Phát triển nuôi cá lồng hồ chứa

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Nghề nuôi cá lồng bè trên hồ chứa đang phát triển với tiềm năng vô cùng lớn. Một số tỉnh vùng cao có sản lượng nuôi cá lồng bè trên hồ lớn và đang xây dựng thương hiệu của mình. Tuy nhiên, để thành các chuỗi cửa hàng và xây dựng thành công thương hiệu là việc không phải doanh nghiệp nào cũng thành công.

Theo Bộ NN&PTNT, Việt Nam hiện tại có 6.695 hồ chứa nước với tổng dung tích 796.143 triệu m3, phân bố ở 45 tỉnh thành nhưng hiện tại các địa phương chỉ mới khai thác được một phần nhỏ tổng diện tích hồ tại Việt Nam cho công cuộc nuôi trồng thủy sản. Một vài tỉnh có sản lượng hồ chứa lớn như: Hòa Bình, Sơn La, Tuyên Quang, Thác Bà.

Điển hình như trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có 2 hệ thống sông lớn (sông Ba, sông Sê San) và thượng lưu sông Sêrêpôk cùng với 139 hồ chứa thủy lợi, 48 hồ chứa thủy điện rất thuận lợi để phát triển nuôi thủy sản lồng bè. Toàn tỉnh có hơn 700 lồng bè nuôi thủy sản, chủ yếu là các loại thủy đặc sản bản địa. Hàng năm, tổng sản lượng thủy sản cung cấp ra thị trường đạt trên 500 tấn, chủ yếu là cá tầm, lăng, rô phi đơn tính, điêu hồng, thác lác, bống tượng…

Nuôi cá lồng hồ chứa còn nhiều tiềm năng. Ảnh: Hà Phương

Đánh giá môi trường nước tại các hồ chứa vô cùng sạch, chưa có quá nhiều tác động của con người như nước thải, chất thải, hóa chất nông nghiệp, hóa chất của nhà máy công nghiệp nên nguồn nước tại đây vẫn giữ được sự trong xanh, rất thuận lợi cho nuôi trồng thủy sản theo xu hướng tạo ra các sản phẩm sạch, chất lượng cao. Thủy sản được nuôi ở các hồ chứa rất được người tiêu dùng ưa thích và có giá bán cao trên thị trường, cao hơn nuôi trong ao, bể từ 1,2 – 1,5 lần. 

Hiện có 13 hồ chứa có diện tích trên 5000 ha tại các tỉnh Sơn La, Hòa Bình, Thác Bà, Na Hang, Trị An là nhóm hồ chứa tiềm năng cao để nuôi trồng thủy sản. Những hồ này có khả năng phát triển, mang lại hiệu quả kinh tế cao và ổn định cho người nuôi, có thể đảm bảo lợi ích lâu dài. 

Tuy nhiên, số hồ chứa được cấp phép nuôi trồng thủy sản trên khắp Việt Nam không nhiều, đa phần là mô hình tự phát. Việc quy hoạch nuôi trồng thủy sản chưa kết hợp hài hòa lợi ích giữa thủy lợi, thủy điện với thủy sản tại nhiều địa phương nên chưa tận dụng hết tiềm năng của nguồn nước và môi trường nơi đây.

Để phát triển nuôi trồng thủy sản trên hồ chứa bền vững, Tổng cục Thủy sản cho rằng cần phát triển hệ thống sản xuất giống thủy sản chất lượng cao. Đồng thời, ưu tiên phát triển giống các đối tượng nuôi giá trị kinh tế cao, các loài mới có tiềm năng, loài bản địa, cá nước lạnh… ở vùng có điều kiện sinh thái phù hợp và khuyến khích phát triển các mô hình nuôi trồng thủy sản áp dụng công nghệ mới.

Bùi Định

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!