ngư trường đăng trên website của ngành. Ngư dân cả nước đều có thể cập nhật phục vụ quá trình khai thác hải sản trên biển để rút ngắn thời gian chuyến biển, giảm chi phí đầu vào, sản xuất đạt hiệu quả. Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả hơn nữa theo các ngư dân, nên chăng bản tin ngư trường được phát thanh viên đọc, phát lên các kênh vô tuyến kết nối với radio trên tàu cá để giúp ngư dân liên tục được nhận, sản xuất thuận tiện hơn.
Diệu An