(Thủy sản Việt Nam) – Đánh giá về những thành công cũng như thất bại của ngành cá tra, basa trong năm 2011, xác định con đường để phát triển bền vững trong năm 2012. Đó là những nội dung chính trong Diễn đàn Vietnam’s Tra, Basa số 10.
Ông Trương Đình Hòe – Tổng thư ký VASEP: 2012 – Xuất khẩu sẽ không bị gián đoạn
Kể từ tháng 10/2010, thực tế giá thành sản xuất cá tra tăng nên đã ảnh hưởng nhiều đến việc thực hiện kế hoạch năm 2011. Thách thức đầu tiên là vấn đề nguyên liệu đầu vào khi thừa khi thiếu, dẫn đến tâm lý không thoải mái của cả người nuôi và nhà sản xuất. Thứ hai là về kinh tế, trong đó nổi bật là yếu tố thị trường, đặc biệt tại châu Âu, thị trường chiếm tới 40% tỷ trọng xuất khẩu cá tra của Việt Nam. Những khó khăn về kinh tế của thị trường này đã ảnh hưởng không nhỏ đến vấn đề xuất khẩu.
Tuy nhiên cũng có nhiều yếu tố thuận lợi. Trước vấn đề người nuôi bỏ ao, nhiều doanh nghiệp đã nhanh chóng xây dựng vùng nuôi, do đó không rơi vào tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng, nguồn nguyên liệu cân bằng hơn. Hơn nữa, trong năm qua, các biện pháp đối với vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, truyền thông và xúc tiến thương mại được thực hiện nhanh chóng và kịp thời nên tạo được môi trường xuất khẩu ổn định và chủ động hơn của các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, tính đến tháng 10/2011, giá trị xuất khẩu cá tra đã vượt 1,49 tỷ USD (dự báo cho xuất khẩu cả năm là 1 tỷ USD). Điều này phù hợp với tình hình chung, phù hợp với tình hình kinh tế eo hợp của các nước.
Bước sang năm 2012, ngành sản xuất cá tra sẽ còn nhiều thách thức. Trước tiên đó là vấn đề tài chính, bởi hiện nay nguồn vốn vay còn rất hạn chế, trong khi đó giá thành luôn có sự thay đổi, giá nguyên liệu vẫn ở mức cao. Về thị trường, vẫn là những khó khăn chung, khi ở thị trường châu Âu, kinh tế vẫn chưa thực sự ra khỏi khủng hoảng. Còn tại Mỹ, là vấn đề chống bán phá giá.
Tuy nhiên, vượt qua những trở ngại đó, năm 2012, cả nước sẽ phấn đấu duy trì sản lượng xuất khẩu bằng năm 2011, tức là khoảng 600.000 tấn. Điều này hoàn toàn phù hợp với nguồn cung ứng nguyên liệu và tài chính trong nuôi trồng. Cuối năm, có thể sẽ xảy ra tình trạng thiếu hụt nguyên liệu, do đó để giải quyết điều này, các doanh nghiệp cần hoạt động sớm, liên kết người nuôi và đảm bảo kế hoạch tài chính hợp lý. Đồng thời, hợp tác chặt chẽ với các nhà nhập khẩu để vượt qua các rào cản.
Năm 2012, sản phẩm cá tra cũng sẽ có một giai đoạn ngắn thiếu nguyên liệu. Tuy nhiên, nó sẽ nhanh chóng ổn định trở lại. Hơn nữa, với mọi trở ngại được dự báo trước, chúng ta hoàn toàn có đủ kinh nghiệm để đối phó và vượt qua. Về phần giá cả, sẽ phụ thuộc nhiều vào thị trường, phụ thuộc vào nuôi trồng và sản phẩm nông sản chung của thế giới. Tuy nhiên, có thể khẳng định là xuất khẩu sẽ không bị gián đoạn.
2011 là một năm quan trọng đối với sự phát triển bền vững của ngành cá tra Việt Nam Ảnh: Việt Anh
Ông Trần Cao Mưu – Tổng thư ký VINAFIS: 2011 – Tăng cả về khối lượng và giá trị
Theo Bộ NN&PTNT, tính đến cuối tháng 11/2011, diện tích nuôi cá tra đạt 4.871 ha (bằng 101,8% so với cùng kỳ năm 2010). Diện tích đã thu hoạch là 3.388 ha (bằng 97,2% so với cùng kỳ năm 2010). Chỉ tính riêng trong tháng 11/2011, sản lượng thu hoạch đạt 97.520 tấn, nâng sản lượng cá thu hoạch kể từ đầu năm đến nay là 1.032.712 tấn (bằng 114,3% so với cùng kỳ năm 2010). Năng suất bình quân đạt 305 tấn/ha, có nhiều tỉnh đạt năng suất cao như Đồng Tháp 405 tấn/ha. Tiền Giang 354 tấn/ha, An Giang 344 tấn/ha…
Kim ngạch xuất khẩu cá tra cả nước trong 10 tháng đầu năm 2011 đạt 1,49 tỷ USD, tăng 29,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Có thể nói, 2011 là một năm cá tra Việt Nam tăng cả về khối lượng và giá trị.
Tuy nhiên, cũng không phải mọi thứ đều "thuận chèo mát mái", tình hình nuôi cá tra ở ĐBSCL cũng gặp phải nhiều khó khăn như chi phí thức ăn, giá cá giống tăng cao… cộng thêm đợt lũ lụt từ hồi tháng 9/2011 gây thiệt hại nặng nề cho hai tỉnh có nguồn cung cá tra lớn là Đồng Tháp và An Giang. Bên cạnh đó, việc khan hiếm nguyên liệu, giá cá nguyên liệu liên tục tăng cao, có lúc lên đến 29.000 đồng/kg khiến người nuôi thấy hài lòng nhưng các doanh nghiệp chế biến cá tra nhỏ, ít vốn đầu tư lại lâm vào cảnh khó khăn, nhiều nhà máy phải hoạt động sản xuất cầm chừng, chỉ hoạt động 50 – 70% công suất, không dám ký kết hợp đồng với các đối tác nước ngoài.
