Phát triển cá chẽm theo hướng công nghiệp

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Cá chẽm hay còn gọi là cá vược, là một loài có thịt ngon và giá trị kinh tế cao. Gần đây, cá chẽm đã được nuôi rộng rãi bằng các hình thức nuôi lồng và nuôi trong ao đầm nước lợ ở nhiều địa phương.

Đặc điểm sinh học

Cá chẽm có thân hình thon dài và dẹp bên, cuống đuôi khuyết sâu. Thân dài, dẹp bên, phần lưng hơi gồ cao, bắp đuôi ngắn. Đầu dài, nửa trước nhọn, chiều dài lớn hơn chiều cao. Chiều dài thân bằng 3,2 lần chiều cao thân và bằng 2,9 lần chiều dài đầu. Mép sau xương nắp mang trước hình răng cưa, góc dưới có một gai cứng dài. Xương nắp mang chính có 1 gai dẹt. Mắt lớn, khoảng cách 2 mắt hẹp. Miệng rộng, chếch, hàm dưới nhô dài hơn hàm trên. Răng nhọn, khỏe. Thân phủ vảy lược nhỏ, yếu. Hai vây lưng tách rời nhau.

Khi cá còn khỏe, trên mặt lưng có màu nâu, mặt bên và bụng có màu bạc khi sống trong môi trường nước biển, màu nâu vàng khi sống trong môi trường nước ngọt. Khi cá ở giai đoạn trưởng thành sẽ có màu xanh lục hay vàng nhạt trên lưng và màu vàng bạc ở mặt bụng. Cá chẽm là loài cá dữ và có thể bắt con mồi có kích cỡ bằng cơ thể của chúng. Khi cá còn nhỏ, tuy chúng có thể ăn các loài phiêu sinh thực vật (20%) mà chủ yếu là tảo khuê, nhưng thức ăn chủ yếu vẫn là cá, tôm nhỏ (80%). Khi cá lớn hơn 20 cm, 100% thức ăn là động vật bao gồm giáp xác khoảng 70% và cá nhỏ 30%.

Hiện, cá chẽm được nuôi nhiều nhất là ở ĐBSCL khu vực Sóc Trăng, Bạc Liêu… và một số tỉnh miền Trung. Ảnh: CTV

Cá chẽm rất rộng muối và có tính di cư xuôi dòng, cá lớn lên chủ yếu ở vùng nước ngọt như sông, hồ. Khi thành thục (3 – 4 năm tuổi), chúng sẽ di cư ra vùng cửa sông, ven biển có độ mặn thích hợp từ 30 – 32‰ để sinh sản. Ấu trùng sau khi nở ra sẽ đưa vào vùng cửa sông, ven bờ và lớn lên, cá con sẽ dần dần di cư vào các thủy vực nước ngọt sinh sống và phát triển thành cá thể trưởng thành.

Đa dạng hình thức nuôi

Cá chẽm là một loài cá có giá trị kinh tế quan trọng ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới thuộc châu Á-Thái Bình Dương. Trên thế giới, cá được nuôi thương phẩm nhiều ở Thái Lan, Đài Loan, Trung Quốc, Philippines và Hàn Quốc.

Cá chẽm có thể nuôi lồng ngoài biển, nuôi trong ao nuôi tôm (ao sâu hơn 1 m). Cá chịu lạnh không tốt nhưng chịu nóng tốt. Cá không đòi hỏi những môi trường khắt khe, có thể sử dụng ao nuôi tôm và ao cá tra bỏ hoang để nuôi. Ở nước ta, cá chẽm là một đối tượng xuất khẩu có nhiều tiềm năng, bắt đầu phát triển mạnh từ năm 2009 đến nay. Hiện, cá được nuôi nhiều nhất là ở ĐBSCL khu vực Sóc Trăng, Bạc Liêu… và một số tỉnh miền Trung.

Để khẳng định hiệu quả cũng như giá trị kinh tế của loài cá này, năm 2020, Trung tâm Khuyến nông Nghệ An phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Thanh Hóa xây dựng mô hình nuôi thương phẩm cá chẽm trong ao/hồ gắn với tiêu thụ sản phẩm tại xã An Hòa, thị xã Hoàng Mai với quy mô 1 ha tại 5 hộ tham gia mô hình. Sau gần 8 tháng nuôi trọng lượng cá ước đạt 800 g/con, tỷ lệ sống ước đạt 80%, năng suất ước đạt 8,9 tấn/ha, với giá bán tại thời điểm hiện tại là 100.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí lợi nhuận đạt gần 185 triệu đồng/ha/vụ.

Hay tại tỉnh Quảng Trị, cá chẽm được một số hộ dân đưa vào nuôi trong lồng bè tại các cửa sông ven biển và đã đem lại hiệu quả kinh tế cho người nuôi. Theo lãnh đạo xã Triệu Phước, huyện Triệu Phong, năm 2018 toàn xã có 13 hộ nuôi với 13 lồng, năm 2019 đã phát triển 15 hộ nuôi với 26 lồng. Việc phát triển các đối tượng nuôi cá nước lợ có giá trị kinh tế, phù hợp với vùng cửa sông như cá chẽm sẽ tận dụng nguồn thức ăn sẵn có của địa phương. Đây là một trong những hướng nuôi mới giải quyết công ăn việc làm tại chỗ, đảm bảo sinh kế cho người dân.

Đặc biệt, tại vùng biển Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa, Công ty TNHH Thủy sản Australis Việt Nam đã lựa chọn cá chẽm là đối tượng để phát triển nuôi theo hướng công nghiệp. Đến thời điểm này, Công ty có 5 trại (70 lồng nuôi) cá chẽm. Các trại nuôi có quy mô, hiện đại, áp dụng hệ thống cho cá ăn tự động, mô hình camera robot để quan sát cá dưới nước, đồng thời quản lý việc cho ăn chính xác, bảo đảm vệ sinh môi trường biển. Được biết, năm 2008, Công ty chỉ thu hoạch được 30 tấn cá; đến năm 2020, sản lượng đã đạt 6.500 tấn. Trong 4 năm qua, Công ty đã phát triển quy mô gấp 3 lần, trở thành doanh nghiệp nuôi cá chẽm tầm cỡ thế giới và xuất khẩu cá biển lớn của Việt Nam. Đặc biệt, trong năm 2021, Công ty sẽ xây dựng thêm một cơ sở chế biến nữa tại phường Ninh Thủy, thị xã Ninh Hòa; qua đó, phấn đấu xuất khẩu khoảng 8.000 tấn cá chẽm.

Nguyễn An

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!