(TSVN) – Theo báo cáo của Cục Thủy sản, hiện nay cả nước có khoảng 1.250 hồ chứa đang hoạt động NTTS trong lòng hồ; tập trung tại một số địa phương như Hòa Bình, Tuyên Quang, Phú Thọ, Hà Nội, Đắk Lắk… Ngành nông nghiệp đang tìm các giải pháp, nhằm tối ưu hóa lợi ích hồ chứa trong nuôi trồng thủy sản (NTTS).
Báo cáo tại Hội nghị “Phát triển kinh tế thủy sản hồ chứa” do Bộ NN&PTNT phối hợp UBND tỉnh Hòa Bình tổ chức ngày 27/10/2023; ông Ngô Thế Anh, Phó Trưởng phòng NTTS (Cục Thủy sản) cho biết, cả nước hiện có 6.695 hồ chứa thủy lợi do Bộ NN&PTNT quản lý và khoảng 500 hồ thủy điện với 18 hồ chứa thủy điện quan trọng đặc biệt do Bộ Công thương quản lý. Trong đó, khoảng 1.250 hồ chứa có hoạt động NTTS trong lòng hồ.
Trước đây, việc quản lý và phát triển nghề cá tại các hồ chứa chủ yếu là khai thác thủy sản được giao cho các đơn vị quốc doanh, nghề cá hồ chứa có bước thay đổi nhờ chính sách tận dụng tiềm năng mặt nước dòng chảy phù hợp cho phát triển nuôi cá lồng bè. Nghề nuôi cá hồ chứa được phát triển chủ yếu từ việc nuôi các loài cá truyền thống, đến nay phát triển một số đối tượng có giá trị kinh tế cao. Đối tượng nuôi phổ biến là các loại cá như: nheo Mỹ, chiên, lăng, điêu hồng, trắm đen, bỗng, tầm, trắm cỏ, rô phi, chim trắng, trê lai, chép…
Nuôi cá lồng trên hồ Hòa Bình phát triển mạnh, sản lượng tăng, tiêu thụ thuận lợi với giá bán ổn định. Ảnh: Hoàng Hà
Số liệu thống kê của Cục Thủy sản cho thấy, hiện cả nước có 29.017 lồng nuôi cá trên sông, hồ chứa tại 23 tỉnh, thành. Sản lượng NTTS hồ chứa 9 tháng đầu năm 2023 ước đạt 36.419 tấn, tăng 0,2% so với cùng kỳ năm 2023 và đạt 100% kế hoạch đề ra.
Sau nhiều năm triển khai thực hiện, nuôi cá lồng bè trên hồ chứa đã đạt những thành tích đáng kể như: Tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân, đặc biệt là người dân sống ven hồ; đưa được nhiều giống loài đặc hữu, bản địa, loài có giá trị kinh tế vào nuôi, góp phần đa dạng hóa đối tượng nuôi, để cung cấp cho thị trường tiêu thụ; công nghệ nuôi đã có nhiều chuyển biến theo hướng tích cực, bảo vệ môi trường. Nhiều cơ sở nuôi sử dụng các loại vật liệu mới, thân thiện môi trường, độ bền cao. Cùng đó, tại nhiều địa phương đã hình thành được các tổ hợp tác, chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, nhiều địa phương đã thực hiện được việc xây dựng thương hiệu sản phẩm, áp dụng các tiêu chuẩn VietGAP vào sản xuất để nâng cao giá trị sản phẩm…
Hiện nay, nhiều hình thức nuôi cá trong các hồ chứa được áp dụng, gồm: Nuôi quảng canh/quảng canh cải tiến; nuôi cá hồ chứa nhỏ có quản lý; nuôi cá lòng hồ thâm canh/ bán thâm canh; nuôi đăng chắn; nuôi cá lồng.
Tiềm năng phát triển NTTS hồ chứa thủy lợi, thủy điện của cả nước là rất lớn, tuy nhiên diện tích mặt nước được khai thác để đưa vào nuôi chưa nhiều, do quá trình triển khai thực hiện gặp một số khó khăn, tồn tại.
