T3, 19/11/2024 08:04

Phát huy nội lực của nông dân, khai thác du lịch bằng chính năng lực của họ

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Chiều ngày 19/11, Bộ NN&PTNT phối hợp với UBND tỉnh Hòa Bình tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp với chủ đề “Khuyến nông gắn với du lịch nông nghiệp, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững”.

Diễn đàn nhằm nâng cao nhận thức cho cộng đồng về tầm quan trọng và giá trị tích hợp của du lịch nông nghiệp, nông thôn; tạo cơ hội để các cơ quan quản lý, các địa phương cùng các chuyên gia thảo luận về những vấn đề cần tháo gỡ, chia sẻ những kinh nghiệm hay, cách làm hiệu quả trong phát triển du lịch nông nghiệp. Từ đó, đưa ra các chương trình hành động cụ thể trong triển khai các hoạt động khuyến nông gắn với phát triển du lịch nông nghiệp, góp phần vào việc tăng trưởng xanh và phát triển bền vững ở Việt Nam.

Du lịch nông nghiệp, không mới nhưng vẫn non trẻ

Hòa Bình được thiên nhiên ưu đãi ban tặng vùng hồ sông Ðà có đầy đủ vịnh, đảo được ví như “Vịnh Hạ Long trên cạn”. Nơi đây chứa đựng tiềm năng phát triển nuôi trồng thuỷ sản và phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và du lịch cộng đồng. Những năm gần đây, Hòa Bình luôn ưu tiên nguồn lực cho phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn gắn với tiềm năng, thế mạnh, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của tỉnh.

Ông Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình nêu bật những tiềm năng, lợi thế của tỉnh trong phát triển du lịch. 

Phát triển du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp không phải là khái niệm mới mà đã phát triển hiệu quả ở trong và ngoài nước. Tuy nhiên, ông Đinh Công Sứ – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình cho biết, thực tế trên địa bàn tỉnh mới chỉ dừng lại ở những mô hình nhỏ, để trở thành sản phẩm du lịch phát triển còn rất nhiều khó khăn cần có sự bắt tay xây dựng của các bên từ người dân, các cấp chính quyền địa phương, các cơ quan chuyên môn.

Phát biểu tại Diễn đàn, bà Nguyễn Thị Lan Hương, đại diện Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), nhận định rằng dù đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận, việc phát triển du lịch nông nghiệp vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức. Trong đó, nổi bật là sự thiếu hụt các quy định và hướng dẫn cụ thể về loại hình farmstay cũng như du lịch nông nghiệp nói chung. Bà cho rằng hệ thống pháp luật hiện hành còn tồn tại nhiều điểm bất cập và thiếu sự thống nhất, chưa tạo được môi trường thuận lợi để người dân địa phương tham gia vào hoạt động du lịch một cách hiệu quả.

Cục Kinh tế Hợp tác và Phát triển Nông thôn (Bộ NN&PTNT) cũng nhấn mạnh rằng, thời gian qua, hoạt động du lịch nông nghiệp, nông thôn tại các trang trại và hợp tác xã chủ yếu mang tính tự phát, quy mô nhỏ lẻ và chưa nhận được sự đầu tư đúng mức. Điều này đặt ra yêu cầu cấp bách về việc xây dựng các chính sách và giải pháp đồng bộ, nhằm khai thác tối đa tiềm năng của loại hình du lịch này. Bên cạnh đó, việc phát triển du lịch nông nghiệp cũng cần gắn liền với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, góp phần vào sự phát triển bền vững trong thời gian tới.

Cần xác định “nông dân là chủ thể của hoạt động”

Tại Diễn đàn, các đại biểu đã được lắng nghe những tham luận đầy tâm huyết về kinh nghiệm thực tiễn và giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch nông nghiệp, hướng tới tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia Lê Quốc Thanh chủ trì phiên thảo luận tại Diễn đàn. 

Đại diện Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn nhấn mạnh rằng, để du lịch nông thôn phát triển hiệu quả, cần đảm bảo ba yếu tố chính. Thứ nhất là đa giá trị, tức kết hợp hài hòa giữa kinh tế, văn hóa và sinh thái. Thứ hai là bền vững, thông qua bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, tài nguyên thiên nhiên. Cuối cùng là tính bao trùm, nhằm tạo cơ hội tham gia và mang lại lợi ích cho mọi thành phần trong xã hội.

Ở góc độ khác, PGS.TS Bùi Thị Nga, đại diện Học viện Nông nghiệp Việt Nam, nhấn mạnh vai trò của cộng đồng trong phát triển du lịch nông nghiệp. Bà cho rằng cần chú trọng việc chia sẻ lợi ích và trách nhiệm giữa các hộ dân làm du lịch. Việc phân công rõ ràng giữa các đơn vị cung cấp dịch vụ, đảm bảo lợi ích phù hợp giữa những người hưởng lợi trực tiếp và các thành viên khác trong cộng đồng, cũng như giữa các chủ thể như doanh nghiệp, chính quyền và người dân, là yếu tố then chốt để phát triển bền vững.

Trong phần điều hành thảo luận, ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, đặt vấn đề: “Khuyến nông cần làm gì để tham gia hiệu quả vào phát triển du lịch nông nghiệp?”. Ông dẫn chứng rằng, dù Việt Nam sở hữu tiềm năng du lịch rất lớn, nhưng sự phát triển hiện tại vẫn chưa tương xứng. Đặc thù của nông nghiệp du lịch đòi hỏi sự bổ trợ lẫn nhau: người làm du lịch cần hiểu về nông nghiệp, còn người làm nông nghiệp cũng cần nắm kiến thức về du lịch.

Ông Thanh nhấn mạnh, nông dân chính là chủ thể của hoạt động này, và họ cũng chính là giá trị cốt lõi để tạo nên những sản phẩm độc đáo, mang đậm bản sắc địa phương. Ông chia sẻ: “Khi chúng ta đặt người nông dân làm trung tâm và tạo ra các sản phẩm từ chính không gian nông thôn, quá trình thực hiện sẽ trở nên khả thi hơn.”

Đồng thời, ông khẳng định rằng, khuyến nông không chỉ là lý thuyết trong phòng học, mà phải là sự đồng hành chặt chẽ, bám sát đời sống bà con nông dân. “Du lịch nông nghiệp muốn bền vững phải gắn với tri thức bản địa, xuất phát từ nông dân và cộng đồng,” ông Thanh nhấn mạnh.

Các đại biểu tham dự Diễn đàn chiều 19/11 tại Hòa Bình.

Hiện nay, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đang triển khai 10 dự án khuyến nông kết hợp giữa chuyển giao kỹ thuật sản xuất nông nghiệp và tích hợp các hoạt động du lịch. Những dự án này không chỉ nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm, cải thiện hiệu quả sản xuất, mà còn góp phần bảo vệ môi trường sinh thái. Đây là những bước đi cụ thể nhằm hiện thực hóa mô hình phát triển bền vững theo định hướng: “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”.

Thùy Khánh

Thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững đến năm
2030, tầm nhìn 2045 (đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt), Bộ NN&PTNT đã ban hành Kế hoạch hành động triển khai Chiến lược, trong đó khẳng định:
Phát triển du lịch nông thôn được xác định là một trong những giải pháp căn cơ,
động lực thúc đẩy xây dựng nông thôn mới bền vững, góp phần phát huy lợi thế, giá trị khác biệt của nông nghiệp, nông thôn và nông dân; đồng thời nông thôn mới là nền tảng hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển đa dạng, bền vững của du lịch nông nghiệp, nông thôn. 

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!