(TSVN) – Tôm sú (Penaeus monodon) là một loài có giá trị kinh tế cao. Thế mạnh của tôm sú là ít bị cạnh tranh hơn TTCT và có thể áp dụng nhiều hệ thống chứng nhận, phục vụ đa dạng thị trường.
Theo Cục Thủy sản, diện tích nuôi tôm nước lợ của Việt Nam năm 2023 là 737 nghìn ha, trong đó, diện tích nuôi tôm sú là 626 nghìn ha, diện tích nuôi TTCT là 115 nghìn ha. Sản lượng nuôi tôm nước lợ năm 2023 đạt 1,12 triệu tấn, trong đó, sản lượng tôm sú đạt 274 nghìn tấn và TTCT là 845 nghìn tấn. Diện tích nuôi gấp 5 lần nhưng sản lượng chỉ đạt 1/3, đó là lý do nhiều người bắt đầu từ bỏ tôm sú để chuyển sang nuôi TTCT.
Mặt khác, các vấn đề về chọn giống, chọn lọc gen của tôm sú cũng không được quan tâm, đầu tư nhiều như TTCT. Mỗi năm có khoảng 100 – 120 tỷ tôm TTCT được bán ra nhưng số lượng tôm sú chỉ khoảng 30 – 35 tỷ. Cùng đó, thời gian nuôi dài, lợi nhuận trên 1 diện tích đất kém, không thể nuôi siêu thâm canh là những yếu tố khiến tôm sú dần lép vế và nhường chỗ cho TTCT trong hơn 10 năm trở lại đây.
Ở nước ta, nuôi tôm sú tập trung chủ yếu tại 3 tỉnh: Cà Mau, Kiên Giang và Bạc Liêu. Các mô hình nuôi tôm sú phần lớn là nuôi quảng canh, quảng canh kết hợp (tôm – lúa, tôm – rừng,…) và quảng canh cải tiến. Số diện tích nuôi tôm sú theo mô hình bán thâm canh và thâm canh hiện còn rất ít, tập trung chủ yếu tại các tỉnh có diện tích nuôi tôm sú ít như: Sóc Trăng, Trà Vinh,…
Năng suất tôm sú ở mô hình quảng canh hay quảng canh kết hợp bình quân chỉ vào khoảng 350 – 500 kg/ha, còn nuôi quảng canh cải tiến cũng chỉ 1 – 2 tấn/ha. Đây là nguyên nhân lý giải vì sao, diện tích nuôi tôm sú chiếm tỷ lệ lớn nhưng sản lượng lại rất thấp so với TTCT.
Cho đến lúc này có thể khẳng định con tôm sú vẫn có một vị trí và lợi thế cạnh tranh nhất định đối với ngành tôm Việt Nam trên thị trường, dù hiện tại đa số người tiêu dùng các nước đã quen với TTCT.
Mặc dù sản lượng thấp nhưng nếu xét về tỷ suất lợi nhuận trên vốn đầu tư thì hiệu quả từ mô hình nuôi tôm sú là rất cao, nhất là các mô hình nuôi quảng canh hay quảng canh kết hợp.
Anh Nguyễn Văn Mực, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang, chia sẻ: “Ở đây, tôi nuôi tôm sú theo mô hình tôm – lúa, nên gần như chỉ tốn tiền mua con giống và cải tạo mương bao. Do đó, chỉ cần năng suất tôm nuôi đạt 500 – 700 kg/ha và tôm có giá thì lợi nhuận 50 – 70 triệu, thậm chí là trên 100 triệu. Sau đó, mình lấp lại bằng vụ lúa ST25 và thả thêm tôm càng xanh cũng có thêm 50 – 70 triệu nữa. Tính chung mô hình này mỗi năm kiếm khoảng 100 triệu đồng/ha là không khó nếu thời tiết và thị trường thuận lợi”.
Còn anh Mã Văn Hồng, Giám đốc hợp tác xã Nông ngư Hòa Đê, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng thì khẳng định: “Tôm – lúa, với con tôm sú là chủ lực, cũng là mô hình an toàn và có tính bền vững nhất”. Theo anh Hồng, với mô hình này, anh chỉ thả nuôi với mật độ khoảng 3 con/m², có bổ sung thức ăn, nên tôm lớn rất nhanh và ít dịch bệnh. Kết hợp với điều kiện thu tỉa, thả bù, nên mỗi khi vụ nuôi thuận lợi, năng suất cũng được 1 – 2 tấn/ha.
Ông Hồ Quốc Lực – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Sao Ta cho rằng, dù sản lượng tôm sú chỉ khoảng 300.000 tấn nhưng cũng tạo nên một lợi thế nhất định cho ngành tôm Việt Nam, khi giúp các doanh nghiệp đáp ứng được yêu cầu của các nhà nhập khẩu trong việc đa dạng nguồn cung ứng.
Cũng theo ông Lực, đối với con tôm sú, một vấn đề quan trọng và có tính quyết định đến hiệu quả nghề nuôi chính là kích cỡ tôm khi thu hoạch. Để bán được với giá cao, ngoài việc đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, nuôi đạt chuẩn quốc tế ra, kích cỡ tôm sú nhỏ nhất cũng phải vào cỡ 30 con/kg vì tôm sú càng lớn, giá bán càng cao. Tất nhiên, tôm sú hay TTCT đều phải chịu sự chi phối về giá của quy luật cung – cầu thị trường, nhưng nếu chúng ta duy trì được sản lượng hợp lý, chất lượng tốt, kích cỡ đáp ứng yêu cầu thị trường sẽ ít bị ảnh hưởng hơn.
