(TSVN) – Tiềm năng nuôi biển của Việt Nam là rất lớn nhưng phát triển chưa tương xứng do vướng nhiều rào cản về giao mặt nước biển, công nghệ lồng nuôi, con giống, thức ăn và hạ tầng logistic.
Chiều 27/6, tại TP. Rạch Giá, UBND tỉnh Kiên Giang phối hợp với Bộ NN&PTNT tổ chức “Hội nghị về thực trạng và định hướng phát triển nuôi biển tỉnh tỉnh Kiên Giang đến năm 2030”, với sự tham dự của đại diện Cục Thủy sản, các sở, ngành, doanh nghiệp và ngư dân. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến và Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành đồng chủ trì Hội nghị.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Trần Đình Luân – Cục trưởng Cục Thủy sản đánh giá tiềm năng nuôi biển của Việt Nam là rất lớn. Hiện cả nước đang có 9,5 triệu m³ lồng nuôi cá biển các loại, tôm hùm và 57.000 ha nuôi nhuyễn thể. Sản lượng nuôi biển hàng năm đạt khoảng 800.000 tấn, trong đó nhuyễn thể, cá biển và tôm hùm chiếm trên 62%, còn lại là đối tượng khác. Giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt từ 0,8 đến 1 tỷ USD.
Vùng biển Kiên Giang có nhiều lợi thế cho phát triển nuôi biển như: Bờ biển dài, nhiều đảo, vịnh kín gió, ít bị gió bão. Tuy nhiên, hiện nay công nghệ nuôi biển của ngư dân Kiên Giang còn lạc hậu, tự chế bằng cây gỗ, nguồn thức ăn chủ yếu là cá tạp, gây ô nhiễm môi trường, tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh và hiệu quả chưa cao. Con giống còn phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu và khai thác ngoài tự nhiên nên bị động. Chưa có chuỗi nuôi biển hiệu quả, tiêu thụ sản phẩm nuôi biển hiện nay chủ yếu thông qua thương lái thu gom nên giá cả không ổn định.
Ngoài ra, thủ tục cấp phép đầu tư nuôi biển hiện nay còn phải thông qua nhiều Bộ, ngành và rất chậm. Hiện thủ tục cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển được thực hiện trước thủ tục giao khu vực nuôi biển và cả hai thủ tục đều yêu cầu nộp các văn bản liên quan về đánh giá tác động môi trường. Vì vậy, cần đơn giản hóa thủ tục, thực hiện liên thông thủ tục hành chính để giảm chi phí tuân thủ pháp luật cho tổ chức, cá nhân thực hiện dự án nuôi biển.
Đồng quan điểm, ông Quách Văn Toàn – Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kiên Giang cho rằng, việc xem xét giao khu vực nuôi biển cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu khai thác, sử dụng tài nguyên biển trên địa bàn tỉnh phải căn cứ theo Quy hoạch không gian biển quốc gia và Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ. Tuy nhiên, đến nay các quy hoạch này vẫn chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Do đó, để thực hiện, tỉnh phải lấy ý kiến 2 lần của nhiều Bộ liên quan, mất rất nhiều thời gian. Trong khi đó, tỉnh Kiên Giang đang thực hiện đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, số lượng hồ sơ đề nghị giao khu vực biển để thực hiện các hoạt động kinh tế – xã hội là rất lớn.
Về phần mình, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đánh giá, tiềm năng nuôi biển của Kiên Giang nói riêng và Việt Nam nói chung là rất lớn, với nhiều loài thủy sản có giá trị kinh tế cao. Ngư trường rộng và môi trường biển của Kiên Giang thuận lợi cho phát triển nuôi biển, cả ven bờ, quanh các đảo và khơi xa. Hiện hệ thống hạ tầng, cảng ở đảo và Trung tâm nghề cá tỉnh Kiên Giang đang được triển khai đầu tư xây dựng sẽ tạo điều kiện cho nghề nuôi biển phát triển hiệu quả, đồng bộ.
Để đánh thức tiềm năng nuôi biển của Kiên Giang, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị, địa phương khi tập trung phát triển kinh tế biển cần thực hiện quy hoạch ngành, quy hoạch quốc gia, tích hợp quy hoạch của tỉnh và phải tập trung gỡ khó về giao mặt nước biển để doanh nghiệp, ngư dân sớm triển khai dự án nuôi biển. Tập trung đầu tư hạ tầng cho nông nghiệp, hạ tầng thủy sản, đảm bảo đáp ứng nhu cầu phát triển thủy sản. Đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho nuôi biển. Có chính sách thu hút đầu tư, nhất là những tập đoàn, doanh nghiệp lớn sở hữu công nghệ lồng nuôi, quy trình nuôi hiện đại, cơ giới hóa các công đoạn nuôi, đạt sản lượng lớn… Nuôi đa loài cá biển, rong biển, kết hợp khai thác du lịch để tăng hiệu quả trên cùng diện tích. Xây dựng chuỗi giá trị nuôi biển, doanh nghiệp đầu tư nuôi phải gắn với chế biến, xuất khẩu.
Trung Chánh – Văn Vũ