Hiện nay, nghề nuôi tôm hùm ở nước ta đã bộc lộ nhiều hạn chế, thiếu bền vững, dịch bệnh vẫn tiếp tục bùng phát, trong khi thị trường tiêu thụ không ổn định nên giá cả rất bấp bênh và phụ thuộc…
Dịch bệnh khó khống chế
Nghề nuôi tôm hùm lồng ở nước ta tập trung nhiều nhất ở các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận. Đến nay, số lượng lồng nuôi ở các tỉnh này khoảng 53.000 lồng, với khoảng 8.000 đến 10.000 hộ nuôi, sản lượng đạt khoảng 1.600 tấn/năm, đem lại nguồn thu hơn 3.500 tỷ đồng mỗi năm.
Tuy nhiên, thời gian qua nghề nuôi tôm hùm đã bộc lộ nhiều hạn chế, nhất là vấn đề giá cả, dịch bệnh. Theo UBND thị xã Sông Cầu (Phú Yên), hiện trên địa bàn thị xã có khoảng 2.000 hộ nuôi tôm hùm với 22.000 lồng nuôi các loại. Giá tôm hùm giống trong hai tháng đầu năm 2015 khoảng 340.000 – 360.000 đồng/con, nhưng đến tháng 3/2015 chỉ còn 200.000 – 220.000 đồng/con (do tôm hùm thương phẩm bị rớt giá), đồng thời năm nay sản lượng tôm hùm giống khai thác trong tự nhiên tăng cao nên số lượng tôm hùm thả nuôi mới tăng khoảng 3,4 lần so cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, tình hình bệnh tôm đã xảy ra ở nhiều vùng nuôi…
Ông Nguyễn Minh Chỉ, người nuôi tôm hùm ở xã Xuân Phương (TX Sông Cầu), cho biết: “Từ cuối năm 2014 đến nay, tình hình bệnh trên tôm hùm xảy ra rất phức tạp, nhiều người nuôi trắng tay do tỷ lệ tôm chết quá cao. Gia đình tôi thả nuôi hơn 3.000 con nhưng đến nay hao hụt gần 1/3”. Theo UBND TX Sông Cầu, từ đầu năm đến nay, bệnh sữa và bệnh đỏ thân trên tôm hùm đã xảy ra ở tất cả các vùng nuôi trên địa bàn. Tỷ lệ tôm chết trung bình khoảng 25% trên tổng đàn nuôi, trong đó có các vùng nuôi bị nặng nhất là phường Xuân Yên, xã Xuân Cảnh và xã Xuân Phương với tỷ lệ khoảng 30% tổng đàn.
Nghề nuôi tôm hùm còn phát triển thiếu bền vững – Ảnh: Phạm Ngọc Chung
Giá cả không ổn định
Tình hình bệnh trên tôm hùm nuôi đã phức tạp nhưng đến thời điểm xuất bán thì tôm hùm bị rớt giá, khiến người nuôi gặp nhiều khó khăn. Thị trường tiêu thụ tôm hùm thương phẩm chủ yếu là Trung Quốc xuất qua đường tiểu ngạch, nên giá cả rất bấp bênh và phụ thuộc.
Đầu năm 2014, giá tôm hùm thương phẩm gần 2,5 triệu đồng/kg, nhưng sau đó giảm dần và đến nay chỉ còn khoảng 1,3 – 1,4 triệu đồng/kg. Hiện, đang là thời điểm xuất bán tôm hùm nuôi, thế nhưng nhiều hộ nuôi đành “ôm tôm” chờ giá… Ông Nguyễn Minh Chỉ ở xã Xuân Phương, cho biết: “Tôm hùm nuôi bị rớt giá mạnh bắt đầu từ đầu năm 2015 đến nay, trên địa bàn xã Xuân Phương hiện còn một lượng lớn tôm hùm thịt, nhưng do giá cả quá thấp nên người nuôi không xuất bán và chờ giá”.
Tuy được xem là đối tượng nuôi chính và có giá trị kinh tế cao, nhưng thực tế nghề nuôi tôm hùm thời gian qua thiếu bền vững. Nguồn giống tôm hùm hiện nay phụ thuộc hoàn toàn vào đánh bắt tự nhiên. Theo Sở NN&PTNT Phú Yên, vấn đề con giống hiện rất bị động, bởi chưa sản xuất được con giống nhân tạo. Trong khi, nguồn tôm giống ở các vùng biển miền Trung bị suy giảm và cạn kiệt dần, nguyên nhân là do mất môi trường sống và khai thác quá mức. Có những năm, con giống khai thác từ tự nhiên chỉ đáp ứng khoảng 50% nhu cầu, còn lại chủ yếu nhập khẩu từ Philippines và các nước trong khu vực.
Để giải quyết những khó khăn này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám khẳng định, Tổng cục Thủy sản phối hợp với các địa phương sớm hoàn thành quy hoạch tổng thể và chi tiết các vùng nuôi tôm hùm làm cơ sở pháp lý để địa phương căn cứ thực thi. Đồng thời, đề nghị cần tập trung nghiên cứu kỹ thị trường trong nước, quốc tế để xác định nhu cầu sản phẩm từ đó có kế hoạch sản xuất cụ thể.
>> Ông Phạm Kiên, Chủ tịch UBND TX Sông Cầu, Phú Yên chia sẻ, để ổn định nghề nuôi tôm hùm, các địa phương cần tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc công tác quản lý, sắp xếp lồng bè theo phương án đã được duyệt. Đồng thời, đa dạng hóa vật nuôi nhằm giảm thiểu ô nhiễm tại các vùng nuôi… |