“Phất” lớn nhờ cá rô phi đơn tính

Chưa có đánh giá về bài viết

(Thủy sản Việt Nam) – Những năm gần đây, rô phi đơn tính đang được các tỉnh phía Bắc quan tâm mở rộng diện tích nuôi, kể cả nuôi ghép với cá truyền thống và nuôi chuyên canh. Nhiều dự án chuyển từ đất trũng cây lúa hiệu quả thấp sang nuôi thủy sản tập trung, trong đó nhiều mô hình đã chọn rô phi đơn tính vào nuôi chuyên canh mang lại hiệu quả kinh tế cao. Điển hình của phong trào này là tỉnh Hải Dương.

Ông Nguyễn Quang Trung (phải) - Bí thư Đảng ủy xã Phú Điền (huyện Nam Sách) giới thiệu mô hình nuôi cá của mình với Chủ tịch HNC huyện Nam Sách, ông Trần Văn Đương (giữa)

Ông Nguyễn Quang Trung (phải) – Bí thư Đảng ủy xã Phú Điền

(huyện Nam Sách)giới thiệu mô hình nuôi cá của mình với

Chủ tịch HNC huyện Nam Sách, ông Trần Văn Đương (giữa)

 

Tiềm năng lớn

 

Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), năm 2009 các tỉnh phía Bắc đã khai thác được hơn 201.000 ha mặt nước nuôi trồng thủy sản nước ngọt, năng xuất bình quân đạt gần 2 tấn/ha, sản lượng gần 400.000 tấn. Trong đó, diện tích nuôi rô phi đơn tính khoảng 7.000 ha, năng xuất 5 – 7 tấn/ha, sản lượng 40.000 tấn. Giá bán buôn rô phi đơn tính thương phẩm trên thị trường nội địa đạt 19.000 – 23.000 đồng/kg, tương đương các loại cá truyền thống khác. Song nuôi cá rô phi đơn tính có ưu điểm ở chỗ thời gian nuôi ngắn, chỉ khoảng 6 – 8 tháng có thể xuất bán, trong khi các loại cá khác phải nuôi 18 – 24 tháng. Vì thế, nhiều hộ gia đình chọn nuôi cá rô phi đơn tính cho hiệu quả kinh tế cao hơn.

 

Năm 2005, tỉnh Hải Dương mới có vài mô hình nuôi thí điểm cá rô phi đơn tính với diện tích khiêm tốn 10 ha, chiếm chưa đầy 16% diện tích nuôi thủy sản toàn tỉnh, năng suất bình quân 5,2 tấn/ha. Đến nay, tỉnh Hải Dương có hơn 3.400 ha nuôi cá rô phi đơn tính chuyên canh, chiếm 1/3 tổng diện tích mặt nước được khai thác để nuôi thủy sản nước ngọt của tỉnh, năng suất đạt 6 tấn/ha, sản lượng năm 2009 lên đến 19.000 tấn, cao nhất miền Bắc. Nhờ hình thành các vùng nuôi rô phi đơn tính chuyên canh, luôn có sản lượng tung ra thị trường vào mọi thời điểm nên tại Hải Dương đã hình thành chợ đầu mối cung cấp cá rô phi.

 

 

Phất lên nhờ cá

 

Từ hiệu quả mà rô phi đơn tính mang lại, trong các năm qua tỉnh Hải Dương đều chú trọng đến việc xây dựng các mô hình nuôi rô phi đơn tính cao sản, rô phi đơn tính dòng Sudan nhân ra diện rộng, trong đó Tứ Kỳ và Nam Sách là hai huyện “điểm”. Theo ông Trần Văn Đương, Chủ tịch HNC huyện Nam Sách: “Cá rô phi đơn tính đang được rất nhiều hộ đưa vào nuôi thử mang lại hiệu quả cao. HNC huyện rất ủng hộ việc nuôi cá rô phi đơn tính, đã giới thiệu tới bà con nuôi thủy sản. Nhiều hộ nông dân của huyện cũng đang giàu lên nhờ cá rô phi”. Bí thư xã Phú Điền (huyện Nam Sách), ông Nguyễn Quang Trung là một gương điển hình. Mô hình nuôi của ông đang được nhiều bà con học hỏi, đặc biệt là sự kết hợp giữa nuôi ghép các loại cá, trong đó có rô phi đơn tính, kết hợp với nuôi bồ câu, kỳ đà…

