(TSVN) – Ở Việt Nam nói chung, ở tỉnh Đồng Tháp nói riêng NTTS hiện đang được xem là ngành kinh tế mũi nhọn, mang tới thu nhập cao cho người dân, đặc biệt là đối với các khu vực, địa bàn có điều kiện thuận lợi về nguồn nước, đất, thổ nhưỡng và các điều kiện về cơ sở vật chất, giao thông vận tải, thị trường tiêu thụ…
Nuôi trồng thủy sản (NTTS) là ngành có vai trò quan trọng trong nền kinh tế của Việt Nam nói chung và tỉnh Đồng Tháp nói riêng. Nhận thức rõ vị trí, vai trò, tiềm năng của NTTS, những năm qua Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm “Phát triển NTTS hiệu quả, bền vững, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu”, góp phần thúc đẩy phát triển NTTS và khẳng định vị trí, vai trò to lớn trong nông nghiệp nói riêng và trong nền kinh tế quốc dân nói chung. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Đồng Tháp đã quan tâm đầu tư phát triển NTTS và đạt được một số kết quả quan trọng, song nhìn chung, lĩnh vực này chưa thật sự phát huy vị thế, vai trò của mình. Điều đó đặt ra yêu cầu phát triển NTTS ở tỉnh Đồng Tháp trong thời gian tới.
Cá tra là một thế mạnh của tỉnh Đồng Tháp trong phát triển NTTS. Ảnh: Gia Bảo
Ở Việt Nam nói chung, ở tỉnh Đồng Tháp nói riêng NTTS hiện đang được xem là ngành kinh tế mũi nhọn, mang tới thu nhập cao cho người dân, đặc biệt là đối với các khu vực, địa bàn có điều kiện thuận lợi về nguồn nước, đất, thổ nhưỡng và các điều kiện về cơ sở vật chất, giao thông vận tải, thị trường tiêu thụ… Từ lâu, người dân ven các vùng sông ngòi, kênh rạch ở tỉnh Đồng Tháp đã biết khai thác, tận dụng các nguồn lợi thủy sản, đồng thời nuôi trồng những loại thủy sản khác nhau phục vụ nhu cầu đời sống, sau này hướng đến xuất khẩu.
Có thể quan niệm: Phát triển NTTS trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp là hoạt động tích cực chủ động của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Đồng Tháp trong lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện thắng lợi các mục tiêu trong NTTS, trên cơ sở nhận thức và vận dụng đúng các quy luật tự nhiên, kinh tế, xã hội, chuyển từ NTTS có trình độ công nghệ thấp sang trình độ công nghệ cao, sản xuất hàng hóa lớn, gia tăng số lượng và nâng cao chất lượng các hoạt động NTTS, nhằm mang lại hiệu quả kinh tế – xã hội và môi trường sinh thái, nâng cao mọi mặt đời sống vật chất, tinh thần nhân dân trong tỉnh. Quan niệm trên chỉ rõ một số vấn đề:
Chủ thể phát triển NTTS ở tỉnh Đồng Tháp là Tỉnh ủy, HĐND, UBND, các tổ chức chính trị – xã hội, doanh nghiệp và trực tiếp là các chủ thể NTTS. Trong đó, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, các tổ chức chính trị – xã hội là những người làm công tác quy hoạch, định hướng cơ chế, chính sách và đảm bảo những điều kiện cần thiết cho NTTS phát triển. Doanh nghiệp, các chủ thể NTTS là những người chịu tác động và cụ thể hóa cơ chế, chính sách thành hành động cụ thể.
Mục đích phát triển NTTS ở tỉnh Đồng Tháp là nhằm khai thác có hiệu quả lợi thế về NTTS của tỉnh, góp phần nâng cao đời sống của người dân, thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển.
Phương thức tiến hành là kết hợp cải tạo, nâng cấp cơ sở hiện có, kết hợp phát triển theo chiều rộng và chiều sâu, đồng thời áp dụng khoa học công nghệ trên cơ sở nâng cao năng suất lao động và sự phát triển hài hòa giữa kinh tế xã hội gắn với củng cố quốc phòng – an ninh.
Thứ nhất, điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên. Đồng Tháp là một tỉnh thuộc khu vực ĐBSCL với diện tích tự nhiên 3.238 km2. Địa hình Đồng Tháp tương đối bằng phẳng với độ cao phổ biến 1 – 2 m so với mặt nước biển. Tỉnh lại nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới, khí hậu được chia làm 2 mùa rõ rệt là mùa mưa và mùa khô. Đây là điều kiện tự nhiên rất thuận lợi cho phát triển đa dạng các loại hình thủy sản, từ nuôi trồng, đánh bắt, chế biến…
Thứ hai, năng lực của chủ thể trực tiếp tham gia vào hoạt động NTTS. Trong điều kiện hiện nay để tồn tại và phát triển đòi hỏi chủ thể tham gia hoạt động NTTS phải có năng lực. Khi có năng lực các chủ thể mới nắm vững được sự vận động của thị trường, xác định được hướng kinh doanh phù hợp, xác định thị trường mục tiêu, khai thác có hiệu quả những tác động của môi trường, hạn chế tối đa các khó khăn, tạo điều kiện cho ngành thủy sản phát triển ổn định.
