Phát triển bền vững nuôi cá lồng bè

Chưa có đánh giá về bài viết

Các tỉnh miền Bắc có tiềm năng nuôi trồng thủy sản, nhất là nuôi cá lồng bè. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu năm 2014 (diện tích nuôi cá lồng bè cả nước 14.000 ha, sản lượng 300.000 tấn, phát triển hiệu quả, bền vững), không dễ dàng.

Đây cũng là nội dung chuyên đề tại Diễn đàn @ Nông nghiệp do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở NN&PTNT Hòa Bình vừa tổ chức.

 

Tiềm năng lớn

Hệ thống sông, suối, hồ chứa ở các tỉnh phía Bắc, ngoài chức năng cung cấp nước sinh hoạt và tưới tiêu cho nông nghiệp, còn tạo ra sinh kế cho người dân vùng lưu vực. Nhờ hệ thống sông ngòi chằng chịt và diện tích hồ chứa khá lớn nên nghề nuôi cá lồng, nuôi eo ngách ở khu vực trung du miền núi và các tỉnh đồng bằng phía Bắc phát triển khá mạnh. Ông Dương Tiến Thể, Phó Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng Thủy sản cho biết, khu vực miền núi phía Bắc có tiềm năng rất lớn cho phát triển thủy sản lồng bè (trên 200.000 ha diện tích mặt nước). Các tỉnh có sản lượng thủy sản lớn như: Hải Dương 500 tấn/năm, Hòa Bình 200 tấn/năm, Yên Bái 200 tấn/năm, Phú Thọ 81,7 tấn/năm… Riêng với Hòa Bình, trong những năm gần đây, nuôi cá lồng trên hồ thủy điện Hòa Bình phát triển mạnh mẽ. Ông Vương Đắc Hùng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hòa Bình cho biết, năm 2010 trên hồ thủy điện có 950 lồng nuôi cá, đến tháng 9/2013 có khoảng 1.300 lồng. Sản lượng cá lồng tăng từ 400 tấn/năm 2010 lên 800 tấn/năm 2013.

Mô hình nuôi cá lồng tại xã Thái Thịnh, TP Hòa Bình – Ảnh: Anh Vũ

Bên cạnh đó, trên sông suối còn hình thành các bãi cá đẻ tự nhiên cần được bảo vệ để phát triển nguồn lợi thủy sản, như tại hồ thủy điện Hòa Bình, Yên Bái trong các hang hốc, bãi sỏi của các loài cá đẻ trứng trôi nổi, trứng dính và bán dính.

Với ưu điểm dễ chăm sóc, mật độ cao, dễ thu hoạch, đầu tư ban đầu không cao so với đào ao nuôi cá, chi phí thức ăn thấp do tập trung thức ăn sẵn có (như lá sắn, ngô…) ở địa phương. Một số mô hình nuôi cho lợi nhuận 10 – 45 triệu đồng/lồng/vụ.

 

Thách thức và giải pháp

Ông Kim Văn Tiêu, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, các tỉnh miền Bắc hiện nay mới khai thác được một phần rất nhỏ so với tiềm năng diện tích mặt nước sông và hồ chứa (tổng diện tích lồng nuôi ước khoảng 300.530 m3, số lượng gần 5.000 lồng, năng suất hơn 2.000 tấn/năm). Các đối tượng nuôi lồng chính chủ yếu là cá truyền thống: trắm cỏ, chép, rô phi. Ngoài ra, còn một vài đối tượng nuôi khác, có giá trị kinh tế (như cá tầm, lăng, nheo…) nhưng sản lượng rất nhỏ, năng suất còn thấp, quy mô nhỏ lẻ, thiếu bền vững, chưa tương xứng tiềm năng địa phương. Mặt khác, người dân phần lớn chưa được hướng dẫn, học tập, tư vấn kỹ thuật thiết kế lồng nuôi mới (chủ yếu vẫn theo hình thức thả nuôi, thiếu chăm sóc, không có kỹ thuật quản lý môi trường và phòng trừ dịch bệnh…) nên năng suất chỉ khoảng 7 kg/m3). Lồng nuôi chủ yếu sử dụng vật liệu sẵn có (như gỗ, tre, nứa…) tại địa phương; việc chăm sóc, quản lý, bảo vệ nhiều khó khăn.

Trình độ kỹ thuật và công nghệ nuôi ở các vùng miền cũng chênh lệch nhiều. Khu vực Đồng bằng sông Hồng 5 năm trở lại đây (2008 – 2013) phong trào nuôi cá lồng phát triển mạnh, với đối tượng nuôi chính là cá rô phi, điêu hồng, chép V1, lăng, nheo… Tại một số hộ nuôi trên sông Kinh Thầy (Hải Dương), Đuống (Bắc Ninh)… năng suất cao, 5 – 7 tấn cá/lồng (108 m3).

Cá điêu hồng là một trong các đối tượng chính trong nuôi lồng bè – Nguồn: Trung tâm KN Hà Nội

Theo ông Ngô Văn Thuấn, Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) DV&SX KD Nông lâm nghiệp Thống Nhất (TP Hòa Bình), khó khăn lớn nhất đối với các hộ nuôi cá lồng của HTX là dịch bệnh, mà một trong những nguyên nhân chính là việc phát triển nhanh diện tích nuôi cá lồng không theo quy hoạch làm cho nguồn nước bị ô nhiễm trầm trọng, tạo điều kiện cho các loại dịch bệnh bùng phát.

Ông Nguyễn Huy Điền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, để phát triển nuôi cá lồng bè bền vững, Tổng cục đang xây dựng đề án phát triển nuôi trồng thủy sản ở các hồ chứa và thực hiện Quỹ phát triển nguồn lợi thủy sản. Về nguồn giống nuôi cá lồng bè, Vụ Nuôi trồng Thủy sản tham mưu Tổng cục, xây dựng dự án lưu giữ giống thủy sản quy mô lớn đủ khả năng phục vụ nuôi trồng. Đồng thời, Tổng cục sẽ rà soát các chính sách nuôi cá hồ chứa, nhằm phát triển mạnh hơn nữa nuôi cá hồ chứa tại các tỉnh miền núi phía Bắc. Các đơn vị cần có những giải pháp trong các vấn đề: nuôi rải vụ, có cá cung cấp cho thị trường quanh năm, nghiên cứu các mô hình lý hóa dòng chảy… để có khuyến cáo thích hợp, khác nhau cho từng mô hình. Bên cạnh đó, vấn đề thị trường cần được quan tâm, tái cơ cấu theo hướng liên kết chặt chẽ giữa sản xuất và tiêu thụ, trong đó lấy doanh nghiệp làm trọng tâm.

>> Ông Kim Văn Tiêu, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia: Từ năm 2013 đến 2015, Trung tâm đã triển khai dự án “Xây dựng mô hình nuôi cá lồng hồ chứa” tại các tỉnh Tuyên Quang, Phú Thọ, Bắc Giang, Sơn La, Hòa Bình, Yên Bái, Vĩnh Phúc, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Lào Cai. Dự kiến, các mô hình đều cho hiệu quả cao. Những năm tới, Trung tâm sẽ tiếp tục xây dựng và nhân rộng mô hình này ra các tỉnh lân cận.

Vũ Mưa

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!