Phát triển bền vững kinh tế biển vùng Trung Bộ

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Chính phủ vừa ra Nghị quyết số 168/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 3/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Mục tiêu đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt khoảng 7 – 7,5%/năm. Đến năm 2030, GRDP vùng tăng từ 2,5 – 3 lần so với năm 2020 (giá hiện hành), trong đó nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm khoảng 11,5%.

Một trong những giải pháp mà Nghị quyết đặt ra cho vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ là cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp để tạo động lực khuyến khích phát triển doanh nghiệp và thu hút nguồn lực nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của vùng, trong đó tập trung phát triển các ngành kinh tế gắn với biển.

Khai thác cá ngừ của ngư dân thị xã Hoài Nhơn, Bình Định. Ảnh: CTV

Cùng đó, xây dựng kế hoạch cụ thể và phối hợp đồng bộ giữa các cấp, các ngành để tập trung phát triển các ngành kinh tế biển kết hợp với bảo đảm quốc phòng an ninh trên biển, nhất là các ngành như du lịch và dịch vụ biển; kinh tế hàng hải; khai thác dầu khí và các tài nguyên khoáng sản biển khác; nuôi trồng và khai thác hải sản; công nghiệp ven biển…

Xây dựng đề án cơ cấu lại và đổi mới mô hình phát triển nông nghiệp. Phát triển nông nghiệp vùng theo hướng sinh thái, đặc hữu có khả năng chống chịu cao với thời tiết cực đoan, thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu; liên kết theo chuỗi giá trị và có giá trị gia tăng cao; gắn với phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới và phát triển du lịch… Cơ cấu lại nông, lâm nghiệp, khai thác, nuôi trồng thủy, hải sản gắn với công nghiệp chế biến, bảo đảm bền vững và hiệu quả cao (như: nuôi yến, khai thác yến sào, khai thác cá ngừ). Xây dựng thương hiệu, phát triển các thị trường tiêu thụ, hình thành các trung tâm đấu giá sản phẩm; phát triển các trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá kết hợp với quốc phòng, an ninh. 

Đồng thời, xây dựng đề án cơ cấu lại các ngành dịch vụ dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại, công nghệ số, phát triển các loại hình dịch vụ mới. Phát triển vùng trở thành khu vực trọng điểm du lịch của cả nước với các trung tâm du lịch biển, du lịch sinh thái mang tầm khu vực và quốc tế. Phát triển các trung tâm logistics gắn với các cảng biển, cảng hàng không và cửa khẩu.

Ngoài ra, quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, nhất là tài nguyên biển, đảo và rừng; bảo vệ môi trường, nhất là môi trường biển; nâng cao khả năng ứng phó với thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu…

PV

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!