(TSVN) – Ngày 4/10/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1664/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản (NTTS) trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Mục tiêu phát triển nuôi biển trở thành một ngành sản xuất hàng hóa quy mô lớn, công nghiệp, đồng bộ, an toàn, hiệu quả…
Theo quyết định này, phấn đấu đến năm 2025, diện tích nuôi biển đạt 280 nghìn ha (nuôi gần bờ 270 nghìn ha, xa bờ 10 nghìn ha), thể tích lồng nuôi 10 triệu m3 (thể tích nuôi gần bờ 8 triệu m3, nuôi xa bờ 2 triệu m3); sản lượng đạt 850 nghìn tấn (sản lượng nuôi gần bờ 750 nghìn tấn, nuôi xa bờ 100 nghìn tấn); tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 0,8 – 1 tỷ USD.
Đến năm 2030, diện tích nuôi đạt 300 nghìn ha (trong đó, nuôi gần bờ 270 nghìn ha, nuôi xa bờ 30 nghìn ha); tổng thể tích lồng nuôi là 12 triệu m3 (trong đó, thể tích nuôi gần bờ 8,5 triệu m3; nuôi xa bờ 3,5 triệu m3); sản lượng nuôi biển đạt 1,45 triệu tấn (trong đó, nuôi gần bờ đạt 1,11 triệu tấn; xa bờ 340 nghìn tấn); giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 1,8 – 2 tỷ USD.
Tầm nhìn đến năm 2045, ngành công nghiệp nuôi biển của nước ta đạt ở trình độ tiên tiến với phương thức quản lý hiện đại. Công nghiệp nuôi biển trở thành bộ phận quan trọng trong ngành thủy sản, có đóng góp trên 25% tổng sản lượng và giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt trên 4 tỷ USD.
Ảnh minh họa
Để hoàn thành mục tiêu này, Đề án sẽ tập trung vào 6 nhiệm vụ là: Phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ; phát triển đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng; phát triển sản xuất giống; phát triển hệ thống sản xuất thức ăn; phát triển chế biến và thương mại sản phẩm nuôi biển.
Cùng đó, phát triển nuôi biển theo vùng. Cụ thể, đối với phát triển nuôi biển gần bờ sẽ ưu tiên các đối tượng có thị trường tiêu thụ và lợi thế cạnh tranh. Ba vùng nuôi biển gần bờ là các tỉnh từ Quảng Ninh đến Ninh Bình, các tỉnh từ Thanh Hóa đến Bình Thuận, các tỉnh từ Bà Rịa – Vũng Tàu đến Kiên Giang.
Đối với nuôi biển xa bờ, sẽ hình thành các vùng nuôi tại các tỉnh trọng điểm như Quảng Ninh, Hải Phòng, Quảng Ngãi, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu, Cà Mau, Kiên Giang…
Đề án đưa ra 9 giải pháp để thực hiện, bao gồm: Xây dựng cơ chế chính sách thu hút đầu tư, hỗ trợ phát triển NTTS trên biển; quản lý và tổ chức sản xuất; con giống phục vụ nuôi biển; sản xuất thức ăn; công nghệ nuôi, bảo quản sau thu hoạch, chế biến, công nghệ sinh học và khuyến ngư; quan trắc môi trường, phòng chống dịch bệnh chủ động, thích ứng với biến đổi khí hậu; công nghiệp hỗ trợ và dịch vụ nuôi biển công nghiệp; xúc tiến thương mại, phát triển thị trường; hợp tác quốc tế về nuôi biển.
Kinh phí thực hiện Đề án được đảm bảo từ ngân sách nhà nước theo quy định hiện hành; từ nguồn vốn của doanh nghiệp, nguồn vốn tài trợ và các nguồn kinh phí hợp pháp khác.