Phát huy thế mạnh nuôi cá nước lạnh hiệu quả, bền vững

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Trong hai ngày (28 – 29/11), tại TP. Lào Cai, tỉnh Lào Cai, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở NN&PTNT tỉnh Lào Cai tổ chức diễn đàn khuyến nông @ nông nghiệp chủ đề Phát triển nuôi cá nước lạnh hiệu quả và bền vững tại các tỉnh phía Bắc.

Tiềm năng song hành cùng thách thức

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết: Tại Việt Nam, từ năm 2004, 2005 cá hồi vân và cá tầm được Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I nhập khẩu trứng cá đã thụ tinh về nuôi thử nghiệm thành công tại huyện Sa Pa (nay là thị xã Sa Pa), tỉnh Lào Cai. Nghề nuôi cá nước lạnh mang lại hiệu quả kinh tế rất cao cho bà con, với giá trị sản xuất trung bình từ 20 – 25 tỷ đồng/ha, gấp rất nhiều lần so với các ngành sản xuất nông nghiệp khác.

Khai thác tiềm năng các thủy vực nước lạnh, hiện nay, cá nước lạnh (chủ yếu là cá tầm) đã được nuôi tại 21 tỉnh, chủ yếu tại khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên. Sản lượng cá nước lạnh tăng nhanh, năm 2023 đạt hơn 4.668 tấn.

Trong đó, Lâm Đồng và Lào Cai đã trở thành vùng phát triển sản xuất cá nước lạnh nhanh và lớn nhất, nơi tập trung nhiều cơ sở nuôi có quy mô lớn. Sản lượng cá tầm nuôi trong nước 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 1.966 tấn, riêng tỉnh Lào Cai đạt 665 tấn.
Hiện tại thức ăn sản xuất trong nước đã cung cấp được khoảng 95% cho nhu cầu của người nuôi cá nước lạnh (chỉ còn phải nhập khẩu cám cho cá ương và cá giống).

Mặc dù có nhiều tiềm năng song để phát triển nuôi cá nước lạnh tại các tỉnh vùng núi phía Bắc còn gặp nhiều khó khăn, thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai, lũ ống, lũ quét, hạn hán. Bên cạnh đó, việc nuôi cá nước lạnh tại các tỉnh phía Bắc còn có nhiều tồn tại như sản xuất không theo quy hoạch, liên kết còn lỏng lẻo, thiếu tính ràng buộc; quy mô, phạm vi liên kết còn nhỏ, sản phẩm chế biến chưa đa dạng, thiếu nguồn giống…

Phát triển bền vững

Nhờ đem lại hiệu quả kinh tế cao nên thời gian qua, nghề nuôi cá nước lạnh được các địa phương, Bộ NN&PTNT và các địa phương có tiềm năng nuôi cá nước lạnh đã ban hành các văn bản pháp quy về phát triển cá nước lạnh. Trong đó, Bộ đã phê duyệt Quy hoạch phát triển cá nước lạnh đến năm 2020, tầm nhìn 2030; Chương trình quốc gia phát triển nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2021 – 2030; Kế hoạch hành động của Bộ NN&PTNT thực hiện Chương trình quốc gia phát triển nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2021 – 2030.

Toàn cảnh Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp với chủ đề Phát triển nuôi cá nước lạnh hiệu quả và bền vững tại các tỉnh phía Bắc sáng ngày 29/11 tại Lào Cai. Ảnh: Thu Trang

Thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã triển khai các giải pháp cụ thể về hoạt động xây dựng mô hình, dự án khuyến nông; đa dạng nội dung và hình thức truyền thông theo hướng “mở”, lấy người nuôi là trung tâm; Thay đổi cách tiếp cận và tư duy trong đào tạo, tập huấn để phù hợp với nhu cầu thực tiễn nuôi thủy sản nước lạnh tại các địa phương; Phát triển các loại hình tư vấn, dịch vụ khuyến nông theo nhu cầu sản xuất.

Theo ông Đặng Xuân Trường, Trưởng phòng Khuyến ngư, Trung tâm Khuyến nông quốc gia, thời gian tới, Bộ NN&PTNT tổ chức các lớp tập huấn về quy trình phòng trừ dịch bệnh, kiểm dịch cho cá nước lạnh; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ việc nhập lậu các sản phẩm cá nước lạnh.
Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia Hoàng Văn Hồng nhấn mạnh, để phát triển nuôi cá nước lạnh hiệu quả và bền vững, đáp ứng được nhu cầu thị trường, các địa phương phối hợp với cơ quan chức năng và cá nhân, tập thể tổ chức sản xuất một cách bài bản, phát triển đồng bộ và có quy hoạch, tránh việc tranh chấp nguồn nước; đẩy mạnh hình thức liên kết chuỗi sản xuất, tuân thủ quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt…

“Để phát triển bền vững nghề nuôi cá nước lạnh không thể thiếu sự đồng hành của các doanh nghiệp trong việc cung cấp các giải pháp công nghệ, thức ăn, con giống vật tư đầu vào và đơn vị thu mua chế biến. Tăng cường truyền thông giới thiệu các mô hình nuôi cá nước lạnh hiệu quả thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu để nhân rộng...” - ông Hoàng Văn Hồng, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia.

Ngọc Diệp

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!