Báo cáo của Cục Thủy sản cho thấy, mặc dù có những thành tựu, thế nhưng việc NTTS tại các hồ chứa hiện còn nhiều hạn chế. Điển hình nhất là việc nuôi còn mang tính tự phát, chưa tạo được vùng nuôi an toàn. Cùng đó, hầu hết các hồ chứa hiện chưa được cấp quyền sử dụng đất, sử dụng mặt nước, gây khó khăn trong trong việc cấp phép; các hồ chứa có diện tích mặt nước rộng, nhiều nhánh suối đổ về hồ nên việc quản lý, bảo vệ, thu hoạch thủy sản nuôi cũng gặp khó khăn, nên đa phần người dân áp dụng mô hình nuôi quảng canh cho năng suất và chất lượng còn thấp.
Cùng đó, hiện có rất ít nhà máy chế biến sản phẩm thủy sản tại hồ chứa. Đa số sản phẩm thủy sản của hồ chứa được tiêu thụ tươi sống hoặc một phần cấp đông. Với những hộ nuôi quy mô nhỏ, sản phẩm thường bán tại lồng bè cho thương lái hoặc chợ địa phương. Chỉ những hộ nuôi quy mô lớn hoặc công ty mới có thể bán sản phẩm cho thị trường trong và ngoài tỉnh.
Chưa kể, việc kiểm soát mối nguy về bệnh dịch, môi trường và ATTP cũng đã và đang gặp nhiều trở ngại do hạ tầng chưa được đầu tư. Hầu hết hồ chứa chưa có hệ thống điện phục vụ cho nuôi cá thâm canh và bán thâm canh. Hệ thống lồng bè còn thô sơ, vật liệu chưa đáp ứng yêu cầu. Vấn đề con giống, thức ăn, chế biến còn hạn chế; thị trường tiêu thụ chưa được mở rộng…
Để phát triển bền vững nghề nuôi cá lồng bè, đại diện Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho rằng, ngành cần rà soát lại các vùng NTTS trên hồ chứa đảm bảo không chồng lấn, mâu thuẫn với các quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội và du lịch khác. Giải tỏa, sắp xếp lại lồng, bè NTTS đúng số lượng quy hoạch, không để tự phát thả nuôi vượt quá quy định, vượt quá sức tải, ảnh hưởng đến môi trường.
Mặt khác, tổ chức lại sản xuất theo hướng đa dạng hóa mô hình tổ chức sản xuất, khuyến khích các mô hình liên kết, liên doanh giữa người sản xuất nguyên liệu với các cơ sở chế biến, tiêu thụ sản phẩm, các nhà đầu tư, tổ chức tín dụng… theo chuỗi giá trị sản phẩm. Đồng thời, xây dựng các mô hình liên kết theo chuỗi từ sản xuất giống, nuôi trồng, chế biến, thị trường; nâng cao năng suất, chất lượng, nuôi trồng thân thiện với môi trường sinh thái, hướng tới các tiêu chuẩn nuôi cá có trách nhiệm…
Còn ông Lương Văn Anh, Phó Cục trưởng Cục Thủy lợi chia sẻ, việc tận dụng được lợi thế nguồn mặt nước dồi dào từ các hồ chứa cùng với đầu tư bài bản, có khoa học, phù hợp với từng địa phương, sẽ giúp mô hình NTTS nước ngọt trong lòng hồ chứa phát triển, tạo sinh kế cho người dân; góp phần đáng kể vào phát triển kinh tế, hướng tới phát triển bền vững môi trường sinh thái ở các hồ chứa.
Tuy nhiên, hiện nay hầu hết các hồ chứa đều chưa được cấp quyền sử dụng đất, sử dụng mặt nước, gây khó khăn trong trong việc cấp phép NTTS trong lòng hồ. Cục Thủy lợi đề xuất Bộ NN&PTNT chỉ đạo các đơn vị liên quan hướng dẫn triển khai Quyết định 2177/QĐ-TTg ngày 23/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liênquanđếnhoạtđộngkinhdoanh thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ NN&PTNT; trong đó có nội dung về “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khi được giao, cho thuê đất để NTTS hoặc giấy phép hoạt động NTTS trong phạm vi bảo vệ công trình thủy điện”.