2012 – Để ngành công nghiệp cá tra phát triển bền vững, trước hết phải có một chiến lược liên kết chặt chẽ "thủy chung" giữa bốn nhà là Nhà nước – Nhà khoa học – Doanh nghiệp – Nông dân. VINAFIS cùng các Hội, Hiệp hội đã, đang và sẽ có những đề xuất, kiến nghị với các cơ quan chức năng sớm có những cơ chế, chính sách đúng đắn, phù hợp tạo điều kiện cho người dân yên tâm sản xuất, kiểm soát chặt chẽ chất lượng, giá cả thức ăn, thuốc thú y… để đảm bảo cho cả người nuôi và người chế biến xuất khẩu đều có lãi. Bên cạnh đó, sẽ sớm thành lập Hiệp hội Cá tra để đại diện quyền lợi chính đáng, phản ánh kịp thời những khó khăn, nguyện vọng của người nuôi.
Tiến sỹ Flavio Corsin – Giám đốc ICAFIS: 2011 – Một năm quan trọng đối với cá tra Việt Nam
2011 là một năm quan trọng đối với sự phát triển bền vững của ngành cá tra Việt Nam. Với việc ký kết Thỏa thuận hợp tác giữa VINAFIS, VASEP và WWF dưới sự ủng hộ của Tổng cục Thủy sản – Bộ NN&PTNT tháng 12/2010, ngành cá tra đã cam kết phát triển theo hướng bền vững. Trong năm 2011, một số hoạt động đã được tiến hành theo thỏa thuận đó. Hiện, có hơn 10 công ty đang hướng đến việc tuân thủ các tiêu chuẩn của ASC.
Các tổ chức tương đối mới đối với ngành cá tra như Sáng kiến Thương mại Bền vững (IDH) và Tổ chức Phát triển Hà Lan (SNV) cũng đã bắt đầu hỗ trợ những nỗ lực của ngành trong việc hướng đến bền vững. Hiện nay có ít nhất bảy người mua quốc tế quan tâm đến việc hợp tác với nhóm ngành để đạt được sự tuân thủ các tiêu chuẩn ASC. Ngoài ra, đã có một số công ty sản xuất thức ăn cho cá tra đang tuân thủ tiêu chuẩn ASC.
2011 cũng là năm mà Tổng cục Thủy sản ban hành tiêu chuẩn VietGAP áp dụng đối với cá tra, basa cũng như đối với các loài thủy sản khác. Đây là một thành tựu lớn đối với Việt Nam, giúp định hướng phát triển bền vững cho ngành cá tra Việt trong những năm tới. Việc thử nghiệm các tiêu chuẩn VietGAP đã bắt đầu trong các trang trại nuôi cá tra và tôm. Thông qua những nỗ lực này, chúng ta sẽ thể đánh giá phải làm thế nào để hỗ trợ tính bền vững của ngành một cách kinh tế.
Tất cả những thành tựu to lớn này đã đạt được trong một thời gian rất ngắn. Những gì cần chú trọng hiện nay là vấn đề tài chính. Các công ty đang ngày càng gặp nhiều khó khăn trong việc vay vốn, từ đó dẫn đến việc cả sản xuất và chứng nhận sản phẩm cũng gặp nhiều khó khăn. Đây là một thách thức lớn đối với ngành và cần được giải quyết càng sớm càng tốt.
Trong năm 2011, ngành cá tra, bao gồm cả khu vực nhà nước và tư nhân đều đã thể hiện rõ ràng cam kết hướng tới sự bền vững. Chính điều này bắt buộc các tổ chức tài chính phải nỗ lực hơn để hỗ trợ sự phát triển bền vững bằng cách đưa ra nhiều cách tiếp cận dễ dàng hơn với các dịch vụ tài chính của mình. ICAFIS đã hỗ trợ IDH và Ngân hàng Phát triển Hà Lan (FMO) để tìm hiểu cách thức mà các tổ chức tài chính địa phương, ví dụ như ngân hàng có thể cung cấp các dịch vụ tài chính cho các trang trại/công ty đang hướng đến các chứng nhận. Những nỗ lực này vẫn đang trong giai đoạn đầu, nhưng nếu các tổ chức tài chính đưa ra các tiếp cận ưu đãi về dịch vụ tài chính cho các trang trại/công ty đang hướng đến việc đạt được giấy chứng nhận thì chắc chắn điều này sẽ thúc đẩy lớn trong việc phát triển bền vững của các trang trại/công ty.
Đồng thời, điều quan trọng là các nhà sản xuất phải tiếp tục những nỗ lực đối với việc tuân thủ các tiêu chuẩn bền vững. Nông dân và các công ty nên tận dụng bất kỳ cơ hội nào để tìm hiểu về các tiêu chuẩn chứng nhận, về chi phí và cả lợi ích khi tuân thủ các chứng nhận đó. Tương tự như vậy, họ có thể chủ động đưa ra những quyết định tốt nhất để hướng đến sự phát triển bền vững, nghĩa là giải quyết các vấn đề môi trường và xã hội trong khi vẫn duy trì được lợi nhuận kinh doanh và vững mạnh về tài chính.
Thu Hồng – Hồng Thắm
(Thực hiện)