Thanh Hóa: Phát triển nghề chế biến thủy hải sản

Chưa có đánh giá về bài viết

Cùng với sự phát triển của hoạt động khai thác, đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản, sự phát triển của nghề chế biến thủy hải sản đang trở thành một trong những nhân tố quan trọng thúc đẩy ngành kinh tế thủy sản phát triển vững mạnh, tạo điểm tựa vững chắc cho ngư dân bám biển, vươn khơi, giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định cho hàng nghìn lao động tại các địa phương ven biển.

Sản xuất hải sản xuất khẩu tại Công ty CP Sông Việt Thanh Hóa.

Thời gian qua, các doanh nghiệp, cơ sở chế biến thủy sản đã từng bước mở rộng quy mô, ứng dụng công nghệ sản xuất tự động đối với một số công đoạn, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm. Có mặt tại Công ty CP Sông Việt Thanh Hóa (thị xã Nghi Sơn) chúng tôi được chứng kiến hàng trăm công nhân ai vào việc nấy, người thì tất bật vận chuyển nguyên liệu, phân loại, người thì sơ chế và phi lê cá. Tại khu vực cấp đông và bảo quản, một nhóm công nhân cẩn trọng kiểm tra từng sản phẩm chả cá surimi trước khi chuyển sang bộ phận đóng gói sản phẩm.

Giám đốc công ty Nguyễn Như Long cho biết: “6 tháng đầu năm 2024 đơn hàng xuất khẩu các sản phẩm thủy sản của công ty ổn định và tăng nhẹ so với năm 2023, đã trả đơn hàng gần 4.000 tấn chả cá surimi và gần 6.000 tấn bột cá cho đối tác tại thị trường Nhật Bản, Malaysia, Indonesia, Thái Lan và một số nước châu Âu. Công ty cũng đang tập trung thu mua và bảo quản nguyên liệu để chủ động sản xuất. Cùng với đó, tiếp tục tìm kiếm thị trường gắn với đa dạng hóa và nâng cao giá trị các sản phẩm”…

Những năm gần đây lĩnh vực chế biến thủy, hải sản trên địa bàn Thanh Hóa có sự tăng nhanh về số lượng doanh nghiệp cũng như đa dạng các sản phẩm. Trong đó có nhiều sản phẩm thủy sản chế biến sâu đạt chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu khắt khe của các thị trường lớn như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc… Theo đó, hiện nay toàn tỉnh có 80 doanh nghiệp tham gia chế biến thủy, hải sản. Trong đó, có 18 doanh nghiệp chế biến nước mắm và dạng mắm, 2 doanh nghiệp chế biến bột cá, 1 doanh nghiệp chế biến chả cá surimi, 1 doanh nghiệp chế biến ngao hấp, ngao đông lạnh và hơn 60 doanh nghiệp sơ chế, đông lạnh thủy sản. Toàn tỉnh hiện có 6 doanh nghiệp khẩu thủy sản chính ngạch với giá trị xuất khẩu đạt khoảng 134 triệu USD/năm. Ngoài ra các địa phương ven biển còn có hơn 1.300 cơ sở nhỏ, lẻ tham gia sơ chế, chế biến các sản phẩm thủy, hải sản.

Thông qua các doanh nghiệp, cơ sở chế biến, hằng năm Thanh Hóa cung cấp cho thị trường trên 13 triệu lít nước mắm, hơn 22.000 tấn bột cá, 2.500 tấn chả cá surimi, 10.500 tấn ngao hấp, ngao đông lạnh, 22.440 tấn thủy sản đông lạnh… Tỷ lệ sản phẩm được đưa vào chế biến chiếm khoảng 43,7% tổng sản lượng khai thác và nuôi trồng, còn lại là tiêu thụ dạng thô.

Các sản phẩm thủy hải sản của tỉnh được tiêu thụ rộng rãi trong nước và tham gia xuất khẩu. Tiêu biểu như mặt hàng ngao đông lạnh, ngao hấp, hải sản đông lạnh xuất khẩu sang các nước Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Pháp, Mỹ, Ý; chả cá surimi xuất khẩu sang Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan; bột cá xuất khẩu sang Trung Quốc; nước mắm Lê Gia xuất khẩu sang Nhật Bản… Ngoài ra, còn có một số doanh nghiệp xuất khẩu hải sản tươi sống, ướp đá theo đường tiểu ngạch sang thị trường Trung Quốc hoặc xuất khẩu ủy thác cho các nhà máy trong và ngoài tỉnh.

Bên cạnh những kết quả tích cực, lĩnh vực chế biến thủy, hải sản trên địa bàn tỉnh vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần khắc phục như hầu hết các cơ sở chế biến đều hoạt động ở quy mô nhỏ, lẻ, phân tán, chưa có nhiều chuỗi liên kết từ khâu sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm; công nghệ sản xuất lạc hậu nên chủ yếu thực hiện sơ chế, cấp đông, gia công nguyên liệu, giá trị sản phẩm không cao. Bên cạnh đó, nguồn nguyên liệu cung cấp cho các cơ sở chế biến không ổn định. Toàn tỉnh vẫn chưa xây dựng được các vùng nguyên liệu tập trung phục vụ chế biến, chưa hình thành được các trung tâm chế biến thủy sản…

Để nghề chế biến thủy hải sản phát triển bền vững, tương xứng tiềm năng, ngoài các cơ chế, chính sách hỗ trợ của tỉnh và ngành chức năng, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cần tiếp tục đầu tư nâng cao năng lực quản lý, đổi mới công nghệ thiết bị để không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, tiếp tục phát triển nguồn nguyên liệu tại chỗ theo hướng đa dạng hóa sản phẩm, chú trọng các sản phẩm xuất khẩu. Đẩy mạnh liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp lớn trong nước và nước ngoài để mở rộng thị trường. Chú trọng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong sản xuất và tiêu thụ gắn với bảo vệ môi trường, phát triển sản xuất, kinh doanh bền vững.

Nguồn: baothanhhoa.vn

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!