Còn đại diện Công ty cá sạch Hải Đăng chia sẻ: “Mong muốn nhận được sự quan tâm triển khai các dự án phát triển nông nghiệp cho doanh nghiệp, HTX như: Ứng dụng công nghệ cao, tiếp tục mở rộng xây dựng đạt tiêu chuẩn VietGAP; xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm, tham gia xúc tiến thương mại mở rộng thị trường”.
ÔNG PHÙNG ĐỨC TIẾN, THỨ TRƯỞNG BỘ NN&PTNT
Phải nắm rõ thực trạng mới có thể quản lý
Những năm qua, NTTS hồ chứa có phát triển nhưng còn sơ khai, cần phải có sự định hướng, xây dựng mô hình, lan tỏa mô hình sản xuất để có
bước đi vững chắc. Đề nghị các địa phương điều tra, khảo sát, đánh giá tiềm năng NTTS và quy hoạch phát triển nuôi cá hồ chứa phù hợp với từng vùng sinh thái. Đồng thời, cần thực hiện đa dạng hóa trong nuôi, đưa khoa học công nghệ vào sản xuất, cũng như đảm bảo ATTP và truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Cùng đó, đảm bảo vấn đề môi trường, gắn NTTS hồ chứa với phát triển du lịch... Đề nghị các địa phương có diện tích hồ chứa tiếp tục xây dựng các cơ chế, chính sách thu hút, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư sản xuất giống, nuôi thương phẩm, chế biến và tiêu thụ sản phẩm cho các hộ nuôi cá hồ chứa.
ÔNG ĐINH CÔNG SỨ, PHÓ CHỦ TỊCH UBND TỈNH HÒA BÌNH
Nhiều chính sách phát triển nuôi thủy sản hồ chứa
Với lợi thế có vị trí địa lý thuận lợi khi tiếp giáp với thủ đô Hà Nội, có lòng hồ thủy điện Hòa Bình với dung tích lớn nhất miền Bắc, tỉnh Hòa Bình có tiềm năng rất lớn để phát triển thủy sản. Để thu hút, khuyến khích, thúc đẩy phát triển thủy sản, những năm qua, tỉnh đã thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ cho phát triển nuôi thủy sản trên hồ. Hiện nay, toàn tỉnh có trên 20 doanh nghiệp đầu tư vào nuôi cá lồng trên lòng hồ Hòa Bình. Hoạt động NTTS trên lòng hồ khá sôi động, nhiều tàu, bè cùng hàng nghìn lồng cá của các tổ chức, cá nhân nuôi thả thủy sản đã tạo việc làm cho hàng nghìn lao động, góp phần tăng thu nhập cho người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số vùng lòng hồ Hòa Bình. Tỉnh đang hướng tới phát triển NTTS theo hướng hiệu quả, bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển nông nghiệp nói chung, gắn phát triển thủy sản lòng hồ nói riêng với phát triển du lịch sinh thái.
ÔNG NGUYỄN NGỌC TIẾN, TRƯỞNG PHÒNG DỊCH TỄ, CỤC THÚ Y
Người nuôi cần chủ động kiểm soát dịch bệnh
Hiện nay, thời tiết tiếp tục có diễn biến phức tạp, mưa bão, lũ lụt... làm môi trường thay đổi theo hướng tiêu cực và tác động xấu đến sức khỏe thủy sản nuôi, tạo thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh phát triển và gây dịch bệnh. Do vậy, người nuôi cần áp dụng các biện pháp chủ động để kiểm soát dịch bệnh, đặc biệt chú trọng lựa chọn con giống, kiểm soát chất lượng nguồn nước môi trường nuôi, tăng cường chế độ dinh dưỡng và áp dụng quy trình quản lý đàn thủy sản nuôi phù hợp theo các hướng dẫn của cơ quan quản lý... Các doanh nghiệp tăng cường sử dụng các nguồn lực của đơn vị để triển khai giám sát chủ động dịch bệnh; thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết, để có biện pháp ứng phó, tạo môi trường thuận lợi cho thủy sản phát triển, nâng cao sức đề kháng cho thủy sản nuôi...
Thu Hồng