Những năm gần đây, xu hướng chuyển sang nuôi TTCT tăng nhanh, sản lượng TTCT ở ĐBSCL đã vượt tôm sú. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, tôm sú vẫn được ưa chuộng ở một số thị trường lớn như Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Australia, Dubai, Singapore,... với tính ổn định cao.
Để phát triển nghề nuôi tôm sú một cách hiệu quả và bền vững vấn đề quan trọng là chúng ta phải có con giống tốt, lớn nhanh, thức ăn đảm bảo chất lượng và giá thành hợp lý. Đặc biệt, cần có giải pháp khoa học công nghệ để nâng năng suất tôm sú trong các mô hình nuôi lên cao hơn nữa, gắn với hình thức nuôi theo chuẩn quốc tế, như: ASC, BAP, hữu cơ hay sinh thái,…
Mặt khác, diện tích thả nuôi tôm sú hàng năm cần được cập nhật và thông tin đầy đủ để các doanh nghiệp có thể nắm được, nhằm chủ động trong việc ký kết hợp đồng xuất khẩu, tránh tình trạng sản lượng nhiều nhưng đầu ra hạn chế khiến tôm nuôi bị giảm giá.
Theo ông Lê Văn Quang – Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, muốn phát triển nuôi tôm sú hiệu quả, nhất thiết phải có con giống kháng bệnh để tăng tỷ lệ sống của tôm nuôi trước những biến động thường xuyên của môi trường nước tự nhiên. Ông Quang dẫn chứng: “Việt Nam có con tôm sú là con tôm bản địa, thế nhưng do không được gia hóa, chọn lọc nên nguồn giống dần dần bị thoái hóa, khả năng cạnh tranh rất kém. Từ mức trọng lượng bình quân 15 – 20 con/kg hiện chỉ khoảng 20 – 30 con/kg. Ngược lại con TTCT sau khi được gia hóa đến nay có thể nuôi đạt trọng lượng 20 – 25 con/kg một cách dễ dàng. Nếu tôm sú được gia hóa để có tốc độ phát triển như TTCT thì lợi thế của tôm sú là rất lớn và tôm sú sẽ phát triển tốt hơn TTCT”.
Là một địa phương có tiềm năng phát triển tôm sú lớn trong khu vực với chủ lực là mô hình tôm – lúa, ông Quảng Trọng Thao – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Kiên Giang đặt vấn đề: “Nếu phát triển tốt mô hình nuôi tôm sú theo tôm – lúa một cách chuẩn mực sẽ rất dễ đạt các chứng nhận quốc tế. Làm tốt vấn đề này, chúng ta sẽ tạo được sự khác biệt cho con tôm Việt Nam trên thị trường quốc tế thông qua việc sản xuất vì môi trường, vì xã hội và đáp ứng đa chứng nhận. Khi đó, mỗi khi có nhu cầu sử dụng tôm là người tiêu dùng sẽ luôn nhớ đến con tôm Việt Nam”.
Ông Trần Đình Luân – Cục trưởng Cục Thủy sản, nhấn mạnh: “Muốn phát triển tốt và có hiệu quả nghề nuôi tôm sú theo chuẩn quốc tế gắn với xây dựng thương hiệu tôm Việt Nam dứt khoát phải tổ chức lại sản xuất và thực hiện tốt khâu liên kết chuỗi. Vấn đề tiếp theo là công tác chuyển giao khoa học công nghệ cần thay đổi nội dung phương thức tập huấn, đào tạo để làm sao trong thời gian ngắn nhất chúng ta có thể xây dựng được thương hiệu tôm quốc gia”.
Ông Huỳnh Ngọc Nhã, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Sóc Trăng
Chọn mô hình nuôi phù hợp
Tuy năng suất, sản lượng tôm sú không cao bằng TTCT, nhưng tôm sú dễ nuôi, chi phí đầu tư thấp, giá bán cao và thị trường ổn định nên hàng năm, các vùng nuôi của tỉnh đều thả nuôi một tỷ lệ nhất định, thường khoảng 40 - 45%. Tùy theo điều kiện vùng nuôi, khả năng đầu tư, các hộ nuôi chọn cho mình mô hình nuôi phù hợp, như: Nuôi thâm canh, bán thâm canh hay tôm - lúa,… nên hiệu quả hàng năm đều khá cao.
Ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Cà Mau
Tập trung tái cơ cấu
Tôm sú Cà Mau đã đạt nhiều chứng nhận quốc tế như: ASC, B.A.P, Global GAP,... Mục tiêu của tỉnh đến năm 2025, phấn đấu có khoảng 60.000 ha tôm - rừng, tôm - lúa được cấp chứng nhận tiêu chuẩn tôm sạch quốc tế. Hiện ngành nông nghiệp Cà Mau đang tập trung để tái cơ cấu mô hình nuôi tôm sú gắn với các tiêu chuẩn quốc tế nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng và lợi thế của tỉnh.
An Xuyên