Thứ ba, kết cấu hạ tầng kinh tế – kỹ thuật phục vụ phát triển kinh tế thủy sản. Đây là yếu tố tạo điều kiện cho quá trình khai thác, phát huy tiềm năng, thế mạnh của tỉnh Đồng Tháp, đảm bảo cho quá trình cung cấp nguyên liệu, tiêu thụ sản phẩm cũng như mở rộng quy mô sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, đồng thời làm giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Do đó, đòi hỏi tỉnh cần phải quan tâm đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế – kỹ thuật đầy đủ, đồng bộ, sát với điều kiện của địa phương và phù hợp với quy hoạch chung của cả nước.
Thứ nhất, NTTS đã có sự gia tăng nhanh về số lượng và quy mô. Theo thống kê, từ năm 2015 đến năm 2020 sản lượng thủy sản của tỉnh Đồng Tháp (cả đánh bắt và nuôi trồng) có sự tăng lên đáng kể, tăng trưởng trung bình khoảng 3,7%/năm. Năm 2015, giá trị sản xuất của ngành thủy sản theo giá hiện hành là 13.017.807 triệu đồng, chiếm 27% tổng giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp. Đến năm 2022, giá trị sản xuất của ngành thủy sản đạt 302.195 USD. Riêng NTTS đạt giá trị 161.870 USD, chiếm 53,6% giá trị toàn ngành thủy sản của tỉnh Đồng Tháp. Diện tích mặt nước được sử dụng để phát NTTS không ngừng tăng lên. Tháng 6 năm 2020 diện tích nuôi cá tra trên địa bàn tỉnh ước đạt 107,25 ha. Đến tháng 8 năm 2021 diện tích tăng lên là 2.128,63 ha.
Thứ hai, chất lượng, hiệu quả phát triển NTTS từng bước được nâng lên rõ nét. Tổng giá trị xuất khẩu thủy sản Đồng Tháp năm 2022 đạt sản lượng 78.735 tấn, ước đạt 238.837 USD so với năm 2021 đạt sản lượng 74.292,3 tấn, đạt 163.407 USD. Như vậy, so với năm 2021 thì giá trị xuất khẩu thủy sản của tỉnh Đồng Tháp tăng cả về sản lượng và giá trị. Cụ thể tăng 4.442,7 tấn và giá trị tăng 75.430 USD. Theo Báo cáo tình hình kinh tế thủy sản của tỉnh Đồng Tháp năm 2022, tổng thu nhập trung bình của một chủ thể NTTS đạt 65,56 triệu đồng/tháng, cao hơn 1,78 lần so với năm 2015 và cao hơn 4,5 lần mức thu nhập trung bình của một hộ nông dân trồng lúa trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp hiện nay.
Thứ ba, cơ cấu NTTS từng bước được hoàn thiện theo hướng hiện đại, hợp lý. Năm 2022, giá trị toàn ngành thủy sản đạt 302.195 USD, trong đó NTTS đạt 161.870 USD (chiếm 53,6%), khai thác thủy sản đạt 16.715 USD (đạt 5,53%), chế biến thủy sản đạt 102.510 USD (đạt 33,9%), dịch vụ hậu cần nghề cá đạt (1,90%), thương mại thủy sản đạt 32.075 USD (đạt 10,6%). Trong tổng diện tích mặt NTTS sản thì diện tích nuôi cá tra đạt 2.128,63 ha (chiếm 67,86%), nuôi tôm đạt 665 ha (chiếm 21,2%), còn lại 289,11 ha nuôi các loại thủy sản khác (đạt 9,21%).
Thứ nhất, diện tích mặt nước NTTS còn ít chưa tương xứng với lợi thế, tiềm năng của tỉnh. Diện tích mặt nước NTTS của tỉnh còn rất khiêm tốn so với nhiều địa phương khác trong khu vực ĐBSCL và chỉ chiếm khoảng hơn 7,5% tổng số giá trị thủy sản của toàn vùng. Về số lượng các loại thủy sản nuôi trồng: nuôi trồng đạt giá trị 161.870 USD chiếm 53,6%, chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh. Các loại thủy sản nuôi trồng đa phần chỉ tập trung vào một số loại như cá tra, tôm… nhiều loại thủy sản khác có giá trị kinh tế cao chưa được chú trọng đúng mức.