 

Tại huyện Tứ Kỳ, ông Nguyễn Đức Vụ, chủ trang trại nuôi thủy sản ở xã Hưng Đạo được nhiều người biết đến với 7 ha ao nuôi, doanh thu hàng năm đạt 7 – 8 tỷ đồng. “Nhờ có mô hình nuôi cá rô phi đơn tính (năm 2005), tôi đã tìm được lối đi riêng cho mình. Kể từ đó tới nay, rô phi đơn tính là giống cá chủ lực của trang trạng, giúp tôi vươn lên làm giàu”, ông Vụ chia sẻ. Không chỉ giỏi nuôi thủy sản, ông Vụ còn mạnh dạn ra nước ngoài học tập và trở thành đầu mối chuyên cung ứng con giống rô phi đơn tính cho nông dân trong và ngoài tỉnh. Ngoài ra, còn rất nhiều hộ gia đình trong địa bàn tỉnh đã mạnh dạn đầu tư cho cá rô phi đơn tính và đã mang lại hiệu quả.

 

 

Còn đó những thách thức

 

Nhiều hộ nuôi đã áp dụng nuôi ghép rô phi đơn tính với các giống cá truyền thống như cá trắm, chép, trôi… Ở tỉnh Hải Dương nói chung, huyện Tứ Kỳ, Nam Sách nói riêng đã hình thành vùng chuyên canh nuôi rô phi đơn tính nhưng vẫn còn khá manh mún. Bên cạnh đó, sản phẩm cá rô phi chỉ mới tiêu thụ tại thị trường nội địa trong khi nhu cầu của các nước khác cũng khá cao. Rất nhiều bạn hàng ở châu Âu, châu Á và châu Phi đã ngỏ ý nhập rô phi đơn tính của Việt Nam. Muốn xuất khẩu, cá phải đạt các tiêu chuẩn về tỷ lệ kháng sinh, an toàn dịch bệnh, trọng lượng từ 0,7 kg/con trở lên, giá xuất khẩu tại cảng Việt Nam cao gấp 2 lần giá bán trên thị trường nội địa. Tuy nhiên, đến thời điểm này, ngay cả địa bàn Hải Dương cũng chưa đáp ứng được nhu cầu xuất khẩu. Nếu xây dựng được các vùng nuôi đạt chuẩn, chắc chắn cánh cửa xuất khẩu loài cá này sẽ rộng mở.

 

Không những chưa có sản phẩm rô phi đơn tính xuất khẩu mà ngay cả trên sân nhà, không phải người nuôi nào cũng thành công. Nếu mua phải giống kém chất lượng, tỷ kệ cá cái cao, nuôi sẽ chậm lớn và buộc phải kéo dài thời gian nuôi. Với cá nhỏ, trọng lượng dưới 0,5 kg/con, giá bán thấp, chỉ đạt 17.000 đồng/kg thì người nuôi sẽ không có lãi. Bên cạnh đó, nhiều điểm nuôi chuyên canh lấy nguồn nước bị ô nhiễm nên nguy cơ cá bị dịch bệnh rất cao. Chưa kể tới chất thải của cá, cộng với thức ăn dư thừa cũng khiến nước trong ao hồ nuôi nhanh bị nhiễm bẩn. Hóa chất xử lý nước cho môi trường nuôi thủy sản chưa đáp ứng được yêu cầu. Vì vậy, muốn phát triển mạnh hơn nữa thế mạnh của cá rô phi đơn tính cần có sự tính toán hợp lý, có quy hoạch và sự chỉ đạo của các cấp, ban ngành liên quan.

>> Nếu như năm 2005 toàn tỉnh tỉnh Hải Dương có 6.350 ha mặt nước nuôi thủy sản, năng suất bình quân 3,5 tấn/ha, sản lượng hơn 22.000 tấn thì đến năm 2009, diện tích nuôi đã tăng lên 9.900 ha, năng suất 5,1 tấn/ha, sản lượng 51.000 tấn.

Vũ Mưa

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!