(TSVN) – Xây dựng và phát triển chuỗi giá trị thủy sản là xu hướng tất yếu trong quá trình hội nhập và là nhân tố quan trọng thay đổi mô hình tăng trưởng kinh tế, giúp ngành thủy sản tái cơ cấu thành công theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; do vậy cần tăng cường năng lực tham gia chuỗi ở các khâu có lợi thế cạnh tranh.
Thông tin từ Bộ NN&PTNT, ước tính đến hết tháng 9/2022, tổng sản lượng thủy sản đạt 6,75 triệu tấn, tăng 2,7% so cùng kỳ năm 2021. Trong đó, sản lượng nuôi trồng ước đạt 3,87 triệu tấn, tăng 7%; sản lượng khai thác ước đạt 2,88 triệu tấn, giảm 2,5%. Giá trị xuất khẩu thủy sản tháng 8/2022 đạt trên 1 tỷ USD, tăng 26% so cùng kỳ 2021, nhưng đã giảm gần 20% so tháng trước đó. Lũy kế từ đầu năm 2022 đến hết tháng 8, giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 7,6 tỷ USD, tăng 37,3% so cùng kỳ năm 2021, đạt 84,8% kế hoạch năm 2022. Nếu giữ nguyên tốc độ tăng trưởng như vừa qua, thủy sản có thể đạt kỷ lục xuất khẩu 10 tỷ USD.
Ngành thủy sản đã chuyển nhanh, chuyển mạnh trong tư duy giảm cường lực, tăng nuôi trồng. Trong công cuộc ấy, không thể thiếu sự đồng hành của các hiệp hội ngành hàng Ảnh: Việt Hoa
Theo VASEP, hai mặt hàng chủ lực của ngành vẫn là tôm và cá tra. Trong đó, xuất khẩu tôm đạt kim ngạch 3 tỷ USD, tăng 22,5%; xuất khẩu cá tra đạt kim ngạch 1,8 tỷ USD, tăng 80,7% so cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, xuất khẩu tôm trong tháng 8/2022 tụt dốc nhiều nhất trong các sản phẩm thủy sản. Từ mức cao đỉnh điểm 456 triệu USD hồi tháng 5, tới tháng 8 chỉ còn 356 triệu USD, giảm 20% so tháng xuất khẩu cao điểm. Nguyên nhân khiến xuất khẩu tôm giảm là do việc sản xuất tôm nguyên liệu khó khăn khi các chi phí đầu vào cao và thời tiết bất lợi. Riêng xuất khẩu cá tra trong tháng 8/2022 vẫn giữ được phong độ ổn định với kim ngạch trên 187 triệu USD, tăng 14% so cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên hiện nay, xuất khẩu mặt hàng này sang các thị trường có dấu hiệu chậm lại, ngoài yếu tố về thị trường còn do nguồn nguyên liệu không đủ đáp ứng. Đối với mặt hàng cá ngừ, sau khi đạt mức cao trên 100 triệu USD vào tháng 3 và tháng 4/2022, xuất khẩu cá ngừ giảm dần trong các tháng tiếp theo. Tới tháng 8/2022, xuất khẩu cá ngừ đạt 85 triệu USD, cao hơn 74% so cùng kỳ năm trước và tương đương doanh số trong tháng 7/2022. Lũy kế tới hết tháng 8/2022, xuất khẩu cá ngừ đạt gần 734 triệu USD, tăng 54%.
Thông tin tại buổi làm việc của Bộ NN&PTNT với các hiệp hội, ngành hàng thủy sản mới đây cho thấy, doanh nghiệp giữ vai trò dẫn dắt hoạt động của chuỗi thông qua các cam kết về giá bán và giá thu mua nguyên liệu theo tín hiệu của thị trường, tạo tiền đề cho sự tham gia sâu rộng hơn vào chuỗi giá trị thủy sản toàn cầu.