Thứ hai, chất lượng, hiệu quả NTTS chưa đáp ứng được các yêu cầu đặt ra. NTTS phát triển còn mang tính tự phát, thiếu tính ổn định; năng lực cạnh tranh của NTTS còn yếu. Tính tự phát trong phát triển NTTS ở tỉnh chưa gắn với quy hoạch phát triển nông nghiệp trên địa bàn mà phần lớn phát triển mang tính tự phát. Đóng góp của NTTS đối với sự phát triển kinh tế của địa phương còn khá khiêm tốn, chỉ chiếm 5,09% tổng giá trị sản phẩm toàn ngành nông, lâm, ngư nghiệp. Mối liên kết, hợp tác trong sản xuất – kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm còn lỏng lẻo…
Thứ ba, NTTS phát triển chưa cân đối, còn mang tính tự phát, thiếu tính ổn định. Việc phát triển NTTS mới chỉ tập trung ở một số huyện như: Thanh Bình, Tân Hồng, Tam Nông, Thanh Bình… Trong khi một số huyện, thành phố khác như: Cao Lãnh, Sa Đéc, Lấp Vò… mặc dù cũng có những điều kiện nhất định nhưng không thể phát triển vì một số nguyên nhân như: diện tích mặt nước nuôi trồng ít; số lượng lao động làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp không nhiều; thiếu vốn, khoa học công nghệ, nhất là kinh nghiệm trong phát triển NTTS.
Một là, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các chủ thể, lực lượng trên địa bàn tỉnh về phát triển NTTS. Đây là giải pháp cơ bản, quan trọng hàng đầu, nhằm giúp cho các chủ thể hiểu sâu sắc về tầm quan trọng và lợi ích của việc phát triển NTTS, từ đó thống nhất tư tưởng, hành động và là cơ sở quan trọng để thực hiện tốt các mục tiêu đã đề ra. Để nâng cao nhận thức của các chủ thể về phát triển NTTS, cần thực hiện tốt việc lựa chọn nội dung tuyên truyền phù hợp với thực tiễn, đa dạng hóa các hình thức, biện pháp tuyên truyền…
Hai là, tiếp tục hoàn thiện công tác quy hoạch và cơ chế chính sách để thúc đẩy NTTS phát triển. Phải có quy hoạch tổng thể và quy hoạch chi tiết. Thông qua quy hoạch sẽ xác định được các tiềm năng, các nguồn lực và khai thác nguồn lực đó có hiệu quả. Để xây dựng tốt quy hoạch phát triển NTTS cần đảm bảo tốt một số nội dung sau: xây dựng và hoàn thiện các chương trình, kế hoạch phát triển NTTS gắn với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế của tỉnh; xây dựng quy hoạch phát triển các loại hình NTTS trên cơ sở tiềm năng, lợi thế của từng vùng và gắn với quy hoạch của từng huyện.
Ba là, phát huy có hiệu quả các nguồn lực trong quá trình phát triển NTTS của tỉnh. Để phát huy hiệu quả các nguồn lực trong phát triển NTTS trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp cần thực hiện đồng bộ một số biện pháp sau: Về vốn sản xuất kinh doanh: cần có sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp, các ban ngành giúp cho người nuôi có thể tiếp cận với các nguồn tín dụng cả ưu đãi và không ưu đãi. Về xây dựng kết cấu hạ tầng: Tỉnh cần đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội ở nông thôn, xây dựng các cụm kinh tế, văn hóa với hệ thống hạ tầng trường học, trạm y tế, nông thôn…; các hồ nước, các trạm bơm, hệ thống kênh mương nội đồng phục vụ cho việc nuôi trồng vào mùa khô. Về ứng dụng khoa học công nghệ: cần phải đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ, tiếp tục đưa tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất
Bốn là, tăng cường hoạt động liên doanh, liên kết, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Đẩy mạnh liên doanh, liên kết, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm NTTS là giải pháp quan trọng nhằm liên kết “bốn nhà” bao gồm: Nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp và nhà nông, trong đó trực tiếp là chủ thể khai thác và NTTS, có ý nghĩa rất quan trọng, quyết định thúc đẩy phát triển NTTS từ khâu đầu vào, đến quy trình sản xuất và đầu ra của sản phẩm. Trong đó, Nhà nước đóng vai trò trung tâm, thông qua việc ban hành các chính sách, giải pháp về kinh tế xã hội, nhằm gắn kết nhà khoa học, doanh nghiệp và chủ thể khai thác, NTTS vào giải quyết nguồn vốn, chuyển giao công nghệ và đầu ra cho sản phẩm trong quy trình NTTS.
Để phát triển NTTS trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp cần quán triệt tốt các quan điểm, đồng thời tiếp tục nghiên cứu các giải pháp phù hợp. Song, trước hết cần nâng cao nhận thức và phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND cùng các cơ quan chức năng của tỉnh đối với sự phát triển NTTS. Tiếp tục xây dựng môi trường sản xuất kinh doanh và đưa các chính sách hỗ trợ phát triển. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện công tác quy hoạch, cơ chế chính sách khuyến khích NTTS phát triển; phát huy hiệu quả các nguồn lực cùng với việc tăng cường hoạt động liên doanh, liên kết, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm từ NTTS, nhằm đưa NTTS của tỉnh phát triển nhanh, mạnh và vững chắc.
Đinh Tấn Đức
Thượng sĩ, Học viên, Trường Sĩ quan Chính trị, Bộ Quốc phòng
Danh mục tài liệu tham khảo