Mới đây, TS Phan Đinh Phúc ở Viện Nghiên cứu NTTS III có nghiên cứu đề xuất phát triển nuôi cá lòng hồ theo hướng hàng hóa hiệu quả và bền vững.
Nhiều thăng trầm
Theo thống kê, tổng thể Việt Nam đang có 6.336 hồ thủy lợi và hơn 500 hồ thủy điện, trong đó có 13 hồ lớn với diện tích mỗi hồ hơn 5.000 ha và hồ Trị An lớn nhất với diện tích 32.400 ha.
Nuôi cá lòng hồ có 4 hình thức: Nuôi quảng canh – quảng canh cải tiến chủ yếu khai thác tự nhiên và nuôi cá lồng thâm canh hoặc bán thâm canh, hai hình thức này phổ biến ở hồ lớn và vừa. Nghề nuôi cá hồ có quản lý (culture-based fisheries-CBF) phổ biến ở hồ vừa và nhỏ, có thả cá giống và chăm sóc, thu hoạch theo kế hoạch. Cuối cùng là nuôi cá đăng chắn ở một khu vực khép kín, nước cạn, thường là một khe hay vịnh nhỏ của hồ.
Trước đây, nuôi cá hồ chủ yếu quảng canh – quảng canh cải tiến do Nhà nước quản lý. Thời kinh tế thị trường, giai đoạn đầu 1986 – 1995, nuôi cá hồ suy thoái, sản lượng giảm 20 – 25% so trước, trung bình một năm chỉ còn 1.028 tấn. Sang giai đoạn 1996 – 2005, nuôi cá lồng phát triển nhưng sản xuất vẫn ở quy mô nhỏ.
Phát triển các diện tích nuôi thủy sản lòng hồ ở miền Bắc – Ảnh: Gia Chính
Từ năm 2006 đến nay, các mô hình CBF tiếp tục phát triển. Nghiên cứu trên diện tích nuôi cá lòng hồ cả nước 120.742 ha, sản lượng cá năm 2001 là 31.869 tấn, đến năm 2008 tăng lên 69.291 tấn, tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm 11,73%. Hiện nay, năng suất cá một năm nuôi ở hồ nhỏ đạt tới 1.500 kg/ha; ở hồ cỡ vừa là 700 kg/ha, còn hồ lớn 200 kg/ha. Nuôi lồng, thể tích lồng năm 2001 là 17.034 m3 đến năm 2008 tăng lên 52.528 m3, năng suất cũng tăng, hiện đã đạt trung bình từ 30 – 40 kg/m3.
Về tiêu thụ, cá đánh bắt từ hồ chủ yếu bán tươi, một ít qua đông lạnh, toàn bộ tiêu thụ thị trường trong nước.
4 giải pháp phát huy tiềm năng
Nghiên cứu của TS Phan Đinh Phúc đánh giá, tiềm năng mặt nước hệ thống hồ khá lớn, có thể tăng sản lượng nuôi thủy sản lên gấp nhiều lần hiện nay. Nhất là ngoài giá trị kinh tế còn có ý nghĩa xã hội vì hệ thống hồ nằm ở vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa để góp phần xóa đói giảm nghèo và cung cấp thực phẩm cho người dân.
Có 4 giải pháp TS Phúc đưa ra về chính sách, tổ chức quản lý sản xuất, thị trường và khoa học công nghệ. Trước tiên, về cơ chế chính sách, cần có tín dụng ưu đãi cho người nuôi cá lồng, thu hút đầu tư nghề nuôi cá lồng trên hồ với các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Chính sách quy định giá cho thuê mặt nước với diện tích/thể tích nuôi lồng trên hồ. Còn về tổ chức quản lý sản xuất, xây dựng các mô hình NTTS theo chuỗi đối với nghề nuôi cá lồng trên hồ, tổ chức cộng đồng quản lý nuôi cá lồng.
Giải pháp thị trường, chú trọng cả nội địa lẫn xuất khẩu. Để đẩy mạnh xuất khẩu, các hiệp hội và doanh nghiệp trực tiếp tham gia xây dựng, còn thị trường trong nước khuyến khích hình thành các kênh phân phối đến các chợ, siêu thị, nhà hàng; gắn các sản phẩm đặc thù của địa phương với du lịch.
Giải pháp khoa học công nghệ, hoàn thiện việc nghiên cứu phát triển các giống thủy đặc sản và nâng cao chất lượng con giống cho nghề nuôi cá lồng ở hồ. Ứng dụng công nghệ tiên tiến cho nghề nuôi lồng nhằm sản xuất ra lượng lớn sản phẩm hàng hóa đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.
>> TS Phan Đinh Phúc chia sẻ: “Cần quy hoạch chi tiết các hồ có thể nuôi cá lồng, các vùng nuôi lồng trong các hồ chứa lớn và vừa; hướng phát triển nghề nuôi cá lòng hồ (trọng tâm nuôi cá lồng ở các hồ lớn) là sản xuất hàng hóa hiệu quả và bền vững. Chế biến các phụ phẩm thành các loại thực phẩm chức năng, phục vụ cho tiêu dùng và xuất khẩu; chế biến thức ăn cho gia súc và gia cầm… để gia tăng giá trị sản phẩm”. |
Thanh Hải