Ông Nguyễn Chu Hồi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghề cá Việt Nam cho rằng, Hội Nghề cá trước tiên là phục vụ ngành thủy sản, phục vụ người dân rộng hơn nữa là quan tâm đến vấn đề ngư dân, ngư nghiệp, ngư trường… Do đó bày tỏ mong muốn, có những cam kết cụ thể để thúc đẩy hợp tác. Ông Hồi lấy ví dụ về hợp tác với Tổng cục Thủy sản hoặc từng lĩnh vực ngành hàng, qua đó chi tiết hóa sản phẩm một cách định kỳ. Bộ NN&PTNT, Tổng cục Thủy sản giữ vai trò giám sát thực hiện, trước khi có phương hướng huy động nguồn lực.
Bà Trần Thị Dung, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nước mắm truyền thống Việt Nam nhấn mạnh đến việc tăng cường năng lực ở các khâu mà ngành thủy sản có lợi thế cạnh tranh. Với riêng ngành nước mắm, hy vọng có thêm cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển thương hiệu.
Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng đề xuất xây dựng liên kết 6 nhà: Nhà nước quản lý quy hoạch vùng nuôi đầu tư hạ tầng, các nhà khoa học nghiên cứu thực tế đưa ra sản phẩm khoa học chất lượng. Trên cơ sở này ngân hàng đầu tư tín dụng, bảo hiểm cho các đối tượng thủy sản chủ lực như tôm. Bên cạnh đó doanh nghiệp cung cấp đầu vào cũng đảm bảo ổn định nguyên liệu đầu vào để giảm giá thành, cùng với đó nông dân cũng có cơ hội tiếp cận khoa học, tiếp cận được nguồn vốn rút ngắn được khâu trung gian, qua đó cung cấp sản phẩm chất lượng an toàn cho các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu. Các hiệp hội ngành hàng ở Trung ương và địa phương cần tăng cường liên kết, xem xét hình thành Liên đoàn thủy sản Việt Nam hay Liên hiệp hội thủy sản Việt Nam, làm được như thế sẽ phân rõ được trách nhiệm quản lý nhà nước và của cộng đồng doanh nghiệp, ngư dân.
Theo Phó Tổng Thư ký VASEP Nguyễn Hoài Nam, thời gian tới, Hiệp hội sẽ tích cực phối hợp với Bộ NN&PTNT, các cơ quan thuộc Bộ để cải thiện hơn môi trường kinh doanh của ngành. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ các doanh nghiệp thành viên ở ba nhóm ngành hàng cá tra, tôm, hải sản phát triển chuỗi, nâng cao năng lực của doanh nghiệp, thực hiện trách nhiệm xã hội, trách nhiệm môi trường. Ông Nam cũng bày tỏ mong muốn hợp tác chặt chẽ hơn với các hiệp hội, ngành hàng khác để hướng tới phát triển ngành hàng thủy sản bền vững.
Ngoài khẳng định quyết tâm của hội và các hiệp hội mong muốn các bên trong chuỗi trị ngồi lại với nhau để cam kết hợp tác trong 5 năm tới. Việc phối hợp có thể ký cam kết với Tổng cục Thủy sản hoặc với từng lĩnh vực ngành hàng thủy sản qua đó phân công trách nhiệm, cam kết để có những hành động cụ thể, yêu cầu cụ thể, có những sản phẩm cụ thể và định kỳ đánh giá kết quả, từ đó sẽ huy động nguồn lực thực hiện, về phía Bộ NN&PTNT cũng có thể giám sát việc thực hiện.
Chia sẻ tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, việc xây dựng liên kết giữa cơ quan quản lý với hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp cần được bền chặt hơn, thể hiện rõ qua chiến lược, kế hoạch hành động thời gian tới. Trước mắt, các bên cần giúp đỡ nhau nhận diện rõ khó khăn thách thức để cùng tháo gỡ, nhất là khi nhiều mối nguy về bất ổn địa chính trị, biến đổi khí hậu ngày càng có xu thể lan rộng trên thế giới. Thứ trưởng cũng lưu ý, các hiệp hội sớm có phương án nâng cao nhận thức cho thành viên khi tham gia liên kết chuỗi, tăng cường cung cấp thông tin thị trường và chia sẻ cơ hội kinh doanh. Ngoài quản lý nhà nước thì các hiệp hội phải vào cuộc và quyết định năng lực cạnh tranh của ngành thủy sản phải là các doanh nghiệp. Các hội, hiệp hội phải đồng hành và gắn với các doanh nghiệp trong từng ngành.
Hồng Hạnh